Cuộc đời huyền bí, truân chuyên của “Nữ chúa rừng xanh”
- Dược liệu
- 15:06 - 02/04/2015
Tuổi trẻ gập ghềnh chẳng giống ai
Vừa gặp chúng tôi, bà An Kỳ đã thở dài: “Tôi khai sinh ra làng này lâu lắm rồi, đã được xã ra quyết định thành lập hàng chục năm trước, có chính quyền thôn với đầy đủ các ban bệ, nhưng mà cứ như thời nguyên thủy ấy, cả làng chẳng ai có giấy tờ tùy thân vì xã không cho làm, muốn làm thì phải di cư đến nơi ở mới nhường khu đất mênh mông chúng tôi đã vỡ vạc này cho công ty cao su họ kinh doanh.
Đi nơi khác không có đất canh tác nên dân cố bám trụ. Không có giấy tờ, ra khỏi làng bị cho là người “lậu” nên ai cũng ru rú trong làng suốt năm này qua tháng nọ”. Nhớ lại tuổi thơ đầy chông gai, bà trầm ngâm kể:
“Cuộc đời tôi trải qua không ít khổ ải và truân chuyên. Vào cái khu rừng biệt lập này làm “nữ chúa” cũng coi như một phần khát vọng đã thành hiện thực rồi. Từ nhỏ, gia đình tôi nghèo khó, đông anh em lại mang tư tưởng “xê dịch” nên tuy phận gái nhưng vẫn muốn đi xa”. Nhen nhóm tư tưởng này nên lên 15 tuổi, An Kỳ đã xin gia đình đi tìm hiểu cuộc sống ở nhiều nơi.
“Nữ chúa” An Kỳ đang diễn tả cảnh đánh nhau với gấu cách đây nhiều năm.
Ban đầu gia đình một mực can ngăn nhưng do thấy con gái quá quyết tâm nên không ai cản nữa. Cầm 100 000 đồng trong tay, An Kỳ vừa đi “ngao du” vừa học thêm nhiều kinh nghiệm làm ăn từ các tỉnh khác. “Ban đầu, bố mẹ tôi bảo, có nghèo thì cũng phải bám lấy quê mà sống. Thế nhưng, “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, biết làm sao được”- bà Kỳ bộc bạch.
Sau khi rời quê, bao nhiêu khó khăn nhưng An Kỳ vẫn miệt mài đi tìm khát vọng của mình. Nhớ lần đầu tiên từ miền Bắc vào Đồng Nai rồi Bình Dương, bà Kỳ kể: “Hồi đó con gái đi làm ăn xa chưa thịnh hành và phổ biến như bây giờ. Thấy tôi khoác túi vào Đồng Nai cứ đi lơ ngơ, ai cũng hiếu kỳ nhìn ngó. Ban đầu xin vào làm công nhân một lâm trường với ước mong sẽ học được kỹ thuật trồng trọt nhưng vào đó được mấy tháng thì họ thông báo không cần con gái, thế là lại đi xin việc khác. Việc gì người ta cũng đòi hỏi có bằng cấp ba. Mà hồi đó ở quê nghèo quá, có học hành được đâu.
Có ngày hết tiền đói quá chỉ ăn cầm hơi nhưng trong lòng vẫn đinh ninh sẽ có ngày làm giàu được trên quê hương mới, sẽ có ngày giúp được nhiều người theo mình làm ăn”. Ý nghĩ là thế, nhưng suốt bao nhiêu ngày ở Đồng Nai vẫn không kiếm được việc làm ổn định, cuối cùng bà Kỳ xin làm công nhật trong một xưởng chế biến gỗ để lấy tiền trang trải qua ngày.
Làm ở Đồng Nai được gần 2 năm nhưng thấy vốn kiến thức học được về nông nghiệp chẳng có bao nhiêu nên bà lại “xê dịch” lên Bình Dương, nhưng mảnh đất này càng khó hơn. Tại đây, bà tình cờ quen và nảy nở tình cảm với một người, đồng cảm và chung quan điểm nên hai người quyết dời bỏ mảnh đất miền Đông lên Tây Nguyên nuôi mộng khai phá vùng đất mới, lập làng mới. Đó là ý nghĩ quyết định bước rẽ quan trọng của cuộc đời bà Kỳ.
Canh thú rừng để bảo vệ làng
Ngày bà Kỳ An cùng người yêu lên Tây Nguyên, cách đây hơn 20 năm, nhiều vùng đất còn rất hoang vu và rậm rạp. Ban đầu, bà chọn Kon Tum làm mảnh đất định cư nhưng thời tiết ở đó quá nắng nóng, lại thường thay đổi, đất đai kém màu mỡ nên làm được hai mùa rẫy ở Kon Tum và lại chuyển về Gia Lai.
Vào khu rừng già huyện Đức Cơ, lập lán trại được hai năm bà mới biết, ở vùng này thường xuyên xảy ra tình trạng mất an ninh, cướp rẫy nên lại sợ hãi và bỏ đi. Nghĩ lại như mới hôm qua, bà kể: “Khu rừng của Đức Cơ nhiều trộm cắp lại nghe nói còn rất nhiều tà khí nên tôi không dám ở lâu”. Bà cùng người yêu làng thang suối mấy tháng dòng ở Tây Nguyên.
Những đứa trẻ ở làng nghèo Bình Lợi.
Đi đến đâu họ cũng muốn tìm được mảnh động rộng để còn gọi người ở làng vào cùng mưu sinh. “Không ít đêm mệt mỏi, thức trắng và suy nghĩ hay mình lại quay về quê ở miền Bắc mà sinh sống với gia đình cho khỏe. Nhưng nếu làm thế thì quyết tâm ban đầu hỏng hết. Nghĩ vậy nên lại tiếp tục đi, đi tìm cho bằng được mới thôi. Có lần sau 4 ngày đi bộ, hai bàn chân tôi phồng rộp gần hết nhưng vẫn hăng máu lắm”.
Và rồi, như có cái duyên từ trước, ngay khi đặt chân đến khu rừng già hun hút của Ea Súp bà Kỳ đã cảm nhận rõ ràng, đây chính là nơi mình cần tìm đến, là bến neo đậu trong hành trình tìm kiếm suốt bao năm của mình. Rừng núi hoang vu, bốn bề mây phủ, nhìn đâu cũng chỉ thấy bạt ngàn rừng già. Bà quyết định tìm chỗ đất trống, khai hoang làm rẫy. Lạ, mảnh đất này cứ gieo cái gì xuống cũng nảy nở rất nhanh, tươi tốt phì nhiêu, chẳng cần phân tro, tưới tắm gì. Bà Kỳ quyết định cưới chồng, phát quang sẵn một vùng đất trống và kêu ngọi nhiều người ở quê vào lập nghiệp. Chẳng bao lâu đã nên làng, nên bản.
Sau khi gọi nhiều người ở quê vào, cả khu làng của bà Kỳ đêm nào cũng canh cánh trong nỗi lo thú rừng viếng thắm. Người “nữ chúa” này lại làm công việc nặng nhọc là canh thú dữ cho buôn làng. Đêm nào bà cũng đốt đuốc sáng trưng ở giữa làng và để sẵn cung tên. Bà An Kỳ kể: “Hồi đó, đêm nào chúng cũng lang thang vào khu làng. Học được từ ngoài Bắc, tôi hái một số loại lá cây rừng làm thành dung dịch đặc biệt, loại dung dịch này nhiều loại thú dữ rất dị ứng, khi gặp sẽ bỏ đi ngay. Nhưng có nhiều loại như gấu, sói rừng chúng không hề sợ. Tôi đành nghĩ ra cách, làm các xác chết giả treo ngả nghiêng xung quanh đống lửa, khi nhìn thấy, chúng sẽ sợ và rút lui”.
Nhiều sáng kiến hay là thế, nhưng hầu như chẳng đêm nào bà Kỳ dám ngủ cho trọn giấc. Cứ nhớ mãi đêm ấy, khi vừa chợp mắt bà nghe tiếng gặm lọt xọt bên trái nhà, mơ mơ, tỉnh tỉnh nhìn ra thấy một chú gấu đang lù lù tìm cách chui vào nhà. Bà cùng chồng hốt hoảng thức dậy vật lộn với gấu cho đến sáng.
Xòe đôi tay còn hằn sâu mấy vết sẹo, bà nói: “Dù đã học hỏi được nhiều kỹ thuật tránh gấu từ những ngày ở quê nhưng tôi vẫn bị nó cào cho bươm bả, máu chảy ròng ròng. May không sao. Sau đêm đó, không còn thấy chúng xuất hiện nữa. Có lần, một đứa trẻ trong làng đi lạc, tưởng bị hổ bắt cả làng chia nhau đi tìm suốt đêm. Hình như thú dữ dần dần nó thấy sợ mình, có lúc đối diện nhau tôi chỉ cầm đuốc nhìn nó nhưng nó vẫn không dám tấn công. Có lần một con hổ to hơn người đuổi nhưng tôi kịp tót lên cây và xối dung dịch lạ (luôn mang theo người –PV) vào mặt nó, nó gầm lên một hồi rồi lao đi mất hút”. Sau vụ đánh nhau với gấu, bà rút ra kinh nghiệm làm thật nhiều thòng lọng bằng những sợi dây rừng để trang bị cho các gia đình trong làng. Khi gặp thú, càng giăng nhiều thòng lọng chúng càng dễ dính bẫy, mà dây rừng thì rất bền chặt.
Những khát vọng vì…người dưng
Với giọng âm trầm chậm rãi, ông già người Nùng, Sùng A Rúa, một trong những người vào “làng đất đỏ” đầu tiên kể: “Phải, thung lũng này hôm nay khác xưa nhiều lắm. Ngày ấy nơi đây nhìn đâu cũng chỉ thấy núi. Nếu không có An Kỳ thì dân làng đã bỏ đi nơi khác hết vì sợ thú dữ rồi. Người phụ nữ này thật đặc biệt. Bây giờ cuộc sống của bà ấy cũng giản dị và khổ cực lắm. Hồi đó, chúng tôi chỉ biết làm nhà cúng để cầu mong thần linh phù hộ. Nhà cúng ngày ấy đựơc làm theo kiểu nhà sàn dài bằng cây rừng, lợp lá. Nhà cúng đủ sức chứa tới 100 người nhưng dân làng chỉ làm một ngày là xong. Người dân tộc phía Bắc sống ở các vùng lân cận thỉnh thoảng cũng tụ tập về đây đông như hội”. Chẳng có họ hàng thân thích với ai nhưng từ khi buôn làng không còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo thú rừng ăn thịt nữa, bà An Kỳ lại chuyển sang một mối lo khác.
Giọng hào sảng bà kể: “Đấy, cả một vùng đất trù phú rồi, nhưng biệt lập quá. Dân vẫn lúc đói, lúc no. Bây giờ tôi quyết định thay đổi quan điểm rồi, không như trước được nữa, sẽ nghĩ cách dạy chữ cho trẻ con trong làng. Hơn nữa cần tìm giải pháp nâng cao chất lượng cây trồng như người Kinh không có dân làng khổ quá. Sẽ tập dần với lối sống văn minh, dẫu sao đó cũng là sự tiến bộ của con người mà”.
Từ nhỏ đã biệt xứ ra đi và sống cùng nỗi lo, khát vọng vì người khác. Nhưng đến giờ cuộc sống của bà An Kỳ gặp không ít dang dở. Người chồng đầu tiên sau những khát vọng không bền chặt, nản với vùng đất khó này đã bỏ bà ra đi. Năm tháng như càng nặng nề hơn.
Bà cố nghĩ đến “làng đất đỏ” của mình để vượt qua mọi đổ vỡ rồi tiến đến hôn nhân với người thứ hai. Nhưng rồi người chồng thứ hai cũng chán cảnh sống nơi đây, bỏ đi. Bồi hồi, bà kể: “Biết làm sao được, người ta không chịu ở thì ép cũng chẳng được. Ai cũng chọn nơi sung sướng, những chỗ khổ ải này bỏ hoang mất à. Hơn nữa ở đây tôi có dân làng của mình, không thân thích nhưng rất gắn bó nhau. Giờ đã gần 50 rồi, chắc cứ ở vậy lo cho làng và đứa con út và xem đó là niềm hạnh phúc. Nhiều lần, tôi định rút về nghỉ ngơi không làm trưởng làng nữa nhưng bà con nhất quyết không cho”.
Khác với lần trước, gặp lại bà Kỳ lần này, bà vạch ra trước mặt cho tôi thấy hàng loạt kế hoạch với ước mong mang lại sự sáng sủa cho ngôi làng hoang vu này. Mong rằng các kế hoạch của bà sẽ nhanh chóng thành công.