THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:43

Công tác Người có công với những trăn trở

Giải quyết chính sách luôn đảm bảo đúng, đủ, kịp thời

Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của đất nước, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình đã tiễn đưa trên 235 nghìn người con ưu tú lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường và làm nhiệm vụ Quốc tế.

Công tác NCC với những trăn trở - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình làm Lễ dâng hương tại Nghĩa trang Ngã Ba Đồng Lộc

Kháng chiến thắng lợi, toàn tỉnh Ninh Bình có trên 16 nghìn liệt sỹ, trên 12 nghìn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, gần 9 nghìn bệnh binh; trên 6,7 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 863 người hoạt động khánh chiến bị địch bắt tù đày, 102 nghìn người được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến, 1.167 người được công nhận là cán bộ Lão thành cách mạng và Cán bộ tiền khởi nghĩa, 1.248 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH.

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có trên 22 nghìn người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Năm 2020 kinh phí Trung ương ủy quyền chi thực hiện chính sách ưu đãi với NCC trên 659 tỷ đồng. Xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi Người có công là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, trong những năm qua được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Công tác NCC với những trăn trở - Ảnh 2.

Giám đốc LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình Lâm Xuân Phương (áo trắng) viếng Nghĩa trang LS Trường Sơn

Việc giải quyết chính sách, chi trả trợ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần cho người có công và thân nhân đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, không để tồn đọng, kéo dài. 6 tháng đầu năm đã xác nhận hồ sơ, giải quyết chế độ chính sách đối với trên 2.100 hồ sơ NCC. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người có công được quan tâm, đã xây dựng kế hoạch điều dưỡng năm 2020 cho 6.263 NCC, trong đó điều dưỡng tập trung cho 1.377 NCC, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng đến hết đời.

Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" của tỉnh Ninh Bình đến nay đã huy động được trên 110 tỷ đồng (trong đó cấp tỉnh là 48 tỷ đồng). Hằng năm toàn tỉnh tổ chức thăm, tặng trên 170 nghìn suất quà cho người có công với cách mạng và thân nhân dịp Lễ, Tết, ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 với trị giá trên 38 tỷ đồng. Trong đó: ngoài quà của Chủ tịch nước, Tỉnh đã trích ngân sách địa phương để tặng quà cho các đối tượng NCC và thân nhân, với mức quà 300.000đ/người).

Phong trào Quỹ "ĐƠĐN, ASXH" được triển khai sâu rộng

Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 2.096 hộ Người có công theo Quyết định số 22 của Thủ tướng CP với tổng kinh phí 62,3 tỷ đồng, trong đó tỉnh đã trích 15,4 tỷ đồng từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội".

Việc xóa nghèo cho hộ nghèo có thành viên người có công, ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình đã tích cực tham mưu giúp Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 03 về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC, giảm nghèo bền vững, trong đó chú trọng giảm nghèo cho hộ nghèo có thành viên người có công (với các giải pháp như huy động xã hội hóa, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề tạo việc làm, xuất khẩu lao động, vận động ghép hộ, rà soát chấm điểm lại đưa ra khỏi hộ nghèo đối với những hộ không đủ điều kiện…

Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã giúp 395 hộ thoát nghèo. Đến đầu năm 2020, toàn tỉnh còn 194 hộ nghèo có thành viên NCC. Để xóa nghèo cho nhóm đối tượng này, ngành đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh Ninh Bình trình HĐND ban hành Nghị quyết số 23 quy định chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, thời gian thực hiện từ 2020 - 2025, với mức hỗ trợ từ 800 nghìn đồng - 1triệu đồng/người/tháng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cơ bản không còn hộ nghèo có thành viên NCC.

Công tác NCC với những trăn trở - Ảnh 3.

Giám đốc LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình Lâm Xuân Phương dâng hương tại Nghĩa trang đường 9 (Quảng Trị)

Công tác nghĩa trang, mộ liệt sĩ và các công trình ghi công được chú trọng đầu tư sửa chữa, cải tạo. Hiện nay toàn tỉnh có 47 nghĩa trang liệt sỹ với 8.010 phần mộ liệt sỹ, 27 Đài tưởng niệm liệt sỹ, 01 Đền thờ liệt sỹ, 61 Nhà bia ghi tên liệt sỹ, 01 Nhà tưởng niệm liệt sỹ và 01 tượng Đài tưởng niệm liệt sỹ. Trong số 8.010 mộ liệt sỹ: 3.021 mộ đầy đủ thông tin, 1.804 mộ có 1 phần thông tin, 3.185 mộ chưa có thông tin.

Những trăn trở trong công tác NCC

"Việc cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" theo Điều 13, Thông tư 16 của Bộ LĐ-TB&XH còn gặp khó khăn. Năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 417 hồ sơ đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công, được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH đến nay đã có 266 trường hợp được cấp Bằng Tổ quốc ghi công, còn 151 trường hợp chưa được giải quyết do thiếu các giấy tờ, tài liệu pháp lý ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh và giấy tờ có căn cứ xác định thân nhân liệt sĩ đã được giải quyết chế độ trước ngày 1/1/1995. Tỉnh cũng đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu tham mưu với Chính phủ ban hành quy định phù hợp để cấp "Bằng Tổ quốc ghi công" đối với những trường hợp thiếu các giấy tờ, tài liệu pháp lý ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh và giấy tờ có căn cứ xác định thân nhân liệt sĩ đã được giải quyết chế độ trước ngày 1/1/1995"- ông Phương trăn trở.

"Thực hiện tốt công tác tiếp dân, trả lời đơn thư, khiếu nại tố cáo, giải quyết dứt điểm các vụ vướng mắc phức tạp, không để tồn đọng, kéo dài, vượt cấp. Công tác thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tiến hành thanh tra toàn diện việc giải quyết chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học tại 8/8 huyện, thành phố. Sau thanh tra đã ra quyết định tạm dừng và truy thu đối với các trường hợp không đủ điều kiện" – Giám đốc Lâm Xuân Phương cho biết thêm.

Được biết, để đạt được những kết quả trên là do có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình, sự nỗ lực của Ngành LĐ-TB&XH từ tỉnh tới huyện, tới xã. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách người có công tại tỉnh Ninh Bình còn một số khó khăn, vướng mắc.

"Việc di chuyển hồ sơ hưởng chế độ Bảo hiểm y tế đối với quân nhân tham gia kháng chiến theo các Quyết định số 49, 62, 290 còn nhiều khó khăn, do chưa có quy định về thủ tục hồ sơ di chuyển, giữa các tỉnh chưa có sự thống nhất về thành phần hồ sơ, do đó gây khó khăn cho đối tượng. Đề nghị Bộ LĐ- TB&XH quy định rõ thủ tục di chuyển hồ sơ hưởng chế độ Bảo hiểm y tế đối với quân nhân tham gia kháng chiến theo các Quyết định số 49, 62,290 thống nhất trên toàn quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng được thụ hưởng chính sách đầy đủ và kịp thời. Công tác nghĩa trang, mộ liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sỹ tại tỉnh tuy đã được quan tâm, đầu tư sửa chữa, cải tạo song nhiều công trình xây dựng đã lâu, đến nay đã xuống cấp. Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hằng năm, cấp bổ sung thêm nguồn kinh phí mộ, nghĩa trang để hỗ trợ cùng với địa phương xây dựng, sửa chữa, cải tạo các công trình ghi công liệt sỹ đảm bảo khang trang - sạch - đẹp" – Giám đốc Lâm Xuân Phương đề nghị.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh