THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:02

Cứu 12 công nhân trong vụ sập hầm Nhà máy thủy điện ở Lâm Đồng: Sáng đẹp tình người

     Vụ sập hầm thủy điện tại Nhà máy Thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo xảy ra lúc 7 giờ 30 sáng 16/12, khi các công nhân đang khoan hầm. Chỗ sập cách cửa hầm khoảng 300-500m, kéo dài khoảng 6m, 12 công nhân mắc kẹt ở bên trong. Trong suốt  81 giờ sau bao nỗ lực, bất chấp nguy hiểm của gần 1.000 người tham gia cứu hộ, 12 nạn nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện đã được đưa ra ngoài an toàn.

     Trong suốt những ngày qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã liên tục có mặt tại hiện trường để chỉ đạo sát sao mọi lực lượng tập trung cứu hộ các nạn nhân đang bị mắc kẹt trong hầm, với phương châm “nỗ lực đến cùng”, “còn nước còn tát”. Là một trong những người có mặt tại thời điểm thông hầm, ông Phạm Đình Hiếu, chỉ huy trưởng công trình thủy điện Đạ Dâng cho biết, khi ra khỏi hầm 12 công nhân đều đi lại bình thường.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, lãnh đạo Cục ATLĐ, Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng thị sát công tác cứu hộ.

      Có mặt tại hiện trường ngay sau khi nạn nhân đầu tiên được giải cứu, Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Anh Thơ cho biết: Sau khi lực lượng cứu hộ đưa được 12 công nhân bị mắc kẹt ra ngoài theo đường ngách hầm bên trái do lực lượng công binh phụ trách. Các công nhân được đưa ngay vào lán trại dã chiến để được chăm sóc sức khỏe, truyền nước, thở bình ôxy... Hơn 20 người là thân nhân các nạn nhân ùa đến muốn được lại gần người thân sau gần 4 ngày thắt ruột mong chờ nhưng lực lượng chức năng ngăn lại để đảm bảo ổn định tâm lý, sức khỏe cho các nạn nhân.

     Ngay sau khi  được đưa ra khỏi đường hầm, 12 công nhân được chuyển ngay về 3 lán trại y tế dã chiến và  lán trại dã chiến của Ban chỉ huy để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Theo một bác sỹ, sức khỏe của 12 công nhân khá ổn, tại các lán trại y tế, các y, bác sỹ chủ yếu lau rửa và chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân. Chia sẻ với PV Báo LĐ&XH, anh Phạm Xuân Đăng, một trong những nạn nhân vừa được đưa ra khỏi hầm thủy điện, vui mừng cho biết: “Tôi là một trong những người ở vị trí bị đất đè nặng nhất. Có lúc tưởng chừng đứt hơi vì lạnh và rét. Toàn thân không còn sức sống, luôn nghĩ chẳng còn hi vọng được đoàn tụ cùng gia đình. Thế mà, lực lượng cứu hộ đưa sữa vào, áo ấm vào, tôi dần hồi tỉnh lại, anh em trong hầm cũng vui sướng và tin tưởng, nhất là khi lỗ thông khí được khoan. Bây giờ, dù bị nặng nhất nhưng tôi thấy sức khỏe không nghiêm trọng lắm”.

Niềm vui của những người trực chiến không kể đêm ngày trong vụ giải cứu.

Lần lượt 12 nạn nhân được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài an toàn.

Lực lượng công binh nhanh chóng đưa nạn nhân lên xe cấp cứu.

     Nạn nhân nữ duy nhất là Đặng Thị Hồng Ngọc cũng vỡ òa xúc động. Chị bộc bạch: “Khi sự cố sập hầm ập xuống, bốn bề đều tối om, nước dâng dần lên. Toàn thân tê buốt, không còn cảm giác gì nữa. Tôi xác định, sẽ chết chắc trong hầm này. Tết này không được đoàn tụ cùng gia đình nữa. Bao nhiêu dự định xem như tan biến hết. Vậy mà điều kỳ diệu nhất đã xảy ra, tôi đã được giải cứu. Hiện trong người đang rất mệt nhưng không còn khó thở và run như trước nữa...”

       Vẫn nghĩ mọi chuyện như một giấc mơ, nạn nhân trẻ nhất trong vụ tai nạn nghiêm trọng này là anh Phạm Viết Lành (20 tuổi), cho biết: “Em dự định Tết này sẽ về quê để cưới vợ. Khi hầm sập, tất cả đều tăm tối, không lối thoát, dự định có vợ coi như không bao giờ thành hiện thực. Không có một phần trăm hi vọng nào để sống sót ra khỏi hầm cả. Vậy mà giờ đây đã được giải cứu một cách an toàn. Tất cả với em như một giấc mơ vậy”. Chị Thảo, vợ nạn nhân Hoàng Anh Văn cảm động cho biết: “Gia đình tôi sau khi biết sự việc này lòng đau như cắt. Bốn ngày qua gần như không thể chợp mắt. Vài người họ hàng còn chuẩn bị lo lắng hậu sự rồi. Từ lúc vào Lâm Đồng đến nay tôi cũng không còn thiết tha gì nữa. Thế mà điều kỳ diệu đã đến”.

     Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Công binh cho biết: Trong việc giải cứu này gặp một điều hết sức may mắn là khi lực lượng công binh đào hầm bên trái được khoảng 15m thì gặp một lỗ có sẵn nằm ven vách đường hầm chính thông với vị trí 12 công nhân bị mắc kẹt. Lực lượng công binh đã theo đường đó vào giải cứu 12 công nhân. Nếu phải đào hầm thì tốn rất nhiều giờ mới có thể tiếp cận được vị trí của 12 công nhân bị mắc kẹt. Nhờ yếu tố quan trọng này nên cuộc giải cứu đã thành công một cách toàn vẹn nhất”.

      Có mặt tại hiện trường, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Rất vui! Vui không thể tả!". Còn Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến thì nghẹn lời:  "Không có niềm vui nào hơn lúc này. Họ đã làm được điều kỳ diệu!".  

     Ngày 18/12, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cùng  Thanh tra  Bộ, Cục An toàn Lao động và Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng đã trực tiếp có mặt trong hầm thủy điện cùng các lực lượng cứu hộ của công an, quân đội và lực lượng cán bộ kỹ thuật, thợ đào lò có kinh nghiệm của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam…triển khai công tác cứu hộ, tiếp tế thực phẩm là cháo, sữa, nước gừng qua các đường ống đã được khoan thông từ ngoài vào khu vực các nạn nhân bị mắc kẹt.

 

Danh sách 12 nạn nhân được giải cứu trong vụ sập hầm

1. Phạm Xuân Đăng, SN 1964, ở xã Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc

2. Nguyễn Anh Tuấn, SN 1981, ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh

3. Phạm Viết Lành, SN 1994, ở huyện Thanh Chương, Nghệ An

4. Phạm Viết Nam, SN 1973, ở huyện Nam Đàn, Nghệ An

5. Đặng Thị Hồng Ngọc, SN 1988, ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An

6. Trương Tuấn Việt, SN 1984, ở quận Hà Đông, Hà Nội

7. Nhỡ Văn Tường, SN 1986, ở TP Phủ Lý, Hà Nam

8. Hoàng Tiến Đoàn, SN 1989, ở TP Nam Trực, Nam Định

9. Hoàng Anh Văn, SN 1980, ở TP Nam Trực, Nam Định

10. Hoàng Đình Hường, SN 1984, ở Nam Định

11. Hoàng Đình Thịnh, SN 1986, ở huyện Nam Trực, Nam Định

12. Nguyễn Văn Quang, SN1976, ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Thu Hà- Hà Đạo- Ngọc Ước-Văn Lý

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh