THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:23

Lao động ngành du lịch: Đủng đỉnh… hội nhập

 

Thiếu trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao

Để tạo điều kiện cho lao động lành nghề di chuyển trong khu vực, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại, các nước ASEAN đã ký kết 8 thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs), cho phép chứng chỉ của lao động lành nghề được cấp bởi các cơ quan chức năng tương ứng tại một quốc gia, sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên trong khu vực...

Trong lĩnh vực du lịch, khi thỏa thuận MRA-TP có hiệu lực sẽ thu hút đông đảo lao động du lịch trong khối đến Việt Nam làm việc. Vì thế, nếu lao động nước ta yếu về trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hành thì rất dễ thua ngay trên sân nhà. Mặt khác, nếu các doanh nghiệp trong nước không đổi mới, không có chính sách giữ chân lao động tay nghề cao, thì nguồn lực này sẽ bị các nước khu vực “giành” mất, dẫn đến du lịch Việt Nam yếu thế, mất đi khả năng cạnh tranh...

Theo Tổng cục Du lịch, hiện ASEAN đã xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề chung cho 6 nghiệp vụ lễ tân, buồng, bếp, dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch và điều hành tour với tổng số 32 chức danh nghề, không bao gồm nghề hướng dẫn viên du lịch. Giáo trình đào tạo nghề chung cũng đã được xây dựng. Một số nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan đã có cơ quan quốc gia cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch cho người lao động. Và, ASEAN cũng đã thành lập Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) để tổ chức triển khai MRA-TP.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn đang thiếu các trung tâm đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao. Đây là nhận định chung của nhiều nhà làm du lịch, kinh doanh và lãnh đạo các tỉnh tại các hội thảo về du lịch. Theo thống kê, hiện nay nguồn nhân lực cho ngành du lịch trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm 3,11% trong số hơn 1 triệu lao động của ngành. TS Trần Du Lịch (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Một trong những điểm mấu chốt để phát triển du lịch là nguồn nhân lực. Làm du lịch có chuyên nghiệp hay không chính là nhờ vào lực lượng này. Bài toán về nhân lực rất bức thiết, đòi hỏi phải vạch ra một chiến lược đào tạo bài bản, có trình độ cao, đáp ứng được đòi hỏi kiểu mẫu du lịch đẳng cấp mà chúng ta đang hướng tới”.

Còn theo TS Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: “Quy hoạch, xây dựng trường thì rất nhiều, nhưng thực tế ta chưa có nơi nào thực sự đào tạo có uy tín để cung cấp nhân lực cho ngành du lịch. Nhiều doanh nghiệp kêu bây giờ tuyển nhân lực hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn, resort đẳng cấp rất khó, nhiều doanh nghiệp phải thuê người nước ngoài, vì ta không đáp ứng được”.

Lo lắng trước thềm hội nhập

Theo nhận định của ông Phạm Hà, Tổng Giám đốc Cty Luxury Travel, hầu hết các doanh nghiệp du lịch lữ hành đang thiếu hụt trầm trọng đội ngũ quản lý bậc trung. Khi thị trường lao động mở cửa với ngành này, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn nhân lực hơn, nhưng cũng đồng nghĩa, lao động trong nước có ít cơ hội hơn nếu trình độ ngoại ngữ, kỹ năng chuyên môn không được cải thiện.

Hiện nay, nguồn nhân lực cho ngành du lịch trình độ từ đại học trở lên mới chỉ chiếm 3,11%. (Ảnh minh họa).  

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, chia sẻ: Thỏa thuận MRA-TP có thể tạo áp lực về việc làm cho lao động trong ngành, nhưng xét về tổng thể, thỏa thuận này có thể cải thiện chất lượng của ngành du lịch. Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều Cty lữ hành, các khu nghỉ dưỡng lớn được xây dựng khắp nơi trong cả nước, có thể nói, du lịch đang đóng một vai trò lớn trong việc tạo việc làm trong xã hội. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, ngành du lịch luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực.

Dẫn thực tế “một số nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore... đã có những bước chuẩn bị chu đáo cho việc hội nhập nguồn lao động du lịch, thì tại Việt Nam, nhiều nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp vẫn chủ quan, chưa có sự trang bị kĩ lưỡng”, ông Nguyễn Văn Lưu, nguyên Giám đốc Dự án Tăng cường nguồn nhân lực du lịch (Luxemburg tài trợ) cảnh báo: “Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành lập cuối năm nay, có thể khiến nhiều lao động du lịch bị mất việc...”.

Theo Tổng cục Du lịch, từ chỗ chỉ có 12.000 lao động vào năm 1990, đến nay ngành du lịch Việt Nam đã có 1,8 triệu lao động, trong đó lao động trực tiếp là 570.000 người.

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh