Phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi đứt dây thần kinh giữa cổ tay
- Sức khỏe
- 14:47 - 01/09/2016
Bệnh nhân là bé Vũ Mạnh Dương, 10 tuổi. Chị Nguyễn Thu Trang, mẹ bé Dương (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Lúc chơi đùa với bạn, Dương đã chạy vào nhà vệ sinh. Nhưng do đóng cửa mạnh quá, chốt cửa rơi xuống và tự khóa bên trong. Do không mở được cửa nên Dương hốt hoảng rồi dùng tay phải của mình đấm vào cánh cửa kính. Cửa vỡ, kính rơi xuống, cạnh kính cắt đứt các gân, động mạch của cháu. Rất may là mọi người kịp đưa cháu đến Bệnh viện.
Bác sĩ Hoàng Hải Đức đang hỏi thăm, chăm sóc sức khỏe cho bé Dương
Là một trong những người trực tiếp phẫu thuật cho bé Dương, Bác sĩ Hoàng Hải Đức, Phó Trưởng Khoa Chỉnh hình nhi cho biết: Bé Dương nhập viện trong tình trạng bị đứt dây thần kinh giữa, đứt cơ gân gan tay lớn bé, đứt gân cơ chủ trước, đứt gân gấp chung nông của ngón 2,3,4,5, rách thành động mạch quay,... Vì là trẻ em, các cơ, gân, dây thần kinh đều rất bé nên đây là một ca không quá khó, nhưng lại khá phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bác sĩ trong ekip.
Ngay lập tức, lãnh đạo Bệnh viện huy động, sắp xếp kíp mổ. Thành phần gồm có các bác sĩ chuyên về nối gân, nối dây thần kinh, nối mạch máu, chỉnh hình, phục hồi chức năng,… sử dụng kính vi phẫu và các thiết bị hiện đại nhất hiện nay. Tất cả các bác sĩ đã phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, tỉ mẩn, sau 3 tiếng ca phẫu thuật hoàn thành.
Theo bác sĩ Đức, hiện tại sức khỏe của bé Dương đã ổn định. Bàn tay bé đã hồng trở lại. Bé ăn uống tốt. Độ khoảng năm đến bảy ngày sau phẫu thuật là có thể xuất viện được. Điều trị khoảng 3 tháng là bàn tay có thể hoàn toàn linh hoạt như trước.
Tiến sĩ Phạm Duy Hiền, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết thêm: Nhìn chung, nếu như trước đây, y học chưa phát triển, năng lực bác sĩ, máy móc thiết bị còn hạn chế, gặp những ca phức tạp như thế này một là chúng tôi phải chuyển sang Bệnh viện Việt Đức; Hai là không có nơi nào tốt hơn, thì chúng tôi sẽ tự thực hiện phẫu thuật, tuy nhiên vì năng lực thời đó còn hạn chế nên bệnh nhân khó hồi phục hoàn toàn như ban đầu.
Nhưng ba bốn năm trở lại đây, lãnh đạo bệnh viện đã dành sự quan tâm sâu sắc đến các ca phẫu thuật khó, phức tạp, trong đó chú trọng đến yếu tố con người, tức đi vào đào chuyên sâu cho các bác sĩ, đồng thời mua sắm các máy móc hiện đại và sự kết hợp nhuần nhuyễn đầy trách nhiệm của các bác sĩ thuộc các khoa khác nhau trong một ekip phẫu thuật.
Hàng chục ca phẫu thuật cực kỳ phức tạp trong những năm qua đã thành công, và điển hình mới nhất là trường hợp của bé Dương cũng đã minh chứng cho sự phối hợp giữa các khoa và năng lực của bệnh viện Nhi Trung ương.
Với mục tiêu phục vụ tốt nhất cho bệnh nhi Việt Nam và khu vực, hàng năm Bệnh viện Nhi Trung ương đã mời các chuyên gia đầu ngành ở các nước tiên tiến như Mỹ, Bỉ, Nhật,... đến giảng dạy thêm cho các bác sĩ, chuyển giao công nghệ, đồng thời đưa các bác sĩ ra nước ngoài đào tạo chuyên sâu. Cùng với đó, bệnh viện cũng đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện cho các bác sĩ đi vào nghiên cứu các lĩnh vực và lường trước các nguy cơ về các bệnh sẽ xảy ra trong tương lai. Đồng thời giảng dạy thêm cho các bác sĩ ở các tuyến dưới để hệ thống bệnh viện tuyến dưới có thể xử lý kịp thời các diễn biến phức tạp của bệnh, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất cho bệnh nhân.