CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:02

Da giày “đón sóng” xuất khẩu 2016

 

Doanh nghiệp lớn, nhỏ đã sẵn sàng 

Bà Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định về khả năng xuất khẩu tăng trong năm 2016, là do năm 2015, các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành đều đạt tốc độ tăng trưởng tốt, tiêu biểu như thị trường Hoa Kỳ tăng hơn 20%, thị trường EU tăng hơn 10%, đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng vượt bậc với gần 50% so với năm 2014. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp da giày trong nước đều có sự đổi mới về sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... đã đến Việt Nam xây dựng nhà máy để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ cũng như những ưu đãi mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU mang lại, sau đó xuất khẩu ngược trở lại.

Chiếm tới hơn 70% kim ngạch xuất khẩu ngành da giày, vì thế các doanh nghiệp FDI đang được coi là có nhiều lợi thế hơn cả để tận dụng cơ hội vàng từ FTA. Cũng giống như dệt may, các sản phẩm giày dép xuất sang EU sẽ được hưởng mức thuế về 0% trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, theo bà Xuân: “Khi mở cửa thị trường sẽ không phân biệt doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp nội địa, vì bất cứ doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi từ FTA, cuộc chơi chỉ dành cho những doanh nghiệp đáp ứng tốt các tiêu chí và yêu cầu của thị trường”.

Ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Giám đốc Cty TNHH da giày Phong Châu cho hay, năm 2015, Cty đã tích cực mở rộng thị trường mới sang các nước châu Phi, ASEAN… giá trị xuất khẩu giày dép của Cty  tăng 5 - 7% so với năm 2014. Năm 2016, Cty vẫn tiếp tục định hướng này, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường mà Cty đã có sự kết nối, cùng với việc tìm kiếm thêm đối tác, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Còn theo bà Lê Quỳnh Trâm, Giám đốc Cty TNHH Lavie Shoes, Cty hiện vẫn sản xuất theo hợp đồng gia công, quy mô nhỏ nên giá trị doanh thu phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường. Dự kiến trong năm 2016, với sự thuận lợi từ các FTA, cùng sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất về Việt Nam, Cty đã và sẽ ký kết được nhiều hợp đồng hơn và sẽ tính tới mở rộng sản xuất trong những năm tiếp theo...

 

Nhu cầu lao động ngành da giày sẽ tăng cao

Mặc dù giá trị gia tăng của ngành da giầy không lớn nhưng với trên 800 doanh nghiệp, gần 1 triệu lao động, ngành da giầy đã mang lại công việc cho số lượng lớn lao động phổ thông, trong đó nữ chiếm tới 85%. Cùng với những hợp đồng vào thị trường EU dự báo khả quan trong năm 2016, các doanh nghiệp da giày đều khẳng định, nhu cầu tuyển dụng lao động ngành da giày theo đó sẽ tăng lên.

Khi ngành da giày Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu với lợi thế về nguồn nhân lực “vàng” sẽ tạo điều kiện làm tốt các khâu sử dụng nhiều lao động, đồng thời không có hiện tượng gian lận thương mại và đã bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu lớn - ông Vương Đức Anh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích. Ông Đức Anh cũng bày tỏ sự lạc quan, giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường TPP và EU, tạo ra nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam, tăng khả năng xuất khẩu, thu hút đầu tư vào Việt Nam, và tạo thêm việc làm cho người lao động...

Các FTA cũng như AEC chính là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành da giày, mang đến cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra sức ép không nhỏ lên các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngay trong năm 2015, nhiều thị trường truyền thống của da giày Việt Nam đã có những thay đổi về hàng rào phi thuế quan gây khó cho doanh nghiệp như sự thay đổi các tiêu chí an toàn về hóa chất, vật liệu trong đạo luật về hóa chất REACH của EU…Chưa kể, thị trường da giày nội địa là vô cùng lớn, đã giúp cho nhiều lao động có việc làm, nhưng các doanh nghiệp ít chú ý thị trường trong nước, chủ yếu vẫn là đưa các lô hàng bị lỗi, bị tồn kho ra tiêu thụ. Do vậy thị trường nội địa bị hàng Trung Quốc cạnh tranh là đương nhiên, cac doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tư duy để nắm giữ thị phần ngay trên sân nhà.

Cùng với những khó khăn trên, doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều thay đổi, sự tăng chi phí từ các quy định mới trong nước như: Mức lương mới của công nhân, phí đóng bảo hiểm xã hội, chi phí bến bãi, tàu thuyền… Tuy nhiên, với sự lạc quan về một nền kinh tế khởi sắc, cũng như hoạt động giao thương phát triển, các doanh nghiệp da giày đều cho biết, họ sẽ vượt qua khó khăn, để có mức doanh thu tăng trưởng tốt như kế hoạch đã đặt ra.   

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh