CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:17

Mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi

Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế Kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, các trường ĐH, CĐ phải duy trì tổ hợp môn thi tương ứng với khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy do Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2014 và các năm trước (khối thi truyền thống) để xét tuyển.

Trường có thể lựa chọn thêm các tổ hợp môn thi khác để xét tuyển theo nguyên tắc: sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển; các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành. Các trường, ngành năng khiếu thì sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hoá kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển.

Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển. Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống.

Nếu thay đổi các khối thi truyền thống, tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ Giáo dục và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, phương tiện thông tin đại chúng trước ít nhất 3 năm. Quy định này để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh đã có định hướng vào trường ĐH, CĐ ngay từ năm lớp 10 THPT.

Mỗi thí sinh đã đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi.

Quy định về xây dựng điểm trúng tuyển

Ngay sau khi hoàn thành việc chấm thi, trường được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi ghi kết quả thi (được xuất ra từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT) vào hai đĩa CD (loại đĩa chỉ đọc) giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của công an. Một đĩa kết quả thi lưu giữ tại trường, đĩa còn lại gửi chuyển phát nhanh về Bộ Giáo dục.

Căn cứ kết quả thi của thí sinh trên toàn quốc, Bộ sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển vào học ĐH, CĐ. 

Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1 điểm (theo thang điểm 10) và thí sinh phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.

Các trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh các trường dự bị đại học được phân về trường); vào thống kê điểm do máy tính cung cấp đối với các đối tượng và khu vực dự thi; vào quy định về khung điểm ưu tiên và vùng tuyển; tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục quy định, Ban thư ký trình Hội đồng tuyển sinh nhà trường xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển.

Các trường có thể xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành, nhóm ngành của trường.

Trình tự, thủ tục và hồ sơ đăng ký xét tuyển

Đối với các trường được Bộ GD&ĐT giao chủ trì cụm thi, sau khi báo cáo kết quả thi về Bộ, trường sẽ in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho các sở Giáo dục để chuyển tới thí sinh đã dự thi ở cụm. Mỗi thí sinh đã đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt; mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng.

Đối với các trường xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, ngay sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ công bố, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường. Trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày; điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31/10 hàng năm đối với trường đại học và 15/11 hàng năm đối với trường cao đẳng.

Các trường này phải tổ chức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh, trả hồ sơ ĐKXT cho thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ; cập nhật dữ liệu ĐKXT của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường trên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia. Trường có trách nhiệm công bố thông tin liên quan đến từng đợt xét tuyển, thông tin này bao gồm chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi ngành, nhóm ngành; thời gian ĐKXT và ngưỡng điểm ĐKXT, danh sách thí sinh trúng tuyển và đăng ký nhập học của mỗi đợt xét tuyển; cập nhật 3 ngày một lần thông tin ĐKXT của thí sinh trên trang thông tin điện tử của trường (danh sách thí sinh đăng ký và điểm thi xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp) trên trang thông tin điện tử của trường.

Nghĩa vụ và quyền lợi của thí sinh

Thí sinh nộp hồ sơ cho trường có nguyện vọng học qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hay nộp hồ sơ trực tiếp tại trường. Ở mỗi đợt xét tuyển, thí sinh dùng giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng tương ứng với đợt xét tuyển được đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi cấp để đăng ký xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường.

Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường khác. Thí sinh đã trúng tuyển vào trường ở một đợt xét tuyển sẽ không được tham gia xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ do Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.

Thí sinh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.

Hồ sơ ĐKXT gồm có: Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển (mẫu M1), cho phép đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển. Các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4; Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi và mã vạch nhận dạng; Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh