THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:28

Phận người cheo leo vách đá, rừng thẳm kiếm lan rừng

Ám ảnh đói nghèo

Chúng tôi tới thôn Kam Bute (Lâm Đồng), khi những hạt sương đêm chưa tan, cái lạnh của buổi sáng cao nguyên như se sắt lòng người. Thôn Kam Bute có tới 80% là đồng bào dân tộc thiểu số như: Ka Ho, Mạ…Khó khăn đói nghèo đang là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Nhiều hủ tục lạc hậu như: Bắt chồng (lấy chồng sớm), đẻ nhiều…còn bám chi phối đời sống của bà con

Chị Ma Khuông địu con 8 tuổi  bên vườn lan rừng mới kiếm được

Người dân địa phương sinh sống bằng sản xuất nông nghiêp như: Trồng rau, trồng cà phê,... một số hộ không có đất sản xuất nên phải mưu sinh nhờ vào những cánh rừng: Lấy củi, chặt cây, cưa gỗ bán…Thế nhưng từ khi cánh cửa rừng “khép chặt”, do công tác quản lý nghiêm ngặt của chính quyền địa phương, thì rất nhiều người lao động  không có việc làm, thu nhập thấp, đói nghèo, thất học cứ bám rịt đời sống của họ.

Để có cái ăn, cái mặc, hàng trăm lao động ở thôn Kam Bute đổ xô vào các cánh rừng như: Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đam Rông…tìm kiếm lan rừng mang về bán, kiếm tiền sống qua ngày. Chị Ma Khuông, 21 tuổi(người Ka Ho) cho biết, gia đình chị sông bằng nghề tìm kiếm lan rừng đã được 4 năm nay, chồng chị là anh Ya Mít, phải đi vào rừng sâu tìm kiếm lan rừng, mỗi chuyến đi ngắn nhất là một tuần, dài thì hàng tháng. Bình quân thu nhập từ bán lan rừng chỉ được 1 triệu–1,5 triệu đồng/tháng. Do không có gạo ăn, lại phải nuôi con nhỏ, không có nghề nghiệp đành phải dựa vào nghề tìm lan rừng  sinh sống

Cũng tại thôn buôn heo hút này, chúng tôi được nghe nhiều về những hủ tục còn bám lấy đời sống của bà con. Dù không có cái ăn, cái mặc nhưng người dân vẫn đẻ nhiều, đẻ lắm. Đơn cử là gia đình anh K’Mát, ở thôn Cam Bute, mới 40 tuổi nhưng đã có 14 người con. Nhìn anh 40 tuổi nhưng chúng tôi tưởng như anh đã 60 tuổi, 14 người con của gia đình anh K’Mát đứa lớn cách đứa bé chưa đầy 1 tuổi, nheo nhóc không được học hành. Cô con gái lớn trong gia đình mới 14 tuổi thế nhưng đã đi “bắt chồng” (lấy chồng) 2 năm nay rồi. Tại thôn Kam Bute gia đình đẻ ít nhất cũng 5-6 người con. Không chỉ riêng gì gia đình anh K’Mát, em trai chị Ma Khuông mới 15 tuổi nhưng đã bị con gái Ma Nhên cùng xóm, “nhòm ngó” rồi “bắt làm chồng”. Do không được học hành, không có nghề nghiệp, lại thiếu đất đai sản xuất nên từ sáng sớm tinh sương, từng tốp người ở thôn Kam Bute lại thẳng hướng vào những cánh rừng sâu tìm kiếm lan rừng, đời sống bấp bênh, bữa đói bữa no tuỳ thuộc vào những cây lan rừng kiếp được.

Có nhiều người đi không trở về.

Chị Ma Khuông kể với chúng tôi về hành trình của những người tìm kiếm lan rừng: “Trước đây đi kiếm lan rừng, khi đó lan còn nhiều người dân chỉ cần đi vào những cánh rừng gần nhà như: Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh…thế nhưng càng ngày lan rừng cạn kiệt dần, để kiếm được lan họ phải đi vào các cánh rừng xa hơn như: Đam Rông, Bảo Lộc, thâm chí phải vượt núi băng rừng sang các tỉnh khác như Đăk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận…”

Người dân thôn Kam Bute ghép lan len chậu, lên thân cây chờ thương lái tới mua

Do lan rừng thường mọc ở những cây khô cao, hoặc trên các vách đá cheo leo khó lấy, khó tìm và lấy lan rừng cũng ẩn chứa nhiều hiểm nguy. Để lấy được lan rừng, nhiều người trong số họ phải leo lên các cây cao, những vách đá trơn. Ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa trơn trượt cành khô dễ gãy, tai nạn luôn rình rập những người đi tìm lan rừng. Không ít người ở thôn nghèo Kam Bute đã phải ở lại với rừng già trong những lần trèo lên vách núi lấy lan rừng bị trượt chân ngã xuống vách núi. Số người khác thì do đói ăn bị muỗi đốt sốt rét và không có thuốc thang cứu chữa, sức khoẻ, tính mạng phó mặc cho sự may rủi.

Biết bao thế hệ người thôn Cam Bute từ bố mẹ sống bằng nghề tìm kiếm lan rừng đến con cái sau này cũng thế, tiếp tục nối nghiệp cha mẹ. Sự túng quẩn, bế tắc, nghèo túng từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác. Khó khăn là thế, hiểm nguy là thế, nhưng những giò lan rừng sau khi người dân mang về nhà phải cấy vào các giỏ sành, lên các thân cây khô rồi mang bán với giá rẻ cho các thương lái tìm mua.

Chị Ma Biên một người dân tại địa phương cho biết: Khi cấy, ghếp các cành lan rừng vào các chậu sứ, thân cây khô ít nhất là 1 tháng mới bén rể, nhiều thì vài ba tháng. Một số thương lái tìm đến địa phương mua với giá rẻ 50-70 nghìn đồng một giò lan rừng. Một số người dân đã mang lan ra thị trấn huyện Đức Trong, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) bán, nhưng giò lan đẹp như: Lan Long Tú, Kim điệp, Thuỷ Tiên, Hồng Châu có thể bán được 200 nghìn đồng/giò, những loại lan bình thường Hoàng Hạt, Cánh Bướm chỉ 30-50 nghìn/giò…

Tài nguyên từ rừng (lan rừng) nếu cứ khai thác theo lối này thì nhiều loại lan rừng ở địa phương có thể bị tận diệt và số phận của những người dân ở địa phương đã bấp bênh lại càng bấp bênh. Đói nghèo và những hủ tục lạc hậu vẫn bám riết lấy cuộc sống của họ.

Cần tạo việc làm cho người dân

Để chấm dứt tình trạng đói nghèo, người dân không phải vào rừng là bài toán khó. Để giảm thiểu và tiến tới xóa dược các hủ tục và đói nghèo, chính quyền địa phương cần phối hợp với các ban, ngành vận động người dân nên từ bỏ tập tục đẻ nhiều, “bắt chồng”, lấy chồng sớm. Đồng thời vận động hỗ trợ trẻ em ở địa phương đến trường học tập. Từng bước nâng cao nhận thức của người dân. Số người trong độ tuổi lao động phải vận động họ đi học nghề và được tạo công ăn việc làm ổn định. Có như vậy đời sống người dân mới có thể thay đổi.

Chia tay người dân thôn Kam Bute vào buổi chiều nhá nhem tối, hình ảnh những người dân nghèo nơi đây như còn ám ảnh chúng tôi, chỉ mong trong thời gian tới đói nghèo và lạc hậu ở  thôn Cam Bute sẽ được đẩy lùi.

Xuân Hướng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh