THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:04

Cộng đồng ASEAN hình thành: Canh cánh nỗi lo nhân lực du lịch

 

Bùng nổ DN lữ hành du lịch

Nhằm tích cực chuẩn bị cho việc công nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP), ngay từ năm 2012, Việt Nam đã lựa chọn và đề cử nhân sự phù hợp tham gia vào các chương trình đào tạo do ASEAN tổ chức để phát triển đội ngũ đào tạo viên ASEAN đối với các nghề buồng, chế biến món ăn, lễ tân và phục vụ nhà hàng. Bên cạnh đó, đã ban hành 8 bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia và đang trong quá trình chuyển đổi 10 bộ tiêu chuẩn nghề du lịch theo hệ thống VTOS do Liên minh châu Âu hỗ trợ thành các bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia, để có đủ các tiêu chuẩn so sánh tương đương với các nghề tiêu chuẩn chung trong ASEAN. Việt Nam cũng đã tích cực đóng góp cho việc phổ biển thỏa thuận MRA-TP tại Việt Nam  và các quốc gia ASEAN, xây dựng các tài liệu hướng dẫn triển khai MRA-TP, tổ chức các hội thảo phổ biến, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp (DN), đơn vị, trường đào tạo và các đơn vị có liên quan.

Tính đến tháng 10/2015, cả nước có trên 1,4 triệu lao động du lịch trực tiếp và gián tiếp. Hệ thống cơ sở đào tạo du lịch gồm 284 cơ sở, trong đó có 62 trường đại học, 80 trường cao đẳng, 117 trường trung cấp, 2 công ty đào tạo, 23 trung tâm, lớp đào tạo nghề với trên 5.000 cán bộ, giáo viên tham gia đào tạo, giảng dạy du lịch, hàng năm có thể cung cấp 20.000 sinh viên du lịch tốt nghiệp, có khả năng tham gia ngay vào thị trường lao động du lịch nội địa.

Hướng dẫn viên hướng dẫn du khách quốc tế thăm quan Cố đô Huế.

Số lượng các DN kinh doanh lữ hành ngày càng tăng nhanh, năm 2000 cả nước chỉ có trên 300 DN lữ hành quốc tế thì đến 2015 cả nước đã có 1.500 DN lữ hành quốc tế, trên 10.000 DN lữ hành nội địa. Cả nước đã có gần 19.000 cơ sở lưu trú du lịch với 350.000 phòng (gấp 5 lần so với 2001). Trong đó nhiều dự án đầu tư, liên doanh với nước ngoài về khách sạn đã thay đổi đáng kể diện mạo các cơ sở lưu trú cao cấp. Mặc dù du lịch phát triển nhanh, tuy nhiên theo “Báo cáo năng lực cạnh tranh Du lịch năm 2015” thì chỉ số về nguồn nhân lực và lao động du lịch của Việt Nam chỉ đứng thứ 55/141 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cạnh tranh gay gắt về lao động

Giám đốc Hanoitourist Lưu Đức Kế nhận định: “Lao động nghề du lịch sẽ chịu tác động và gặp nhiều thách thức khi triển khai MRA-TP, do trình độ chuyên môn, tay nghề, khả năng ngoại ngữ còn kém so với các nước xung quanh...”. Chia sẻ ý kiến này, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng, Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động trẻ, làm việc chăm chỉ, tiếp thu nhanh nhưng năng lực ngoại ngữ, giao tiếp, các kỹ năng mềm chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là lĩnh vực nhân sự cao cấp.

 Hiện, trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng du lịch hiện chiếm 47,3% nhân lực được đào tạo, bằng 19,8% tổng nhân lực toàn ngành du lịch. Nhân lực được đào tạo đại học và sau đại học chỉ chiếm 3,2% tổng nhân lực, trình độ sơ cấp (đào tạo dưới 3 tháng) hiện chiếm 45,3% nhân lực có chuyên môn. Điều này cho thấy công tác đào tạo nhân lực cấp cao trong ngành du lịch còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, nhiều DN lữ hành đang phải đi thuê nhân sự nước ngoài từ các cấp độ giám sát đến trưởng, phó bộ phận, nhất là các khách sạn 4 - 5 sao, khu resort hoặc những công ty lữ hành lớn. Chuyển dịch nhân sự trong lĩnh vực du lịch sẽ là xu thế tất yếu khi MRA-TP có hiệu lực, điều này sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh đối với nhân lực du lịch Việt Nam. Nếu không kịp thời có định hướng về đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành cho lao động du lịch, thì có thể dẫn đến nguy cơ khó tìm được việc làm theo chuyên môn sau khi ra trường.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) về điều tra nhận thức và quan tâm của DN với AEC ở các quốc gia ASEAN (năm 2013)  cho thấy, phần lớn các DN du lịch Việt Nam rất thờ ơ với AEC. Cụ thể, có tới 76% hoàn toàn không quan tâm đến AEC, 63% cho rằng AEC không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình. “AEC có những ưu đãi về thuế quan, thủ tục hải quan, hoặc MRA-TP là ngành nghề cạnh tranh rõ rệt, nhưng nhận thức hời hợt như vậy DN không thể lường được những hệ lụy khi chính thức nhập cuộc chơi”, ông Kế nói. PGS, TS Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, cần nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo nghề du lịch, đặc biệt cần tăng cường liên kết đào tạo gắn với nhu cầu của các DN, địa phương, gắn với thực hành, thái độ làm việc, đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh cho sinh viên du lịch.

Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) đã mua và áp dụng thí điểm bộ tiêu chuẩn nghề du lịch của Malaysia, phát triển bộ tiêu chuẩn VTOS do Liên minh châu Âu ( EU) hỗ trợ Việt Nam, để xây dựng 8 bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia, bộ tiêu chuẩn nghề du lịch của ASEAN, bộ tiêu chuẩn nghề VTOS điều chỉnh... 

VIỄN NGUYỆT/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh