CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:12

Cụ ông 93 tuổi vẫn miệt mài tìm thuốc chữa bệnh cứu người

Chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

Đặt chân đến mảnh đất Sơn Tây vào chiều nắng nhẹ, hỏi thăm phòng khám của cụ Tầng, người dân nơi đây ai cũng đều chỉ vào tấm biển to đặt ngay sát lề đường và nói: “Nhà cụ Tầng kia, có tấm biển to đấy, người nghèo đến khám cụ không lấy tiền, cụ khám chữa bệnh mấy chục năm nay rồi”.
Theo hướng dẫn của người dân, tôi sải bước nhanh tới gần tấm biển có ghi rõ: “Thuốc chữa bệnh cho người nghèo – tàn tật – mẹ Việt Nam anh hùng miễn phí” đó chính là điểm riêng rất hiếm tại các phòng khám mà tôi từng thấy.

Phòng khám của cụ Phạm Thọ Tầng

Mải quan sát xung quanh tôi giật mình vì tiếng xe máy dừng ngay bên cạnh, trước mắt tôi lúc này là cụ ông với khuôn mặt hiền lành, chòm râu trắng và nụ cười phúc hậu khiến tôi liên tưởng ngay đến những vị tiên trong chuyện cổ tích hay làm việc thiện cứu giúp người nghèo. Gặp tôi cụ liền hỏi ngay: “Cháu lên khám bệnh à, vào nhà đi”.

Sau khi trình bày lí do lên gặp, cụ mời tôi vào nhà uống nước, vừa nói chuyện cụ vừa chỉ tay vào tủ thuốc nhỏ và nói: “Đây là thuốc do tôi tự nghiên cứu và bào chế để chữa bệnh cho bà con nghèo khó, một liều thuốc chữa cho người ta khỏi bệnh, họ có sức khỏe lại làm ra của cải vật chất cho xã hội, mình nghĩ thế là hạnh phúc rồi”.

Sinh ra ở mảnh đất Đông Hưng (Thái Bình) ngay khi đất nước bị bom đạn chiến tranh giày xéo, ông đã tình nguyện lên đường tham gia kháng chiến, đi bộ đội và làm việc tại Sư đoàn 312. Cụ từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến đấu ở nhiều chiến trường biên giới Lào, Điện Biên Phủ.

Ngay sau chiến tranh, cụ lại được điều đi khắc phục hậu quả chiến tranh tại các trọng điểm bị địch bắn phá ác liệt như Quảng Trị, Quảng Bình… Năm 1975 – 1976 cụ được chuyển về làm Viện trưởng Viện Điều dưỡng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 
Tới năm 1993 mặc dù đã đến tuổi về hưu, nhưng với tấm lòng của một vị lương y, nhận thấy trong xã hội còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn lại không có điều kiện để khám chữa bệnh, cụ đã mở phòng khám chữa bệnh ngay tại nhà bằng số tiền lương hưu mình tiết kiệm được.
Và đã hơn ba mươi năm nay, có tới hàng nghìn bệnh nhân về đây xin khám chữa bệnh và bốc thuốc. Họ đến từ khắp mọi miền đất nước, từ Sơn La, Hà Giang cho tới tận Nghệ An, Vũng Tàu… mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng cụ đều dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt nhất.

Trọn nghĩa lương y

Những bài thuốc của cụ thường chữa bệnh dạ dày bằng thuốc nam (bệnh dạ dày viêm bờ cong lớn, nhỏ, hang vị viêm, loét sâu, nông…) bệnh viêm đại tràng, chữa bong gân, sai khớp, gãy xương điều trị từ 7-10 ngày là đỡ và khỏi, chữa thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa…Nhất là đối với bệnh nhân bị dạ dày chỉ cần điều trị trong một thời gian ngắn có thể khỏi hoàn toàn.
Điều đặc biệt ở những vị thuốc của ông đều được bào chế từ chính những cây thuốc trong vườn nhà. Khu vườn nhỏ của cụ có đủ loại cây thuốc chữa bệnh như: cây bách xanh, bó xương, kim giao, đào tiên, ngô đồng…cụ chia sẻ: “Từ những cây bình thường như thế này thôi, nhưng mình biết công hiệu của nó, thì bào chế ra làm thuốc giúp được nhiều người hơn”.

Cụ Tầng đang dặn dò bệnh nhân

Đã có rất nhiều bệnh nhân khỏi bệnh sau thời gian điều trị bằng những vị thuốc của ông, anh Nguyễn Đăng Khánh (23 tuổi) ở phường Thổ Quan – Đống Đa bị khuyết tật lại mắc căn bệnh đau dạ dày đã nhiều năm, đã được ông cho thuốc miễn phí và chỉ uống sau một thời gian đã khỏi.

Hay một trường hợp nữa là chị Nguyễn Thị Hoa (54 tuổi) ở huyện Mỹ Đức – Hà Nội bị liệt các khớp không cử động được, sau khi được ông Tầng bốc thuốc cho uống và điều trị một thời gian nay đã đi lại được bình thường.

Cụ chăm sóc bệnh nhân chu đáo giống như con như cháu của mình, sự ân cần và quan tâm của ông đã khiến không ít người cảm động rơi nước mắt. Cụ Tầng tâm sự: “Có trường hợp bệnh nhân lên đây khám, nhưng nhà nghèo quá không có đủ tiền bắt xe về, tôi thương lại cho họ tiền về quê”. Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn bỏ tiền của mình ra xây một dãy nhà gồm 6 phòng để cho bệnh nhân ở xa, phải chữa trị lâu dài có nơi ở và tất cả đều miễn phí.

Và để tìm hiểu về phương thuốc chữa bệnh của cụ Tầng, tôi gặp bà Nguyễn Thị Loan (70 tuổi) sống tại phường Xuân Khanh (Sơn Tây – Hà Nội) người đã bị bệnh bị đau dạ dày nhiều năm, mặc dù chuyên trị thuốc tây nhưng vẫn không khỏi, sau đó được cụ Tầng kê đơn bốc thuốc chỉ trong hai tháng điều trị đã khỏi bệnh. Bà vui vẻ cười nói: “con dâu, con gái giờ thì đến tôi đều uống thuốc của cụ Tầng, hết bệnh tật đau đớn, chỉ mong cụ ấy khỏe mãi để chữa bệnh cho bà con thôi”.

Cụ Tầng bên vườn thuốc

Bên cạnh việc khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cụ còn thường xuyên giúp đỡ những cháu nhỏ tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn. Toàn bộ số tiền bán thuốc ông đều trích ra để mua gạo tặng cho các cháu 10kg/tháng. Đối với người nghèo cụ hỗ trợ ba triệu đồng để mua bò chăn nuôi phát triển kinh tế. Chính vì những việc làm ấy, cụ Tầng đã được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt Thủ đô”, được vinh danh Bảng vàng với danh hiệu: Trí thức quản lý tiêu biểu vào tháng 10/ 2014 và nhiều bằng khen, giấy khen của các tổ chức ở địa phương.

Trao đổi với chúng tôi về công việc khám chữa bệnh miễn phí của cụ Tầng, bà Phan Thị Lệ Hằng - Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Khanh hào hứng kể về tấm lòng nhân ái của cụ Tầng, bà Hằng cho biết:  “Sau khi về hưu cụ mở phòng khám chữa bệnh như bệnh dạ dày, đại tràng, bó khớp xương chủ yếu là khám miễn phí cho người nghèo thôi chứ không lấy một đồng tiền công. Ở đây ai cũng biết tới ông vì không chỉ khám bệnh miễn phí cụ còn hỗ trợ tiền cho hội khuyến học, hội chữ thập đỏ, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, mối năm hàng chục triệu đồng”.

Những việc làm ấy của cụ đã khiến bao người cảm phục gọi cụ bằng cái tên thân thiết “tiên ông của người nghèo”. Rời xa căn phòng khám nhỏ, trong đầu tôi luôn nghĩ về câu ông nói trước khi chia tay: “Người thầy thuốc mặc áo trắng phải luôn nhân từ và làm phúc cho dân”.

Tài Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh