CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:53

Nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe người có công

 

Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), đến nay cả nước có trên 50 trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương bệnh binh và người có công với cách mạng, được bố trí trải dài khắp cả nước. Mạng lưới các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng chủ yếu hoạt động theo 4 mô hình chính gồm: Chỉ chuyên về điều dưỡng luân phiên cho người có công; chuyên về nuôi dưỡng thương bệnh binh hoặc kết hợp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, người có công và mô hình tổng hợp đón tiếp thân nhân liệt sĩ, các đối tượng bảo trợ xã hội...

 

Khám bệnh cho người có công với cách mạng (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự hội thảo, các trung tâm điều dưỡng vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực phía Bắc, ở khu vực miền Nam và Tây Nguyên, quy mô còn chưa đạt so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long) cho biết, Vĩnh Long hiện cũng chưa có trung tâm điều dưỡng nào, trong khi đó đối tượng thuộc diện được điều dưỡng tại tỉnh lại khá lớn.

Chia sẻ thực tế tại địa phương, ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cho biết, mặc dù có trung tâm điều dưỡng người có công, nhưng cơ sở vật chất cũng như chất lượng phục vụ công tác điều dưỡng lại chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Đời sống người dân ngày càng cao nên khi vào Trung tâm điều dưỡng cơ sở vật chất cũng cần phải tốt hơn, có thể đạt như khách sạn 2 sao để tạo cảm giác thoải mái chứ vẫn là chiếc giường một chật hẹp thì chưa bằng sinh hoạt thường ngày”, ông Hòa cho biết thêm.

Về vấn đề này, Cục Người có công cho biết: Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng được xây dựng qua nhiều thời kỳ, mặc dù đã được sự quan tâm, đầu tư xây dựng, tuy nhiên do nguồn lực hạn chế nên cả nước hiện mới chỉ có 41 trung tâm điều dưỡng người có công, với quy mô khoảng hơn 3.800 giường phục vụ người có công được cải tạo, nâng cấp. Như vậy, so với số lượng gần 700.000 người có công được hưởng chế độ điều dưỡng, thì mới đáp ứng được khoảng 13,7% người có công đi điều dưỡng tập trung.

Cần có cơ chế thanh toán hợp lý đối với trường hợp không đi điều dưỡng.

Chăm lo đời sống cho thương bệnh binh, người có công với cách mạng, trong đó có việc thực hiện các chính sách điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người có công luôn được các địa phương đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, cùng với những quy định cụ thể về chế độ điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe đối với người có công,, ông Phạm Quốc Doanh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình cho rằng, cần phải có những quy định cụ thể hơn về cơ chế thanh toán đối với những trường hợp không đi điều dưỡng theo kế hoạch đã được xây dựng.

Cụ thể, ông Doanh dẫn chứng “Ngay tại địa phương, có rất nhiều trường hợp sau khi lên danh sách, xây dựng kế hoạch đưa người có công đi điều dưỡng, được giám đốc Sở ban hành quyết định rồi, thậm chí đã hợp đồng xe và trung tâm điều dưỡng, thế nhưng đến lúc đi, người được đi điều dưỡng lại không muốn đi vì nhiều lý do... dẫn đến tỷ lệ không đạt như yêu cầu.”

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Long khẳng định, đây cũng là một trong những khó khăn mà địa phương đang gặp phải. Đại biểu này cho rằng, nên chăng cần nghiên cứu phương án sẽ không thanh toán tiền cho những trường hợp đã được lên kế hoạch và ra quyết định đi điều dưỡng mà không đi, để đảm bảo hiệu quả công tác.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tý cho biết, sẽ ghi nhận những ý kiến đóng góp, chia sẻ, những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải, từng bước tháo gỡ những điểm còn chưa phù hợp để công tác đạt kết quả tốt. Đặc biệt, phát triển mạng lưới các trung tâm phù hợp với số lượng đối tượng người có công của từng địa phương và đảm bảo tương quan giữa các vùng miền trong cả nước. 

BÙI MINH/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh