Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Mãi mãi khắc ghi trong trái tim người Việt
- Người có công
- 22:30 - 14/02/2019
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ
Hoàn thiện chính sách NCC cho phù hợp
Cách đây gần 40 năm, 5 giờ sáng ngày 17-2-1979, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam. Thực hiện Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, hàng triệu cán bộ chiến sỹ, quân và dân Việt Nam đã cầm súng, chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Để tri ân những anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh đã tham gia cuộc chiến đấu cách đây 40 năm, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan đồng chủ trì tổ chức Gặp mặt đại biểu thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định: “Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Với trách nhiệm đó, hệ thống chính sách ưu đãi NCC luôn được bổ sung hoàn thiện phù hợp với từng thời kỳ và điều kiện kinh tế của đất nước”.
Hàng năm ngân sách nhà nước đã dành nhiều ngàn tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp, chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình người có công với cách mạng…; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công; xây dựng, tu bổ tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang và giúp đỡ người thân của liệt sĩ đến thăm viếng; công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ được quan tâm, đầu tư…
Chương trình giao lưu
Cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã trở thành hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, ở mọi cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội.
Năm 2018 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TT&TT đã phối hợp đưa vào vận hành Cổng thổng tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ để giúp người dân và thân nhân liệt sĩ tra cứu, thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, xác nhận người có công được triển khai quyết liệt, khẩn trương, trách nhiệm. Trong một thời gian ngắn gần 6.000 hồ sơ xã nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tồn đọng ở cấp tỉnh được xem xét giải quyết, với gần 2000 liệt sĩ được xác nhận và trao bằng Tổ quốc ghi công; 2.600 hồ sơ xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, phấn đấu đến năm 2020 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác ưu đãi NCC với cách mạng.
Trong trái tim mỗi người Việt Nam luôn khắc ghi những hy sinh, cống hiến của các thương, bệnh binh, anh hùng liệt sĩ
Tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc và khẳng định: “Đảng, Nhà nước, nhân dân không bao giờ quên công lao của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam”.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ lòng khâm phục, tự hào đối với các thương, bệnh binh tuy mang thương tật trên mình đã không ngừng phấn đấu vươn lên nối tiếp truyền thống anh hùng trong học tập, công tác, lao động sản xuất, nâng cao đời sống gia đình, góp sức xây dựng quê hương, đất nước; chia sẻ với các thân nhân liệt sĩ đã vượt qua sự mất mát, tần tảo một nắng, hai sương, nêu gương sáng cho thế hệ con cháu. Nhiều đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã vươn lên trong cuộc sống, thành đạt trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội, thực sự là công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.
“Trong những năm qua, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng của Đảng, Nhà nước ban hành đã có tác động to lớn, sâu rộng về chính trị, xã hội, được toàn dân, toàn quân hưởng ứng, trở thành tình cảm thiêng liêng trong đời sống xã hội”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Các thương, bệnh binh tại buổi gặp mặt
Thời gian tới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức và cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác Đền ơn đáp nghĩa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về thành quả của sự nghiệp cách mạng; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời tất cả các chính sách ưu đãi.
Đồng thời, tiếp tục tiếp tục rà soát lại từng trường hợp cụ thể để bảo đảm tất cả NCC được thụ hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định, nâng cao đời sống; đặc biệt là khẩn trương thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, giải quyết tồn đọng sau chiến tranh.
Nhắc lại lời Bác Hồ: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội, chính vì vậy, thực hiện tốt công tác này không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta, mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước; góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh của đất nước.