CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:04

Vụ sập hầm tại Lâm Đồng: Giành giật sự sống cho 12 công nhân

Nghe được tiếng nói của công nhân bị mắc kẹt

     Vụ sập hầm thủy điện xảy ra khoảng 7 giờ sáng ngày 16/12, khiến 12 công nhân mắc kẹt. Vị trí sập cách cửa hầm khoảng 500m. Ngay sau khi nhận được tin báo, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện, sử dụng các biện pháp để tập trung ứng cứu, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn đối với các nạn nhân còn bị mắc kẹt trong hầm. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 7, các đơn vị đóng quân trên địa bàn và các đơn vị liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

Lãnh đạo tỉnh trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo công tác cứu hộ

      Ông Nguyễn Duy Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, công trình thuỷ điện Đạ Dâng – Đa Chomo gồm hai nhà máy thuỷ điện liên hoàn. Nhà máy Đạ Dâng đặt trên dòng sông Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương) và Nhà máy thuỷ điện Đa Chomo trên suối Đa Chomo (nhánh của sông Đạ Dâng, tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà), công trình thi công năm 2004. Nguyên nhân sập hầm, bước đầu ghi nhận do sự cố về địa chất.

      Theo thiết kế, đường hầm dài khoảng 700m, thi công khoảng 600m thì xảy ra sự cố. Quá trình thực hiện cứu hộ, đến 19 giờ 45 ngày 16/12, sau 26m khoan, lực lượng cứu hộ đã xuyên thủng đoạn hầm thủy điện bị sập. Phía ngoài đã nghe được tiếng nói của người mắc kẹt từ bên trong vọng ra. Đến chiều 17/12, sức khỏe của 12 công nhân bị kẹt trong hầm vẫn ổn định, 12 bình ôxy, nước gừng và sữa được chuyền vào bên trong qua ống thông vừa khoan được để các công nhân cầm cự trong tình trạng nước đang ngập qua đầu gối...

     Là người chạy thoát khỏi hầm ngay khi đất đá bắt đầu đổ xuống, anh Nguyễn Văn Tuấn (công nhân Cty cổ phần Sông Đà 505) vẫn chưa hết hoảng loạn, kể: “Kíp làm việc ngày 16/12 có 15 người nhưng khi xảy ra sập hầm mới có 12 người vào trong, tôi và 2 người nữa đi phía sau nên kịp chạy ra ngoài. Khi chúng tôi chạy ra kêu cứu, rồi chạy vào, hầm vẫn chưa bị lấp hẳn, nhìn từ ngoài vẫn còn có thể thấy được bên trong. Tuy nhiên sau đó, đất đá tiếp tục đổ xuống và lấp hẳn. Khoảng 1 giờ sau khi xảy ra tai nạn, lực lượng cứu hộ mới đến được hiện trường”.

Triển khai phương án cứu hộ trong đường hầm

Chạy đua với nước dâng trong hầm

     Sáng 17/12, một nhóm cứu hộ được đưa sâu vào trong đường hầm để triển khai phương án cứu hộ mới là dựng hầm nhỏ hình chữ A, ngăn hầm sập và đá rơi. Trước đó, hàng chục chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh 25 Quân khu 7 đã có mặt tại hiện trường, tiến hành đào bên trong đường hầm. Hơn 30m3 gỗ đã được chuyển vào hầm để nẹp các giá chống đỡ đường vào hầm. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng điều động 100 chiến sỹ đến phối hợp cứu hộ với nhiệm vụ chính là vận chuyển gỗ, các vật liệu, trang thiết bị về khu vực tập kết để chuyển vào bên trong hầm.

      Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng sau khi khảo sát tình hình tại hiện trường sập đường hầm vào chiều 17/12, nhận định, tình hình rất cấp bách do nước bên trong đường hầm đã lên đến hơn 1m. Theo đó, lực lượng chức năng phải tính đến 3 phương án triển khai từ 3 hướng, 2 hướng ở hai đầu đường hầm và một hướng từ bên trên đỉnh đồi xuống. Riêng phương án khoan từ trên xuống sẽ áp dụng phương pháp khoan cột nhồi. Nhiệm vụ quan trọng nhất là phải rút cho bằng được lượng nước từ bên trong đường hầm - nơi các nạn nhân bị kẹt, đồng thời khẩn trương tiến hành đào hầm, lắp ống sắt có đường kính lớn để các nạn nhân thoát ra ngoài.

     Đến tối 17/12, việc liên lạc giữa các nạn nhân với bên ngoài vẫn qua đường ống nhỏ nên rất khó khăn, thiết bị liên lạc chuyên dụng của quân đội vẫn chưa có cách nào đưa vào. Ngoài việc bơm nước và khoan đào trực tiếp tại địa điểm bị sập, chiều 17/12, một tốp cứu hộ cũng đã tiến hành khoan ở đầu đường hầm thủy điện bên kia với mục đích đưa đường ống vào hút nước ra ngoài. Đây là đoạn còn lại của đường hầm dẫn nước thủy điện chưa được thông, với chiều dài còn lại khoảng 100m. Trong khi đó, trên ngọn đồi bên trên đường hầm bị sập có 2 hố sâu nằm cách nhau khoảng 9m. Nếu trời mưa lớn, 2 hố sâu này sẽ là nơi có nguy cơ gây nhiều nguy hiểm cho đường hầm nên đơn vị thi công đã tiến hành cho phủ bạt và rào chắn, cắm biển báo trong khu vực.

     Có mặt tại hiện trường vào chiều 17/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, đã đình chỉ thi công đối với công trình thủy điện này, đến khi nào cả 2 Bộ Công Thương và Xây dựng đồng ý thì mới được thi công trở lại. Tuy nhiên, theo ông Lê Việt Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Nhôm Lâm Đồng, sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể đào thông qua được lớp đất đá dày đến 35m, sớm nhất cũng phải 2 ngày việc này mới tiến hành xong.

V. LÝ (tổng hợp)_ Ảnh: Ng.Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh