CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:53

Công bố điểm thi THPT quốc gia 2016 trước ngày 20/7

 

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016.


 Hiệu quả về sự phối hợp tổ chức kỳ thi

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi năm nay có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các trường đại học và các địa phương. Thí sinh được thi tại địa phương mình, gần nhà, giảm tốn kém chi phí, giảm áp lực, do đó các em làm bài tự tin hơn để đạt được kết quả tốt hơn, tỉ lệ thí sinh đến dự rất cao. Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, nhẹ nhàng, không gây căng thẳng với thí sinh.

Cũng theo Thứ trưởng Ga, năm nay do được tập huấn kỹ nên ít sai sót trong khâu tổ chức, hồ sơ thí sinh, mà chủ yếu sai ở số chứng minh nhân dân. Hầu hết các điểm thi, điều kiện điện nước và tình hình giao thông ổn định, không xảy ra ách tắc giao thông như mọi năm do số lượng tập trung ở thành phố không nhiều, lý do là tổ chức các cụm thi tại tất cả các địa phương trên cả nước. Các hội đồng thi tạo điều kiện cho các thi sinh bị tai nạn, gặp khó khăn trong việc đi lại hoàn thành tốt việc dự thi tại các điểm thi.

“Việc mở rộng cụm thi đại học ở tất cả địa phương trong kỳ thi năm 2016 là phép thử để Bộ GD&ĐT trao quyền cho địa phương và các trường đại học trong công tác tổ chức thi, tuyển sinh. Đây được xem như phép thử quan trọng để tiếp tục có những thay đổi ở kỳ thi năm sau. Qua đó cho thây tính nghiêm túc của kỳ thi năm nay đã tạo được niềm tin cho xã hội, đồng thời những thay đổi này sẽ là tiền đề cho sự thành công của kỳ thi ở những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm.

 Chấm thi: Tạo sự công bằng và niềm tin cho xã hội

Tại buổi họp báo, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đánh giá, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của các ban ngành, kỳ thi năm nay diễn ra tốt đẹp, chỉ có một ít sai về số chứng minh nhân dân, đã kịp thời được điều chỉnh trước ngày thi.

Về công tác chấm thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, ngay sau khi thi, các cụm sẽ chấm, Bộ chỉ đạo phải hoàn thành trước ngày 20/7. Vì vậy những trường có số lượng thí sinh đông cần chuẩn bị lực lượng chấm thi phù hợp. Quá trình chấm thi được thực hiện theo hai vòng độc lập để đảm bảo chính xác. Việc làm tròn điểm cũng chỉ được làm tròn 2 chữ số thập phân để đảm bảo công bằng. Năm nay, sau khi các trường, địa phương chấm thi xong sẽ gửi kết quả lên Bộ để đối chứng, xây dựng cơ sở dữ liệu chung của cả nước, rồi chuyển dữ liệu tính về cho 70 cơ sở để công bố. Vì vậy, vấn đề kỹ thuật không đáng ngại. Bộ đề nghị các sở, trường đại học chủ trì làm việc với đơn vị cung cấp Internet để tránh nghẽn mạng.

 

Buổi họp báo chiều 4/7 do Bộ GD&ĐT tổ chức.


Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT, đề năm nay các câu hỏi ở dạng mở, có tính vận dụng, đòi hỏi thí sinh phải có tính sáng tạo. Vì vậy việc chấm thi cũng cần mở. Tất cả câu trả lời của thí sinh không sai so với nội dung câu hỏi, không vi phạm thuần phong mỹ tục đều được cho điểm. Khi xây dựng đáp án mở không phải đếm ý cho điểm mà sẽ có các gợi ý một số nội dung mang tính chìa khóa để đáp ứng nội dung câu hỏi. Bộ sẽ công bố kết quả chấm thi tại tất cả các cụm thi, đảm bảo đường truyền ưu tiên thực hiện thông suốt, tránh sự quá tải giống năm ngoái. Công tác chấm thi phải được thực hiện tốt tạo sự công bằng và niềm tin cho xã hội.

 Không có chuyện lộ đề thi Ngữ văn

Cũng tại buổi họp báo, trước câu hỏi về có người tung tin lộ đề thi Ngữ văn trên mạng, đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã có văn bản trả lời chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. "Chúng tôi mong các phương tiện thông tin đại chúng không làm hoang mang tinh thần thí sinh trong quá trình thi cử. Thông tin thất thiệt về lộ đề thi, đề thi sai từng diễn ra từ những năm trước đây, gây nhiễu loạn tinh thần sĩ tử", Thứ trưởng Ga nói.

Ngay sau khi có nguồn tin lan truyền về vấn đề này, Ban chỉ đạo đã có những phương án kịp thời, quyết liệt nhằm ổn định tâm lý, đảm bảo chất lượng tốt nhất cho việc thí sinh tiếp tục làm bài cho các môn tiếp theo. Câu hỏi đề thi năm nay được đánh giá tốt, Bộ GD&ĐT có dự định triển khai hình thức tương tự trong các năm thi tiếp theo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: Đề thi trong những năm vừa qua đã có những bước cải tiến mạnh. Hiện nay, không có thí sinh nào hoang mang, bất ngờ trước cách ra đề của Bộ GD&ĐT.

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Chênh lệch điểm thi 0,5 phải tổ chức đối thoại trực tiếp

 Quy định điểm các môn thi được chấm theo thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân; không quy tròn điểm (năm 2015, quy định điểm bài thi chấm theo thang điểm 10, lấy lẻ đến 0,25).

Điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (năm 2015, quy định trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên đối với môn khoa học tự nhiên và từ 1,0 điểm trở lên đối với môn khoa học xã hội thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo). Điều này có lợi hơn cho thí sinh và sự phân hóa điểm thi được tốt hơn, thuận lợi hơn cho việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

C.H / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh