THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:11

Những đời Việt ở biển hồ Tonle Sap

Khi chiếc tàu du lịch đến ấp 7, xã Chong Khơ Nia, huyện Siem Reap (ấp của người Việt Nam trên biển hồ Tonle Sap), một số phụ nữ đã chèo thuyền đưa theo trẻ con với con trăn quấn ở cổ đến xin tiền.

Chuyện những người Việt đi ăn xin trên biển hồ đã trở thành quen thuộc, đến nỗi nhiều khách du lịch xuống đây phải chuẩn bị tiền lẻ hoặc quà bánh. Khi gặp đồng hương từ Việt Nam qua, người dân ở đây như có dịp để trút bầu tâm sự về cuộc sống khốn khó nơi đất khách quê người.

Một phụ nữ kể: Bình thường, một năm chỉ cấm mấy tháng vào mùa cá sinh sản nhưng lần này nghe nói sẽ cấm trong mấy năm mà không rõ nguyên nhân tại sao. Ở ấp này đã có khoảng 12, 13 người bị bắt bỏ tù vì tội đánh bắt cá.

Chúng tôi chỉ biết đánh bắt cá, giờ cấm thì không biết phải làm nghề gì.Chị Nguyễn Thị Đẹp, 32 tuổi, bảo, hàng ngày chèo xuồng đi xin cũng không được nhiều, có chút chút đủ mua 2, 3 kg gạo, nuôi 6 đứa con. Chồng đi làm mướn, mỗi ngày được 5, 6 ngàn ria (khoảng 30.000 đồng Việt Nam).Sinh hoạt của gia đình trên biển hồ.

Người Việt ở biển hồ, tuy nghèo tiền bạc, nhưng lại rất giàu về đường con cái. Gia đình nào ít cũng có 4 người con, nhiều thì khoảng 9 người. Như chị Đẹp, lấy chồng từ năm 18, sau đó cứ hai năm sinh một đứa. Gia đình chị sang đây từ năm 1975, cùng nhiều người dân khác, rồi mấy năm sau chị ra đời.

Cứ chỗ nào mần ăn được thì gia đình tôi đi. Thế nhưng chị Đẹp không biết mình là con thứ mấy trong gia đình, cũng không biết ba mẹ mình sinh được mấy anh em.  Chị chỉ biết mẹ là người Huế, bố mẹ lấy nhau ở Sài Gòn. Mẹ chị từng sống ở đây, sau đó gả chồng cho con rồi đi về quê, từ đấy đến nay hai mẹ con chưa được gặp lại, cũng không ai biết tin tức của ai. Mẹ chồng chị cũng đã về Việt Nam, dẫn luôn mấy đứa em chồng về, chỉ còn mỗi hai vợ chồng ở lại.

Giờ chị cũng thích về Việt Nam lắm nhưng không đủ tiền xe. “Chẳng lẽ lại chèo thuyền về?”, chị nói như tự hỏi chính mình. Trước hai vợ chồng chị Đẹp đi làm thuê cho những nhà giàu, nhưng giờ những nhà đánh cá lớn cũng không mướn nữa nên sống bằng cách đi xin ăn.

Một bà tuổi ngoài 70 cho biết, người ở biển hồ chết không có đất chôn, phải mua trên bờ với giá khoảng 60 ngàn, 100 ngàn ria (tiền Campuchia), tùy vào vị trí đất, không có tiền thì đi xin, người ta thấy tội nghiệp thì cho.  Bà già lên xuồng của một người quen đi về thì chị Lê Thị Tiệu đến gần bắt chuyện.

Chị bảo: “Cái bà có tật ở tay mà chị vừa nói chuyện khi nãy là mẹ chồng tui đó. Bà rất khó tính nên không muốn ở với đứa nào, mà sống một mình hoặc ở nhờ nhà bạn, hết gạo ăn thì con đứa cho cái này, đứa cho cái khác, không có gì cho thì bà có gì ăn đấy. Thôi, bà đã như vậy thì đành chấp nhận chứ biết làm sao”.

Chị cho biết thêm, cuộc sống ở biển hồ mấy năm nay khó khăn nên gia đình chị muốn về Việt Nam sinh sống. Khốn nỗi, chị đang thiếu nợ nên không dám trốn đi, sợ mang tiếng với mọi người. Tôi vừa làm cái nhà, đang kêu bán mà không ai mua. Nếu bán được sẽ có tiền trả nợ và chút chi phí để về Việt Nam.

Sinh hoạt của gia đình trên biển hồ. Sinh hoạt của gia đình trên biển hồ. 

Nhà chị ước chừng khoảng 2500 USD, giá này không phải cao nhưng bây giờ tình hình đang lộn xộn nên không ai dám mua. “Mấy năm trước, vợ chồng tôi đầu tư mua lưới lớn về đánh cá, mua xong thì bị cấm đánh bắt cá. Đúng là số đen”, chị nói vẻ buồn rầu. Chị bảo, 12 tuổi chị còn ở Việt Nam, 13 tuổi mới theo ba mẹ sang đây. Giờ chị cũng muốn về nhưng chưa biết khi nào có thể.Chị Thắm có nước da đen, vóc dáng to béo, năm nay 27 tuổi mà đã có 4 đứa con.

Chị lấy chồng từ năm 17 tuổi, rồi cứ đều đều sinh con. Chồng cũng là người Việt Nam đi làm công cho người ta, ngày được mấy ngàn ria, đủ gạo ăn. Đứa lớn của chị đã 10 tuổi, đứa nhỏ 1 tuổi. Hiện gia đình chị Thắm gồm hai vợ chồng và 4 đứa con sinh sống trên một chiếc ghe nhỏ. Mưa thì mua lá về lợp.

“Em muốn mua một chiếc ghe lớn khoảng 2000 đô nhưng chưa đủ tiền. Còn mơ ước lâu dài là một mái nhà”, Thắm ước ao. Trường tiểu học Việt Nam ở biển hồ Tonle Sap được coi là trung tâm của dân cư ấp 7. Khách du lịch đi thăm quan biển hồ thường dừng lại ở đây để xem lũ trẻ Việt Nam học tập và cũng để giúp đỡ nhà trường chút tiền bạc hay lương thực.Lớp học đã tan, những đứa trẻ túa ra.

Chúng đứng quanh nhìn người lớn nói chuyện với vẻ đầy háo hức. Tôi để ý đến một cô bé cao gầy, có đôi mắt biết nói và nụ cười rất duyên. Cô bé tên Mến, đang học lớp 2. Bố mẹ em đi xúc chài cả ngày nên em ăn cơm hai buổi ở đây. Tối em mới về nhà với bố mẹ. “Thế về nhà rồi có ăn cơm của bố mẹ nữa không?” - Tôi hỏi.

lớp học của con em người Việt ở hồ Tonle Sap.Lớp học của con em người Việt ở hồ Tonle Sap.

“Con có, vì đôi khi mần đồ xúc chài với mẹ nên đói”. Con biết mình là người Việt Nam, con cũng thích về xem Việt Nam thế nào nhưng bố mẹ không cho đi”, Mến nói.Thầy Trần Văn Tư, Hiệu trưởng Trường tiểu học Việt Nam cho biết, cơ ngơi mới này được sửa sang, mở rộng cách đây 3 năm nhờ sự giúp đỡ của Quân khu 7, chứ mấy năm trước còn không đủ chỗ để ngồi.

Lớp học cũ giờ được dùng làm phòng thuốc miễn phí cho người dân. Nhà trường chỉ dạy từ lớp 1 đến lớp 4 vì không đủ cơ sở. Hơn nữa, thường các em học đến khi biết đọc, biết viết thì cũng không thích học mà theo ba mẹ đi kiếm ăn.

Vào những ngày nước lên, học sinh nghỉ theo ba mẹ đi đánh cá, lớp học chỉ lèo tèo vài em. Có những em 16, 17 tuổi mới đi học lớp 1. Thầy cô ở đây đa phần học hết cấp 3, tình nguyện từ Việt Nam sang dạy cho đồng bào ở Campuchia. Buổi sáng, các em được học văn hóa bằng tiếng Việt.

Buổi chiều có thêm giờ học tiếng Campuchia do thầy giáo bản địa dạy và giờ đạo đức, vì các thầy muốn dạy cho các em biết mình là người Việt Nam cùng những phong tục, thói quen thờ cúng của người Việt. Tận tình là vậy xong không phải học sinh nào cũng chăm chỉ học hành. Có em hôm nay đến học, 10 ngày sau mới quay lại học tiếp.

Thầy Tư cho biết: “Chúng tôi cố gắng lo cho các em đủ hai bữa cơm dù không có nhiều. Ngoài cơm, canh, rau, có cá chiên, cá muối, thi thoảng đổi món thịt kho, cá kho.  Thường thì buổi trưa các em ngủ luôn ở đây, chiều học tiếp. Buổi tối các em về với bố mẹ nhưng nếu thích, các em cũng có thể ngủ lại”.

Ông Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở Campuchia cho biết, khu ấp 7 này có khoảng  100 gia đình người Việt, hầu hết đều coi ngôi trường này giống như ngôi nhà tình thương.

Vì thế, không tránh khỏi việc, một số bậc cha mẹ ỷ lại việc con em mình được nhà trường nuôi ăn và dạy học miễn phí, nên họ không thực hiện kế hoạch hóa gia đình. 

Huyền Thu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh