Ấn tượng những kỷ lục ở chùa Linh Phước-Đà Lạt
- Văn hóa - Giải trí
- 17:14 - 29/07/2015
Đà Lạt những ngày mưa sướt mướt do ảnh hưởng của bão, hoa vẫn nở bời bời trên khắp các nẻo đường. Không biết tại sao, Đà Lạt lại có nhiều địa danh gắn với sự chia lìa trong tình yêu đến vậy? Đã có chuyện tình Langbiang hóa thành sông thành núi còn chưa đủ lại phải thêm những Đồi Thông Hai Mộ, Hồ Than Thở, Thung Lũng Tình Yêu... Vậy nên nhất định phải có chùa Linh Phước là để mọi người đến vừa chiêm ngưỡng các kỷ lục vừa là để trải lòng khi cuộc tình vừa ra đi, khi lòng đang rối bời với bao nhiêu bất ổn, ngang trái trong đời sống.
Chùa Linh Phước nằm cách thành phố khoảng 8 cây số, còn được gọi là chùa Ve Chai. Gọi vậy vì rất nhiều công trình trong chùa được ghép bằng những mảnh ve chai và ở trong sân chùa có con rồng dài 49 mét được ghép bởi 12.000 ngàn vỏ chai bia. Chùa Linh Phước có 03 khu, ngay ngoài cổng vào, ấn tượng nhất là Chánh điện rộng 12 mét, dài đến 33 mét với bức tượng Phật Thích Ca cao 4,9 mét phía sau có cây bồ đề. Phía trước là hai hàng cột đều có hình rồng ghép bằng mảnh sành, sứ uốn lượn rất uyển chuyển đang chầu Phật.
Hai bên vách chánh điện từ ngoài thẳng vào trong phần dưới khảm chai đà trông giống như đóng lam-ri bằng cây trúc. Phía trên điêu khắc những bức tranh về những điển tích kinh A-di-đà, Quán Vô Lượng Thọ và kinh Pháp Hoa. Phía sau Tổ đường thờ Tổ Bồ-đề-đạt-ma, bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ, tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng làm du khách phải kinh ngạc.
Phía sau Chánh điện là nơi đặt Tượng sáp giống hệt người thật của Đại lão Hòa thượng Minh Hạ Đức. Nếu lần đầu tiên nhìn thấy pho tượng này nhiều người sẽ lầm tưởng đây là người thật vì từ da, tóc hay từng nếp nhăn và thần thái của pho tượng đều rất sống động. Đại lão Hòa thượng Minh Hạ Đức, thế danh Nguyễn Khắc Dần, sinh năm 1901 tại Quảng Ngãi. Năm 17 tuổi, ông xuất gia tu học tại chùa Sắc Tứ Phước Quang ở Quảng Ngãi. Ông là người rất tinh thông về Nho học và còn học thêm về đông y để cứu đời, khai đạo. Năm 1960, ông trụ trì chùa Linh Phước, Đà Lạt. Đến năm 1984, ông về lại chùa Bửu Long ở Quảng Ngãi để an dưỡng và qua đời tại đây một năm sau.
Cạnh Chánh điện còn có gian trưng bầy rất nhiều đồ vật quý giá như ngọc trắng, giường gỗ cổ, tượng Phật cổ... Ngoài ra còn có một khu ẩm thực với rất nhiều đồ ăn chay, giá rất rẻ - chỉ 15 ngàn đồng một suất.
Khu thứ ba của chùa Linh Phước là nơi lưu giữ hai kỷ lục Việt Nam đó là bức tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát trong nhà bằng bê tông cốt thép cao nhất Việt Nam. Bên cạnh đó là bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát độc đáo nhất hiện nay vì tượng được kết hoàn toàn bằng hoa bất tử - loại hoa đặc trưng của Đà Lạt. Bức tượng được ghi vào sách kỷ lục này có chiều cao 17 mét, nặng 2 tấn, do khoảng 700 ngàn bông hoa kết thành. Tượng hoàn thành vào năm 2010 trong dịp tổ chức Festival hoa Đà Lạt.
Nhưng ấn tượng nhất, là Linh tháp 7 tầng trước Long Hoa Viên. Linh tháp này cao 37 mét – đang được coi là tháp chuông cao nhất Việt Nam hiện nay. Ở đây, trên các tầng tháp đều có rất nhiều tượng Phật quý, giống như bảo tàng viện. Tuy nhiên, du khách quan tâm nhiều nhất khi đến đây là Đại hồng chung được treo ở ngay lầu 1 của tháp. Quả chuông này được chọn đúc vào năm Kỷ Mão 1999, chuông cao tới 4,3 mét, đường kinh 2,3 mét và nặng 8,5 tấn. Chuông được các nghệ nhân nhiều đời đúc chuông ở Huế vào đúc trong một năm, với sự đóng góp của Phật tử thập phương.
Đang là chính ngọ, giờ được coi là linh ứng cho những ai phát tâm cầu nguyện. Trong tháp chuông có đến vài chục người, hầu hết là nữ. Thấy tôi tần ngần, Thày giữ chuông bảo:
- Có gì buồn trong lòng, có gì muốn nói mà không nói được con cứ viết vào đây rồi dán lên quả chuông thì Phật sẽ chứng cho.
Chờ đến lượt mình, tôi thấy một cô gái còn rất trẻ vừa khóc vừa viết “Đừng buông tay em”, ở phía bên cạnh là một người phụ nữ đã lớn tuổi: “Con cầu Đức Phật phù hộ cho chồng con mau khỏi bệnh để gia đình con lại được vui vẻ như trước”. Dán tờ giấy có lời cầu Phật của mình lên quả chuông xong, tôi cố tính đọc những mảnh giấy của người khác nhưng không được vì nó nhiều quá và chữ lại nhỏ.
- Thưa thày! Tôi hỏi. Hàng ngày có nhiều người đến có đông người đến dán giấy lên Đại hồng chung để cầu Phật không?
- Đông lắm, chỉ và tiếng là lại phải gỡ đi mới có chỗ cho người sau đến dán. Cuộc sống luôn có những chuyện không như mình muốn, những việc mình mong có được. Thày ở gác chuông này đã nhiều năm thì thấy, phần lớn tín chủ đến cầu cho gia đình, người thân được khỏe mạnh, may mắn trong cuộc sống. Những người còn trẻ thì cầu mong gặp được người yêu như ý, thi cử đỗ đạt.
Chùa Linh Phước ngoài rất nhiều kỷ lục, còn lưu truyền hai hiện tượng lạ. Năm 2010, sau khi xây xong Bảo tháp người ta cho di rời hài cốt của Đức hòa thượng Thượng minh Hạ Đức từ Quảng Ngãi vào. Thật kỳ lạ, sau 26 năm, lúc khai quật, dù kim quan đã mục nát biến thành đất thì nhục thân của hòa thượng vẫn còn nguyên vẹn. Tại ngôi chùa này còn xuất hiện một hiện tượng vô cùng kỳ lạ và lý thú, thu hút hàng ngàn người hiếu kỳ đổ về xem. Đó là việc liên tục trong nhiều ngày, trên đỉnh bảo tháp của chùa Linh Phước xuất hiện một quầng sáng nhiều màu sắc trông rất đẹp mắt. Hiện tượng kỳ thú này xuất hiện 3 lần liên tiếp như báo trước điềm lành đang đến cùng xứ sở ngàn hoa./.