Cần được quan tâm đúng mức
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 18:48 - 31/10/2015
Theo Sở NN&PTNT Tuyên Quang, trên địa bàn tỉnh hiện có 12.672 máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp. Trong đó, có 12598 máy do các cá nhân, hộ gia đình quản lý và sử dụng; 74 máy do các HTX, Tổ hợp tác quản lý, khai thác và sử dụng. Số lượng máy làm đất tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Sơn: 3.459 máy; Sơn Dương: 2.645 máy; Chiêm Hóa: 2.386 máy... Đây là những nơi có diện tích canh tác lớn và địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Mức độ cơ giới hóa đã tăng nhanh, tuy nhiên số lượng người có kiến thức sử dụng, điều hành máy nông nghiệp được lại rất thấp.
Anh Đặng Văn Thuận, ở thôn Càng Nộc (xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa) vận hành thành thạo máy nông nghiệp sau khi được tập huấn kiến thức về kỹ năng sử dụng máy
Thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, trong tổng số 31.814 người đang trực tiếp sử dụng máy, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp, chỉ có 8.278 người có kiến thức về sử dụng, điều hành máy móc thiết bị (chiếm 26%). Trong khi số người chưa được tập huấn kỹ năng điều hành và đảm bảo ATVSLĐ là 23.536 người, chiếm 74%. Hầu hết những người chưa qua đào tạo chủ yếu là tự học và bổ sung kiến thức trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên việc học “mót”, tự học của người điều khiển máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất dẫn đến việc máy móc không được khai thác hết công suất, kèm theo đó là tổn thất trong sản xuất, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp và mức độ ATVSLĐ không được đảm bảo. Điều này dẫn đến việc chi phí cho đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp bị đội lên cao. Anh Nguyễn Văn Long, xã Trung Sơn (huyện Yên Sơn) cho biết, dù đã sử dụng máy làm đất được 3 năm nhưng kiến thức sử dụng máy hoàn toàn là tự học, chứ chưa qua chương trình tập huấn nào. Theo anh Long việc không có kiến thức sử dụng máy nhiều lúc cũng khó khăn, vì khi máy hỏng hóc không biết sửa chữa đành phải thuê người.
Để nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng máy móc, thiết bị, đảm bảo ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn đã được Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) hỗ trợ kinh phí tập huấn ATVSLĐ và ngành nghề nông thôn cho đối tượng là chủ sở hữu và người sử dụng máy móc, thiết bị. Đồng thời ngành nông nghiệp cũng đã phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức được 24 lớp dạy nghề cho 813 lao động, trong đó có 6 lớp về sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp. Chương trình tập huấn đã trang bị kiến thức và kỹ năng về sử dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất, biết vận dụng các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình sử dụng, đồng thời hướng dẫn cho người khác cùng biết để sử dụng máy móc, thiết bị đảm bảo an toàn.