Đạ Dâng - Nỗi ám ảnh đang dần nguôi ngoai
- Bài thuốc hay
- 16:11 - 25/02/2015
1. Nhiều bài học đắt giá đã được rút ra sau khi suýt phải đánh đổi bằng 12 sinh mạng khi thi công công trình nhà máy thủy điện Đạ Dâng.
Bài học này không chỉ “thúc” vào tâm thức nhà thầu và những người quản lý công trình thủy điện Đạ Dâng, mà còn là lời nhắc nhở với tất thảy những người làm thủy điện, hầm lò trên khắp mọi miền đất nước.
Thoát chết trong gang tấc, anh Phạm Xuân Đăng vẫn bám trụ lại với Thủy điện Đạ Dâng tâm sự: “Việc làm khó khăn là một nhẽ, nhưng quan trọng hơn là tôi trực tiếp chứng kiến những bản làng người đồng bào dân tộc đang từng ngày mong chờ ánh điện từ công trình. Chính điều này mới đủ sức níu giữ tôi ở lại, dù bạn bè đều khuyên nên trở về quê...”.
Theo lời anh Đăng, lẽ ra có thể tránh được sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đa Dâng vào đầu giờ làm việc sáng 16/12/2014 khiến 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm, nếu các nhân viên kỹ thuật kiểm tra hầm 2-3 lần/ngày.
Anh Đăng thổn thức: “Giờ đây kiên trì bám trụ, chờ công trình được thi công lại, chúng tôi ai nấy đều tự nhủ mình và nhắc nhở, bảo ban nhau cần cảnh giác cao độ, thấy bất cứ điều gì không ổn thì phải báo ngay, đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư có biện pháp bảo đảm an toàn cho anh em chứ không thể lơ là với tính mạng của mình như trước kia nữa”.
Thời điểm xảy ra sập hầm dẫn nước, anh Đăng là một trong những người ở vị trí bị đất đè nặng nhất. Rùng mình nhớ lại sự cố kinh hoàng, anh Đăng kể: Có lúc tưởng chừng đứt hơi vì giá lạnh, toàn thân không còn sức sống, dù biết ở bên ngoài có rất đông người đang nỗ lực cứu hộ, giải thoát cho các nạn nhân, nhưng đôi lúc hoảng loạn, chúng tôi lại chẳng dám hy vọng sẽ có ngày trở về.
Vậy mà, khi lỗ thông khí được khoan, rồi lực lượng cứu hộ đưa sữa vào, được mặc áo ấm, từng người lại dần hồi tỉnh và nuôi dưỡng niềm tin...”.
Tận mắt chứng kiến hàng chục công nhân đang háo hức làm các phần phụ phía ngoài hầm như chạy đua với thời gian, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, tâm tư: “Sau tai nạn xảy ra, chúng tôi thấy cần phải kiểm tra lại toàn bộ các khâu từ khảo sát, thiết kế đến thi công xem có tuân thủ đúng quy trình hay không.
Quan trọng nhất là từng thành viên trong nhà thầu thi công dự án cần rút kinh nghiệm sâu sắc, không thể để một tai nạn tương tự xảy ra”.
2. Những giọt mưa lẫn trong không khí lạnh vẫn rơi đều, thế nhưng không gian xung quanh công trình thủy điện Đạ Dâng đã ấm nồng hơn, nhiều đoàn kỹ sư đang khảo sát để làm rõ nguyên nhân sập hầm.
Những đôi chân thoăn thoắt, tiếng cười nói đã trở về. Kết thúc cuộc điện gọi cho người thân, ông Đặng Hồng Chiến, công nhân còn bám trụ với công trình, tâm sự: “Nếu mình cũng bỏ luôn công trình thì lấy ai làm việc nữa. Hiện tại chưa được thi công trong hầm cho đến khi tìm rõ nguyên nhân. Các công nhân chỉ dọn dẹp các hạng mục phụ bên ngoài”.
Nỗi ám ảnh trong suốt hơn hai ngày mắc kẹt như trong địa ngục ấy, phải bản lĩnh lắm thì các công nhân - những nạn nhân trong vụ tai nạn cùng các đồng nghiệp của họ mới dần nguôi ngoai.
Họ, những người quanh năm lao động trực tiếp trên công trường, ở những vị trí hiểm nguy nhất đã đồng lòng, quyết tâm vượt qua nỗi sợ hãi về những rủi ro tiềm ẩn để tiếp tục làm việc.
Những lời xin lỗi của ông Nguyễn Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng), cùng nhiều kỹ sư giám sát công trình cũng góp thêm niềm tin và sự an tâm với những người lao động. Niềm tin ấy, nỗi kỳ vọng ấy, các công nhân cầu mong không bị đánh mất đi một lần nữa vì sự thiếu cẩn trọng của nhà đầu tư.
Công nhân đào hầm Lê Đức Hải mới vào làm việc tại công trình chia sẻ: “Sau tai nạn kinh hoàng ấy, nhiều người không dám ứng tuyển vào làm việc cho công trình, nhưng tôi vẫn đến để dự tuyển và chờ ngày dự án được thi công. Hy vọng không còn những sự cố đau buồn như đã xảy ra nữa”.
Nạn nhân nữ duy nhất, chị Đặng Thị Hồng Ngọc bàng hoàng nhớ lại: “Khi sự cố sập hầm ập xuống, bốn bề đều tối om, nước dâng dần lên. Toàn thân tê buốt, không còn có cảm giác gì nữa, tôi xác định sẽ ra đi trong hầm tối. Vậy mà điều kỳ diệu đã đến, Tết này chúng tôi vẫn được sum vầy cùng người thân và gia đình. Khi nào sức khỏe hoàn toàn bình phục và giải quyết xong một số việc, nhà máy hoạt động trở lại, tôi vẫn sẽ trở lại công trình Đạ Dâng để làm việc”.
Niềm vui của các nạn nhân khi được hồi sinh trở lại.
3. Tất cả đang kỳ vọng vào ngày mới, vào giai đoạn mới. Theo đại diện chủ đầu tư, hiện tại các hệ thống hầm chính đã bị đình chỉ thi công, các kỹ sư và công nhân chỉ gia cố, sửa chữa bên ngoài để chờ quyết định cho hoạt động trở lại.
Các đoàn khảo sát cũng liên tục về nghiên cứu để tìm cho ra nguyên nhân cũng như các giải pháp hữu hiệu nhất nhằm bảo đảm an toàn khi hệ thống các hạng mục chính hoạt động.
Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Tới đây các bộ, ngành liên quan sẽ phải ngồi lại để bàn bạc kỹ xem hướng giải quyết đối với công trình này.
Việc thi công trở lại nếu có, chắc chắn buộc chủ đầu tư và nhà thầu phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu an toàn của công trình, không để xảy ra các sự cố về tai nạn lao động tương tự”.
* Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra lúc 7 giờ sáng 16/12/2014 khi các công nhân đang thi công trong đường hầm thì bất ngờ hầm bị sập, 12 người không thoát ra kịp. Theo đơn vị thi công (Cty cổ phần Sông Đà 505), công trình thủy điện này được khởi công cách đây 11 năm và qua nhiều lần thay đổi chủ. Đây là hệ thống thủy điện liên hoàn, trong đó thủy điện Đạ Dâng công suất 14MW và Đạ Chomo công suất 19MW. Theo thiết kế, đường hầm dẫn nước (tuyến năng lượng) này có chiều cao và rộng 4,7m, dài gần 712m, khi thi công đến 600m thì xảy ra sự cố sập hầm. * Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, trong quá trình kiểm tra, khảo sát công trình thủy điện Đạ Dâng có 3 nội dung quan trọng cần làm rõ là: Rà soát công tác quản lý đầu tư xây dựng, thi công và chất lượng các hạng mục công trình; đối chiếu với pháp luật hiện hành, chú trọng các tiêu chuẩn và quy chuẩn; giám định nguyên nhân sự cố, tập trung đánh giá chất lượng của khu vực sập đường hầm dẫn nước. |