CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:02

Vụ bé gái bị đánh, nhốt trong chùa: Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em lên tiếng

Theo ông Đặng Hoa Nam, việc nhốt, cách ly trẻ em, không cho trẻ em đi học và có dấu hiệu bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong một cơ sở tôn giáo đi ngược lại giáo lý và bản chất nhân đạo, từ bi của tôn giáo mà cơ sở này thờ tự. Khi sự việc được cơ quan pháp luật điều tra, kết luận làm rõ thì vị sư trụ trì chùa Thiên Tâm cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước giáo hội tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc.

Chính quyền địa phương (xã, huyện) cần kiểm tra cả việc chấp hành pháp luật về đăng ký giám hộ, đăng ký thường trú, tạm trú khi vị sư trụ trì chùa nhận trẻ em về nuôi dưỡng tại chùa từ năm 2011 đến nay.

 

Ông Đặng Hoa Nam trả lời một số câu hỏi của trẻ em tại Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ IV năm 2015

Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam cũng nêu quan điểm, tùy theo mức độ hành vi và những tổn hại gây ra về thể chất và tinh thần cho cháu Nguyễn Thị P. sau khi giám định, điều tra, người hoặc những người trực tiếp có hành vi bạo lực với cháu P. và cơ sở tôn giáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vi phạm hành chính hoặc hình sự.

          Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra việc vi phạm pháp luật về quyền trẻ em và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở một số cơ sở tôn giáo cũng như các cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ em hoặc do các bậc cha, mẹ và những người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em gây ra cho thấy những thiếu hụt lớn về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền trẻ em cũng như kỹ năng chăm sóc trẻ em trong xã hội. "Do non nớt cả về thể chất, tinh thần nên khả năng phản ứng, tự đề kháng, tự bảo vệ của trẻ em rất thấp, các em dễ bị xâm hại nhưng các em được pháp luật và các cơ quan bảo vệ, chấp hành pháp luật ưu tiên bảo vệ, chăm sóc. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em, gây tổn hại cho trẻ em đều bị nghiêm trị và tăng nặng hơn so với cùng hành vi gây tổn hại cho người đã trưởng thành", ông Nam nhấn mạnh. 

     Cháu P muốn ở với gia đình bà Phức, không về chùa Thiên Tâm (ảnh Thanh niên)

 

   Thông tin thêm về việc nhân dân địa phương đã phát hiện, thông báo kịp thời cho chính quyền xã và giải cứu cháu Nguyễn Thị P. Chính quyền địa phương cùng với cơ quan LĐ-TB&XH các cấp đã kịp thời bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân và chuyển cháu đến gia đình chăm sóc thay thế (gia đình bà Nguyễn Thị Phương, thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm), đưa cháu đến bệnh viện huyện Yên Mỹ chữa trị vết thương kết hợp với tư vấn và hỗ trợ cháu đi học, ổn định tinh thần cho cháu. Công an huyện Yên Mỹ đã triển khai công tác điều tra, đưa cháu đi giám định kịp thời tại cơ quan chức năng ở Hà Nội, Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam đánh giá, những việc làm trên cho thấy những tiến bộ trong công tác bảo vệ trẻ em ở các bình diện: Trách nhiệm tố giác và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại của nhân dân; Sự phối hợp kịp thời của chính quyền địa phương, của cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em ở địa phương trong việc bảo vệ, can thiệp và phục hồi cho trẻ em bị xâm hại; Sự lên tiếng kịp thời, mạnh mẽ và theo dõi sát sao quá trình can thiệp, giải quyết của các cơ quan truyền thông đại chúng.

 

Cháu P muốn ở với gia đình bà Phức, không về chùa Thiên Tâm (ảnh Thanh niên)

Liên quan đến sự việc bạo lực và vi phạm quyền trẻ em ở chùa Thiên Tâm và các vụ việc xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột trẻ em trong thời gian gần đây,  ông Đặng Hoa Nam nêu quan điểm, thực tế cấp bách cần có những bổ sung, sửa đổi trong quy định pháp luật về các quyền trẻ em nói chung và về bảo vệ trẻ em nói riêng. Trước hết ở mấy vấn đề cơ bản sau:

-Cần quy định bắt buộc về trách nhiệm tố giác, thông báo các hành vi nguy cơ hoặc đang xâm hại trẻ em đối với tất cả công dân cùng với các chế tài xử phạt đối với hành vi che giấu, không tố cáo, thông báo hoặc khen thưởng hành vi tố cáo, thông báo kịp thời.

-Quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về trách nhiệm truyền thông, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, về kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội làm việc về trẻ em cũng như trách nhiệm bắt buộc học tập, đào tạo về kiến thức pháp luật, về kỹ năng bảo vệ trẻ em đối với người chăm sóc trẻ em thay cho gia đình các em, người giám hộ cho trẻ em, những người quản lý, cung cấp dịch vụ và làm việc ở các cơ sở có nuôi dưỡng trẻ em. 

-Quy định rõ ràng trong pháp luật về Hệ thống Bảo vệ trẻ em (trong tương quan với các hệ thống Giáo dục, hệ thống Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em) bao gồm: cơ quan chủ trì về bảo vệ trẻ em các cấp; trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong bảo vệ trẻ em nói chung và từng trường hợp trẻ em bị xâm hại nói riêng; tiêu chuẩn và quy trình bảo vệ trẻ em của các dịch vụ liên quan đến trẻ em cũng như các cơ sở từ thiện, xã hội nuôi dưỡng trẻ em; việc phân bổ ngân sách nhà nước và các phương thức xã hội hóa cho lĩnh vực bảo vệ trẻ em; sắp xếp nguồn nhân lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em ở cấp xã.  

 

 Tại kỳ họp thứ 10 bắt đầu từ tháng 10 năm 2015, Quốc hội sẽ xem xét và góp ý cho Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Bảo vệ trẻ em là một trong những nội dung cơ bản được bổ sung, sửa đổi và quy định mới trong dự án Luật này.     

Nguồn Lao động và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh