THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:01

Đã có quy định cụ thể về thủ tục xác nhận liệt sĩ, thương binh

 

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành các chính sách cụ thể để giải quyết những bất cập trên.

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau: 

Về xác nhận liệt sĩ, thương binh đối với trường hợp bị bắt, tra tấn: Theo quy định tại Điều 11, Điều 19 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục kiên quyết đấu tranh mà bị hy sinh, bị thương (để lại thương tích thực thể) thì được xem xét, xác nhận liệt sĩ, thương binh.

Theo đó, đối với trường hợp xác nhận liệt sĩ: Theo quy định tại Khoản 11 Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những trường hợp hy sinh từ ngày 31/12/1994 trở về trước đã được ghi là liệt sĩ trong Giấy báo tử trận; Huân chương; Huy chương; Giấy chứng nhận đeo Huân chương; Giấy chứng nhận đeo Huy chương; Bảng vàng danh dự; Bảng gia đình vẻ vang; danh sách liệt sĩ lưu trữ tại các trung đoàn và tương đương trở lên; lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản; báo cáo hàng năm từ trước năm 1995 của các cấp ủy đảng được lưu giữ tại cơ quan có thẩm quyền của Đảng được xem xét, giải quyết xác nhận là liệt sĩ.

Trường hợp xác nhận thương binh: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc cấp giấy chứng nhận bị thương căn cứ một trong các giấy tờ có ghi nhận bị tù đày và vết thương thực thể được xác lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước: Lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân hoặc hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Về giám định vết thương còn sót: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, người bị thương đã giám định thương tật nhưng còn sót vết thương chưa giám định thì được giám định bổ sung và tổng hợp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ ưu đãi.

Theo đó, thủ tục hồ sơ giám định vết thương còn sót không cần xác định do bản thân đối tượng khai thiếu vết thương hay do Hội đồng giám đinh y khoa giám định còn sót, mà phải căn cứ vào giấy chứng nhận bị thương và được áp dụng trong hai trường hợp:

- Trường hợp khám sót vết thương: Giấy chứng nhận bị thương ghi nhiều vết thương nhưng khi giám định, Hội đồng giám định y khoa không khám đủ các vết thương đó, trường hợp này cần đối chiếu giấy chứng nhận bị thương và biên bản giám định thương tật.

- Trường hợp còn mảnh kim khí trong cơ thể: Chỉ được coi là sót mảnh kim khí trong cơ thể nếu giấy chứng nhận bị thương và biên bản các lần giám định y khoa trước đây không thể hiện có mảnh kim khí trong cơ thể nhưng nay qua chụp, chiếu kết luận còn mảnh kim khí hoặc phát hiện thêm mảnh kim khí khác ngoài những mảnh đã được phát hiện trước đây.

Như vậy, thủ tục, hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh đối với trường hợp bị địch bắt, tra tấn được quy định cụ thể. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rất mong Đoàn Đại biểu Quốc hội nêu rõ bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện để nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện pháp luật về người có công với cách mạng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh