'Còn sức lực ngày nào thì ngày đó tôi còn phục vụ nhân dân'
- Người có công
- 16:21 - 06/06/2020
Đáng tự hào người lính Cụ Hồ
Trải qua hàng chục năm chiến tranh gian khổ và ác liệt, khi đất nước hòa bình, những người thương binh trở về với gia đình, với quê hương. Họ đã để lại sau lưng tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cùng một phần thân thể trong chiến đấu. Với họ, nỗi đau chiến tranh dường như vẫn hiện diện. Các thương binh hằng ngày vẫn phải đối diện với bao cơn đau mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng những người lính Cụ Hồ năm xưa lại viết tiếp bản hùng ca giữa đời thường bằng những nỗ lực trong quá trình xây dựng đất nước, góp sức lực và trí tuệ của mình góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Năm 1983, ông Văn Đắc Tổng (ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Đến năm 1985, thương binh hạng 4/4, ông trở về địa phương. Năm 1999, ông tham gia công tác tại chi hội cựu chiến binh ở ấp, rồi làm công an viên, ban dân phố. Đến năm 2014, ông Tổng được tín nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Phong Điền cho đến nay.
Những tháng ngày chiến đấu trên đất bạn Campuchia, chứng kiến cảnh chết chóc, nhà tan cửa nát, ông Văn Đắc Tống trở về mang theo nhiều vết thương trên cơ thể, cùng nỗi đau mất đi những người bạn là đồng đội, đồng chí cùng vào sinh ra tử. "Hàng năm, cứ đến ngày thương binh, liệt sĩ là tôi cảm thấy bùi ngùi nhớ đồng đội của mình đã hy sinh", ông Tống bùi ngùi nói.
Viết tiếp bản hùng ca giữa đời thường
Dù ở bất cứ vị trí nào, ông Tổng cũng làm việc bằng tất cả khả năng và tâm huyết của mình. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn, ông Tổng luôn đi đầu trong các phong trào, vận động các hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới, ông Tổng cho biết: "Tôi thường xuyên xuống chi hội ở ấp, xuống địa bàn, thấy cầu đường chỗ nào còn khó khăn, thì tôi vận động bà con đóng góp vật tư. Ngày làm việc hay thứ Bảy, Chủ nhật, ngày nghỉ tôi cũng tranh thủ đi vận động, bản thân tôi cũng ý thức trách nhiệm mình đi trước làm gương như vận động người dân đóng góp thì mình đóng góp trước".
Từ năm 2016 đến nay, ông Tổng cùng với Hội Cựu chiến binh thị trấn Phong Điền đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng được 3 cây cầu ở ấp Nhơn Lộc 1A, Nhơn Lộc 2 và tuyến đường dài hơn 1km ở ấp Nhơn Lộc 1A, với tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Bà Lâm Thị Thia - ấp Nhơn Lộc 2, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền cho hay: "Cây cầu trong xóm tôi mới có trong năm nay, do chú Tổng vận động bà con làm, lúc trước không có cầu đi khó khăn lắm, chú cũng có tinh thần đi vận động, hoà đồng với dân, có được cầu đường đi dễ dàng bà con cũng mừng, cũng hoan nghênh tinh thần chú".
Ông Châu Văn Hồng - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phong Điền cho biết thêm: "Đồng chí Văn Đắc Tổng gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, bám sát cơ sở, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, bên cạnh đó còn tích cực lao động sản xuất để từ khó khăn hiện nay kinh tế gia đình phát triển".
Với những gì đã cống hiến, ông Văn Đắc Tổng vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen cấp huyện, cấp thành phố, đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Gương điển hình tiên tiến nhiều năm liền.
Nói về những dự định trong thời gian tới, ông Văn Đắc Tổng chia sẻ: "Tôi dự định sẽ làm mô hình tuyên truyền pháp luật, đến từng nhà để tuyên truyền cho người dân nắm rõ những chính sách pháp luật của Nhà nước, còn sức lực ngày nào thì ngày đó tôi còn phục vụ nhân dân, tích cực tham gia các công tác xã hội".
Với ông công việc luôn là niềm vui và thôi thúc ông phấn đấu hơn nữa để có thể giúp cho gia đình có cuộc sống tốt đẹp và góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.
Hơn 40 năm độc lập, đất nước đổi thay từng ngày, nhưng dù làm gì, ở cương vị nào, những người lính năm xưa luôn phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", một lòng vững tin theo Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cống hiến hết mình cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Hiện Huyện Phong Điền có 2.932 gia đình chính sách, người có công với cách mạng, trong đó trợ cấp thường xuyên 822 (Mẹ VNAH còn sống 06, Phục vụ Mẹ VNAH 06, 229 tuất liệt sỹ cơ bản, 04 liệt sỹ nuôi dưỡng, 01 Tuất 02 liệt, 155 thương binh dưới 81%, 11 thương binh từ 81% trở lên, 04 bệnh binh, 01 thương binh loại B, 11 phục vụ thương binh, 01 Quyết định 53, 10 Quyết định 142, 02 Quyết định 62, 12 tuất thương binh, 02 tuất bệnh binh, 02 tuất Chất độc hóa học, 118 đối đượng tù đày, 75 chất độc hóa học, 40 con chất độc hóa học, 131 người có công, 01 có công cách mạng hưởng định xuất cơ bản), 1.014 gia đình thờ cúng liệt sỹ, 164 Mẹ Việt Nam Anh hùng từ trần, 932 đối tượng theo quyết định 62, quyết định 49, Quyết định 53, Thanh niên xung phong, Quyết định 142 được cấp BHYT.
Chi trả trợ cấp thường xuyên cho khoảng 10.000 lượt đối tượng chính sách người có công qua hệ thống Bưu điện.