CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:35

CPTPP: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt

 

PGS. TS. Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo CPTPP: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam diễn ra vào ngày 28/11 tại Hà Nội.

Thị trường của 500 triệu dân

 Ngày 12/11/2018, Quốc hội  đã biểu quyết với tỷ lệ 100% đồng ý thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Hiệp định sẽ có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14/1/2019.

CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay; CTPP với tổng dân số 500 triệu người, tổng GDP vượt trên 10.000 tỉ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới (so với TPP gồm 800 triệu dân, 40% GDP và hơn 30% thương mại toàn cầu). Kế thừa tinh thần TPP, CPTPP là Hiệp định có những tiêu chuẩn cao, tham vọng, toàn diện và cân bằng với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tạo ra và duy trì việc làm; tăng cường đổi mới, năng suất, và sức cạnh tranh; nâng cao mức sống; giảm đói nghèo ở các nước ký kết; đồng thời thúc đẩy quản lý hiệu quả, minh bạch, bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường.

 

Các doanh nghiệp Việt chuẩn bị tâm thế cho việc hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Chia sẻ tại Hội thảo ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, so với Hiệp định TPP, các nội dung cam kết của CPTTP về điều kiện mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư vẫn giữ nguyên, tuy nhiên nếu TPP trước đây cần thời gian khá dài mới có thể có hiệu lực, thì CPTPPP có hiệu lực rất nhanh, nhiều nước cam kết phê chuẩn trong năm nay, do đó rất nhiều cam kết phải thực thi ngay. Dự kiến, đầu năm 2019, CPTPP sẽ có tác động tới cộng đồng DN. Vì vậy, chúng ta phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ. Đồng thời, các DN phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn, để có thể tận dụng tốt các lợi thế từ CPTPP. Cần nhìn thị trường không hẳn là 11 nước thuộc CPTPP như hiện nay, mà trong tương lai có thể mở rộng hơn rất nhiều, khi nhiều nước tham gia hơn, trong đó, có thể là cả Mỹ”, ông Khanh nhận định.

Theo ông Ngô Chung Khanh,  DN Việt cần phải tận dụng các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, cải cách thế chế để mở rộng thị trường. Nhưng quan trọng hơn, theo ông Khanh, DN cần phải đào được “mỏ vàng” ngay trong nước, đó là tận dụng được thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân mà rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang “nhòm ngó”.

Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên nêu thực tế: Xoài Nhật Bản, thanh long Đài Loan có giá cao ngất ngưởng lên tới hàng triệu đồng / kg nhưng vẫn "cháy hàng" ở thị trường Việt Nam, trong khi Việt Nam có rất nhiều mặt hàng chất lượng cao lại đem đi xuất khẩu hết. Nhiều người Việt Nam có nhu cầu về hàng chất lượng cao, và rất nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu được thị trường thế giới đón nhận, trong khi đó, Việt Nam lại đi nhập các mặt hàng mà mình mang đi xuất khẩu, ông Khanh chỉ rõ, từ đó cho rằng, DN Việt cần quay lại đấu tranh để giành lại thị trường từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. "Chúng ta ngồi trên đống vàng nhưng chưa tận dụng được", ông Khanh đánh giá.

Các doanh nghiệp cần liên kết để vươn ra biển lớn

T.S Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế cho biết, tham gia các Hiệp định thương mại mới (FTA), Việt Nam có thêm nhiều cơ hội mở rộng  thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, thu hút và gia tăng đầu tư vốn FDI theo cả hai chiều nhờ nhận được những ưu đãi thuế và chính sách cạnh tranh bình đẳng, những hỗ trợ và ngoại lực hữu ích khác… Tuy nhiên, tham gia các FTA thế hệ mới cũng khiến Việt Nam chịu thêm nhiều áp lực, trong đó có sự gia tăng sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà; Sức ép bảo đảm các yêu cầu về xuất sứ nội khối và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Sức ép giảm mức thuế, dịch chuyển và xói mòn cơ sở thuế; Sức ép vượt các hàng rào kỹ thuật (TBT) và hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) khắt khe, tốn kém thời gian tiền của, với nguy cơ hàng hóa bị trả về nếu không đáp ứng được từ các thị trường thành viên; trong khi bản thân  nhiều cơ quan chức năng Việt Nam còn lúng túng và bị động việc sử dụng các công cụ cần thiết xây dựng và bảo vệ thị trường trong nước.  Hơn nữa, xu hướng gia tăng nhập siêu từ một số thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA, mà Hàn Quốc là ví dụ điển hình. Năm 2017, lần đầu tiên trong lịch sử, Hàn Quốc đã vượt cả Trung Quốc để trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, với mức nhập siêu lên tới trong 11 tháng năm 2017).

 

Hàng hóa Việt Nam ngoài tiêu chuẩn chất lượng phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa.


Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, đối với ngành da giày, chủ yếu gia công xuất khẩu nên tính chủ động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế, khách hàng chủ động tìm đến doanh nghiệp. Vấn đề tầm nhìn và xây dựng chiến lược vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp. Việc cần làm là tiếp cận thông tin, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính thống, kết nối net-working. Nếu doanh nghiệp không liên kết với nhau thì không thể tiếp cận các thông tin được.

Một điểm nữa, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng: “Khi miếng bánh thị phần mở rộng, mà cơ sở hạ tầng không đáp ứng được thì chúng ta cũng không được chia phần. Ngành da giày, túi xách hướng đến đẩy kim ngạch lên gấp 2 lần (20%) khi tham gia CPTPP”.

“Vì vậy, về phía cơ quan nhà nước, cần xem xét lại cơ sở hạ tầng, logistics. Khi xuất khẩu thì các vị thế logistics là rất quan trọng”- Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam kiến nghị.

Theo ông Phạm Mạnh Cổn, Giám đốc Cty Eltek Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập, phải khẳng định doanh nghiệp tự nâng cao nội lực là rất quan trọng, kết nối với nhau. Nhưng hiện nay các doanh nghiệp trong nước còn rất yếu, họ ít trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau, ít nhất là trong ngành, lĩnh vực của mình. Nếu không  tự đoàn kết được thì không chỉ khó trong xuất khẩu, mà cả thị trường trong nước, cũng sẽ khó có thể chiếm lĩnh.

Đề cập đến thách thức khi tham gia CPTPP, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - nhấn mạnh: Câu chuyện "thẻ vàng" của EU đối với thủy sản Việt Nam là bài học lớn mà các DN cần phải lưu tâm.

Để có thể tận dụng được các cơ hội từ CPTPP, TS. Thành cho rằng, các DN cần phải nắm được các quy định có liên quan tới doanh nghiệp mình, và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa.

Tham gia CPTPP, Việt Nam lần đầu tiên cam kết cắt giảm 100% dòng thuế, cam kết với hoạt động mua sắm công, cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Đặc biệt, lần đầu tiên cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở tiêu chuẩn Trips+, và nhiều cam kết quan trọng khác.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh