THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:30

Gia đình có thể khởi kiện đòi thả người và bồi thường

 

Luật sư Trần Quốc Dũ, Trưởng Văn phòng luật sư Thịnh Quốc, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh nhận định: Công an TP. Vĩnh Yên căn cứ vào Quyết định số 923/QĐ-CTUBND ngày 25/6/2010 của Chủ tịch UBND TP. Vĩnh Yên để triệu tập Phạm Thanh Thức lên trụ sở, lập hồ sơ đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc là vi phạm pháp luật. Bởi thời hiệu thi hành Quyết định 923 về việc đưa anh Thức vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã hết theo quy định tại Điều 108, Luật XLVPHC năm 2012.

“Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hết thời hiệu thi hành sau 1 năm, kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật. Ở đây, Công an TP. Vĩnh Yên cho rằng, anh Thức cố tình trốn tránh để kéo dài thời hiệu thi hành là gượng ép và không có cơ sở thuyết phục theo diễn biến của vụ việc”, Luật sư Trần Quốc Dũ khẳng định.

Luật sư Trần Quốc Dũ, "Công an TP. Vĩnh Yên triệu tập Phạm Thanh Thức lên trụ sở, lập hồ sơ đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc là vi phạm pháp luật"

Cũng liên quan đến thời hiệu thi hành Quyết định 923, luật sư Nguyễn Công Hiếu, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cần làm rõ việc Phạm Thanh Thức thực sự có bỏ trốn trong 6 năm qua hay không? Bởi theo quy định tại Điều 69 PLXPHC  lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (được sửa đổi bổ sung năm 2008), thì “thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt; quá thời hạn này mà quyết định đó không được thi hành thì không thi hành quyết định xử phạt nữa nhưng vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn”. “Ở đây có thể thấy rõ,  nếu Thức không có hành vi cố tình trốn tránh thì Quyết định 923 được xem là hết thời hiệu thi hành”, luật sư Nguyễn Công Hiếu phân tích.

Cũng theo luật sư Hiếu, thời điểm thi hành Quyết định 923 cũng cần được xem xét lại. Bởi lẽ, theo Luật XLVPHC năm 2012 thì các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh của Pháp lệnh XLVPHC 2002 hết hiệu lực thi hành từ  ngày 31/12/2013. Nghị định 221/2013/NĐ- CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2014 đã bãi bỏ các Điều 2, 3, 4, 5, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38 và Chương IV Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh XLVPHC và chế độ áp dụng biện pháp đối với người chưa thành niên, người tự nguyện và cơ sở chữa bệnh. Như vậy, tính đến thời điểm 7/8/2015, các căn cứ ban hành Quyết định 923/QĐ-CTUBND ngày 25/6/2010 của Chủ tịch UBND TP. Vĩnh Yên đã không còn hiệu lực.

Mặt khác, theo quy định của Luật XLVPHC năm 2012, thẩm quyền áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc về TAND cấp huyện. Việc Công an TP. Vĩnh Yên vẫn thực hiện Quyết định 923/QĐ-CTUBND mà không lập lại hồ sơ đề nghị TAND TP. Vĩnh Yên áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là không phù hợp với quy định mới của pháp luật.

Từ các phân tích trên, các luật sư cho rằng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Thức và gia đình có thể khiếu nại, hoặc khởi kiện Công an TP Vĩnh Yên theo quy định của Bộ luật TTHC. 

NHÓM PVPL/Lao động và /xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh