THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:08

Bà lang Mường có bài thuốc chữa bệnh dạ dày từ cây cỏ

Bà Thanh bên cây thuốc chữa bệnh dạ dày

Bài thuốc gia truyền từ cây cỏ trên rừng

Nằm dưới chân dãy núi Mùn Cụt quanh năm sương mờ của huyện Kim Bôi, cứ nhắc đến bà lang Triều Thị Thành (SN 1957, trú tại xóm Hạ Sơn, xã Tứ Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), người dân tộc Mường, thì ai cũng biết. Bà Thành rất nổi tiếng với bài thuốc chữa bệnh dạ dày. Nhiều năm liền, bà là hội viên hội đông y của huyện Kim Bôi, tổ trưởng hội đông y xã Tứ Sơn và được cấp giấy chứng nhận của hội đông y tỉnh Hòa Bình về nghề thuốc nam.

Tìm đến nhà bà lang Thành, trong nhà đang có bệnh nhân cắt thuốc chữa bệnh dạ dày. Phải chờ bà cắt thuốc xong cho bệnh nhân, chúng tôi mới có thời gian ngồi nói chuyện. Nói về nghề thuốc, bà Thành cho biết: “Đây là nghề thuốc gia truyền đã nhiều đời của nhà chồng tôi, đến tôi là đời thứ 5 rồi”. Có một điều kỳ lạ là trong gia đình nhà bà Thành chỉ phụ nữ mới được nắm giữ nghề thuốc này và chỉ truyền cho con dâu mà thôi.

Theo bà Thành, thì “nghề thuốc chỉ truyền cho con dâu vì từ nhiều đời trước trong nhà đã có một quan niệm là: Truyền cho con dâu sẽ giữ được nghề vì con dâu khi lấy về là con cháu trong nhà rồi. Còn con gái nhất định không được truyền vì sẽ mang bài thuốc về nhà chồng mất”. Ngoài ra, bài thuốc cũng chỉ để phụ nữ làm vì “đàn bà ở đây quán xuyến mọi việc trong gia đình nên để đàn bà nắm giữ những bài thuốc thì quản lý mới dễ; còn để đàn ông nắm giữ, nếu có vợ bé thì sẽ truyền lung tung… và mất bài thuốc”, bà Thành cho biết. Vì thế, nhiều đời trong gia đình bà Thành chỉ có phụ nữ là người làm thuốc chữa bệnh. Mẹ chồng của bà trước cũng là một thầy lang giỏi, được nhiều người biết đến.

Nói về bài thuốc chữa bệnh dạ dày, bà Thành cho biết: “Trong những bài thuốc gia truyền được truyền lại thì bài thuốc chữa bệnh dạ dày được tôi sử dụng nhiều và hiệu quả nhất”. Theo bà Thành, thuốc không cầu kỳ, được làm từ những cây cỏ trên rừng, kết hợp với những cây cỏ có sẵn trong vườn. Tất cả lấy về được đem phơi khô, rồi tùy từng bệnh nhân nặng hay nhẹ mà lựa chọn tăng giảm vị thuốc.

Bài thuốc có khoảng trên dưới 20 vị, trong đó có vị chính là những loài thảo dược quý, chỉ có bà mới nắm được, như cây “vi veng ầm” hoặc cây “chày cụ thông” (tiếng Mường - PV)… là những loại cây thấp, ngắn mọc trên rừng rất nhiều. Những loại cây này lấy vào mùa xuân thì tác dụng chữa bệnh sẽ tốt hơn. Hiện nay, bà Thành đã trồng những loại cây này ngay trong vườn, phòng khi thuốc trên rừng không lấy được.

Ngoài ra, còn có những vị thuốc đơn giản như: Củ dòm đỏ - một loại củ có thân leo nhỏ sống nhiều năm. Rễ củ to dài khoảng 3m, thân non màu tím hồng nhạt. Hoa nhỏ, củ hình trứng, nhiều nơi còn gọi là củ “gà ấp”, mọc rất nhiều ở trên rừng, trong vườn cũng có. Củ và rễ của nó rất tốt, dùng làm thuốc có tác dụng giảm đau và công hiệu trong việc an thần.

Nhiều người khỏi bệnh

Với bài thuốc chữa dạ dày này, bà Thành đã chữa cho rất nhiều người khỏi bệnh. Bệnh nhân của bà ở khắp nơi, có khi tận các tỉnh xa cũng lặn lội tìm đến lấy thuốc. Theo bà Thành, việc chữa trị không phải để lấy tiền làm giàu mà chữa là để giữ nghề và giúp đời. Rất nhiều người được bà chữa khỏi bệnh vẫn thường xuyên liên lạc và cám ơn bà.

Ví dụ như chị Bàn Thị Nội (35 tuổi, ở Đồng Chùa, xã Thống Nhất, TP.Hòa Bình), một bệnh nhân được bà chữa trị mấy năm trước. Chị bị đau dạ dày nhiều năm, ăn uống rất đau đớn, khổ sở. Chị đã điều trị bằng thuốc tây thời gian dài nhưng chỉ đỡ mà không khỏi được. Sau khi đến đây lấy thuốc của bà Thành, uống vài thang thì thấy đỡ, sau đó uống thêm thời gian nữa thì khỏi hẳn. Giờ, chị Nội có thể ăn uống bình thường mà không bị đau nữa.

Cũng tại xã Thông Nhất có chị Lý Thị Nga bị mắc bệnh dạ dày rất nặng. Dạ dày của chị bị loét, gây đau đớn và ăn uống phải kiêng khem. Nghe lời chị Nội, chị tìm đến đây chữa trị và được bà Thành cắt thuốc. Sau một thời gian uống thuốc, bệnh dạ dày của chị đã dần khỏi. Gần nửa năm sau khi dùng thuốc, chị đi kiểm tra và được thông báo là bệnh đau dạ dày cũng như loét dạ dày đã khỏi hoàn toàn. Chị mừng quá liền thông báo cho bà Thành và thỉnh thoảng vẫn liên hệ để cảm ơn bà.

Còn một bệnh nhân khác ở Hà Đông, Hà Nội, bà Thành không nhớ rõ địa chỉ mà chỉ nhớ tên, đó là anh Nguyễn Văn Phương. Anh này bị bệnh dạ dày rất nặng và viêm cả đường ruột nữa. Người anh Phương gầy rộc, xanh xao, cùng lúc bị 2 căn bệnh nên việc ăn uống cực kỳ khổ sở. Anh Phương mắc bệnh hàng chục năm mà việc chữa trị chỉ có kết quả một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Nghe mọi người mách nước, anh đã tìm đến bà Thành. Bà Thành đã cắt thuốc để điều trị cả hai căn bệnh này cho anh cùng một lúc. Sau hơn 3 tháng điều trị, anh Phương đã gần khỏi hoàn. Tết vừa rồi, anh còn đánh xe lên đây để cảm ơn bà.

Còn rất nhiều người được bà Thành chữa khỏi bệnh nhưng bà không nhớ hết tên tuổi, địa chỉ của họ. Theo bà, bài thuốc này cũng có tác dụng rất tốt trong việc chữa bệnh viêm đường ruột. Việc chữa trị cần tùy theo độ nặng nhẹ của người bệnh mà cắt thuốc. Đối với những người bị bệnh dạ dày nặng, loét dạ dày, viêm đường ruột, cần phải tăng những vị thuốc có tính chống viêm thì điều trị sẽ nhanh khỏi hơn. Bệnh dạ dày, theo kinh nghiệm nhiều năm chữa trị của bà Thành, người bị bẩm sinh cũng có, nhưng đa số là do chế độ ăn uống.

Cũng theo bà Thành, “việc chữa bằng thuốc nam có ưu điểm là an toàn, các vị thuốc đều có tác dụng tiêu độc, không có tác dụng phụ”. Hơn nữa, bài thuốc không tốn kém vì nó được làm từ cây cỏ có sẵn, chỉ mất công đi kiếm, nên việc chữa trị cũng chỉ lấy bằng tiền công đi lấy thuốc mà thôi. “Trong chữa bệnh bằng thuốc nam, người thầy thuốc kỵ nhất là đặt mục đích làm tiền lên hàng đầu, như vậy sẽ mất giá trị nghề làm thuốc”, bà Thành nói. Vì những đóng góp trong nghề thuốc nam của xã Tứ Sơn, bà Thành đã được mọi người tin tưởng bầu là tổ trưởng tổ đông y xã.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Bạch Công Dương - Phó chủ tịch xã Tứ Sơn - cho biết: Xã Tứ Sơn có rất nhiều người làm nghề thuốc nam. Trong đó, nghề thuốc của bà Thành được gia đình truyền lại và bà đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người.

Theo laodong.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh