CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 09:59

Cưỡng chế sai, chính quyền huyện Quảng Uyên phải chịu trách nhiệm

Muốn tháo dỡ phải bồi thường

Căn cứ vào kết quả giải quyết khiếu nại số 1990/QĐ-UBND ngày 19/12/2012 của UBND tỉnh Cao Bằng, ngày 5/7/2016 UBND huyện Quảng Uyên ra Quyết định số 939/QĐ-UBND cưỡng chế nhà của ông Bế Ích Ngân, căn nhà đó ông Ngân dựng từ năm 1990. Qua nghiên cứu hồ sơ, Luật sư Hiếu cho rằng: “Quyết định số 939/QĐ-UBND ngày 5/7/2016 của Chủ tịch UBND huyện Quảng Uyên được ban hành không đúng quy định về nội dung, trình tự và thủ tục. Do đó, Quyết định số 939/QĐ-UBND là quyết định hành chính không đúng quy định của pháp luật”.

Luật sư Hiếu nhấn mạnh thêm: Việc UBND huyện Quảng Uyên căn cứ vào Quyết định số 939/QĐ-UBND để thành lập Ban cưỡng chế và tiến hành cưỡng chế tháo dỡ nhà của gia đình ông Ngân mà không bồi thường nhà và tài sản trên đất là không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi tài sản trên đất của ông Ngân được tạo lập trên đất một cách hợp pháp (tạo lập từ năm 1990, khi chưa có bất kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nào trên vị trí thửa đất bị cưỡng chế) nên khi muốn tháo dỡ tài sản trên đất của gia đình ông Ngân thì UBND huyện Quảng Uyên phải lập phương án bồi thường và hỗ trợ tái định cư.

Đồng tình với quan điểm đó, Luật sư Nguyễn Văn Hoàng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng nhận định: “Nguồn gốc đất là từ cha mẹ ông Ngân mua và để lại. Tuy thời gian khai thác sử dụng có bị gián đoạn nhưng vẫn thể hiện việc tiếp tục khai thác sử dụng trong những năm sau đó, cụ thể là việc dựng nhà sinh sống ổn định từ năm 1990. Căn cứ theo quy định của Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì đất của gia đình ông Ngân sử dụng trước ngày 15/10/1993 ổn định, không có tranh chấp với ai thì đất này đủ điều kiện để được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất”.

UBND tỉnh cần phải vào cuộc kiểm tra lại

Về trách nhiệm của từng đơn vị khi thực hiện hành vi cưỡng chế, theo Luật sư Hoàng, UBND huyện Quảng Uyên cần thiết phải xem xét lại việc thực hiện cưỡng chế của mình đã gây thiệt hại gì cho gia đình ông Ngân. Nếu có thì phải khẩn trương khắc phục và hỗ trợ bồi thường. Nếu thực tế gia đình ông Ngân hiện không có chỗ ở lại thuộc gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn thì việc hỗ trợ chỗ ở và chi phí sinh hoạt tạm thời để chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết là hết sức cần thiết. Thực hiện việc rà soát lại quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quá trình áp dụng cũng như thực hiện các văn bản đó trong trường hợp cụ thể đối với gia đình ông Ngân, đồng thời báo cáo cấp trên để có đường lối thực hiện đúng pháp luật - được lòng dân.

Bố con ông Bế Ích Ngân là nạn nhân của chiến tranh vẫn đang cầu cứu cơ quan có thẩm quyền. 

Nếu thực tế UBND huyện Quảng Uyên đã làm sai, thì UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan cấp trên với chức năng và nhiệm vụ của mình nên khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ nội dung sự việc và quy trình giải quyết vụ việc của UBND huyện Quảng Uyên; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức trong công tác điều hành, quản lý hoạt động của cơ quan nhà nước tại địa phương, tiến tới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân địa phương nói chung và gia đình ông Ngân nói riêng.

Lộ diện sai phạm

Và như đã nêu, diện tích mà ông Ngân cho rằng, bố mẹ ông mua năm xưa lên đến gần 20.000 m2. Cùng đòi quyền lợi một phần trên tổng diện tích đó có 3 gia đình, gồm ông Bế Ích Ngân, bà Nguyễn Thị Hà và ông Lý Ích Tiến. Trong Quyết định 1990/QĐ-UBND ngày 19/12/2012, UBND tỉnh Cao Bằng thừa nhận nguồn gốc đất là của bố mẹ ông Ngân mua và năm 1990 có dựng nhà, song bác bỏ yêu cầu đòi quyền sử dụng đất của ông Ngân. Ngược lại, chẳng hiểu căn cứ vào đâu, ngày 14/6/2010, UBND tỉnh Cao Bằng ra Quyết định số 903/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Lý Hải Hầu ký, trong đó quyết định “Giao cho UBND huyện Quảng Uyên bố trí, giao cho mỗi hộ (bà Hà, ông Tiến) 1 lô đất ở tại khu quy hoạch dân cư, không thu tiền sử dụng đất”. Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo tại Quyết định số 903/QĐ-UBND, ngày 1/8/2011 UBND huyện Quảng Uyên có Quyết định sô 1533/QĐ-UBND “giao đất ở không thu tiền sử dụng cho bà Hà và ông Tiến”.

Vì sao UBND tỉnh Cao Bằng lại nhiệt tình, chỉ đạo, “giúp sức” cho bà Hà, ông Tiến đến như vậy? Và liệu có thể nói việc cấp đất cho hai hộ này có vấn đề ẩn khuất bên trong? Tại văn bản số 1387/BC-TNMT ngày 9/11/2012, ông Đàm Văn Lý, Phó Giám đốc Sở TN&MT khẳng định “việc đòi lại đất của ông Tiến, bà Hà là trái với quy định của Luật Đất đai”. Ngày 27/7 vừa qua, tại buổi làm việc với phóng viên, ông Đàm Văn Lý tiếp tục giữ nguyên quan điểm này. “Việc UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Quảng Uyên cấp đất ở cho 2 gia đình ông Tiến, bà Hà là không đúng, cả hai trường hợp này là do chính quyền làm sai, cấp sai so với quy định của Luật Đất đai”, ông Đàm Văn Lý nhấn mạnh. 

UBND huyện Quảng Uyên cho rằng, bố ông Bế Ích Ngân là Bế Ích Tịnh không phải là lão thành cách mạng vì chưa có cấp có thẩm quyền nào ra quyết định công nhận. Thế nhưng, tại trang 465, dòng thứ 30 từ trên xuống, cuốn “Địa chi các xã tỉnh Cao Bằng”, quyển III do Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng biên soạn đã khẳng định:  “Năm 1943 Ủy ban Việt Minh được thành lập, do ông Bế Ích Tịnh, ở Tức Hòa làm chủ nhiệm” và nhiều văn bản khác cũng thừa nhận điều này.

VĂN NGHĨA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh