Cứu thành công ca bệnh chưa từng có trong y văn thế giới
- Tây Y
- 20:16 - 30/03/2017
Bệnh nhi quê ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Sau khi sinh được 10 ngày cháu bắt đầu quấy khóc, bỏ bú và tím tái nhanh chóng, ý thức lơ mơ, suy hô hấp nặng nên gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực khám và chẩn đoán sơ bộ tim bẩm sinh và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Các bác sĩ đang thực hiện ca phẫu thuật
Trước cơn nguy kịch của bệnh nhi, các bác sĩ đã can thiệp mở ống động mạch tái lập lại nguồn cung cấp oxy cho cháu bé để chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhi bị ngừng thở, phải cấp cứu thở máy và được đưa ngay đến phòng can thiệp tim mạch nhằm tạo một con đường cung cấp dòng máu có oxy khác để giữ bé sống tạm thời.
Khi chuẩn bị phẫu thuật, các bác sĩ bất ngờ phát hiện cháu bé còn bị một một bệnh bất thường điện tim kiểu Wolff-Parkinson-White. Sự kết hợp hai loại bệnh phức tạp và nguy hiểm này khiến các bác sĩ vô cùng lo lắng, vì tìm kiếm y văn trên thế giới không có bằng chứng và trường hợp nào tương tự như vậy để tham khảo cách giải quyết.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng đơn vị Rối loạn nhịp tim, vì không thể giải quyết triệt để cùng một lúc trong một cuộc mổ, nên sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định thăm dò điện sinh lý để đánh giá mức độ nguy cơ rối loạn nhịp do đường dẫn truyền bất thường có thể gây ra.
Tại phòng can thiệp rối loạn nhịp, ngay sau khi gây mê và bắt đầu thủ thuật, một cơn tim nhanh nguy kịch đột ngột xuất hiện, em bé tím tái, mạch không bắt được, huyết áp gần như không có. Mặc dù đã được kích thích cơ tim bằng xung điện tần số cao để cắt cơn tim nhanh, nhưng các cơn tim nhanh khác lại nối tiếp nhau xuất hiện thách thức nhóm can thiệp.
PGS.TS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết: “Đối với bệnh chuyển gốc động mạch, nếu không được phẫu thuật sớm, 50% trường hợp sẽ tử vong trong giai đoạn sơ sinh và 90% tử vong trong năm đầu đời”. Do đó, sau khi phân tích tất cả các đặc điểm điện tim và hình thái bất thường về cấu trúc quả tim, bác sĩ quyết định triệt đốt và phải thực hiện nhanh, gọn, hạn chế kích thích cơ học gây cơn tim nhanh, hạn chế xâm nhập gây sang chấn.
Và chỉ 15 phút can thiệp, cả ê kíp thực hiện vỡ òa niềm vui vì mục tiêu đã đạt được. Chỉ 8 ngày sau mổ và 18 ngày nằm viện, cháu bé đã được xuất viện.