THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:42

Con đường giảm nghèo đúng đắn

Có vốn, người dân có cơ hội đầu tư chăn nuôi sớm thoát nghèo

Theo đánh giá chung thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nghèo, trong đó, chủ yếu do xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí còn hạn chế, chênh lệch nhiều so với miền xuôi; kinh nghiệm, trình độ áp dụng khoa học – kỹ thuật vào phát triển sản xuất vẫn còn ở giai đoạn bước đầu; địa hình đồi núi, đất dốc, thiên tai… khiến hệ thống thủy lợi, tưới tiêu không có sự chủ động; ngân sách địa phương hạn hẹp, bị động khi phải phụ thuộc 90% vào Trung ương hỗ trợ, khiến tỷ lệ nguồn vốn được phân bổ hàng năm để tổ chức thực hiện các chương trình, dự án “nhỏ giọt”, “dàn trải”, trong khi năng lực của bộ máy làm công tác giảm nghèo ở cơ sở còn nhiều bất cập nên mục tiêu các chương trình, dự án đề ra không đạt hiệu quả như mong muốn; Và hơn cả là tâm lý, tư tưởng trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại vào Nhà nước, không muốn gia đình, địa phương thoát nghèo của một bộ phận cán bộ và người dân.

Kể từ khi bắt tay vào thực hiện Đề án Giảm nghèo theo Nghị quyết 30a, Trung ương đã bố trí hỗ trợ trực tiếp hơn 912 tỷ đồng. Ngân sách địa phương lồng ghép bố trí trên 263 tỷ đồng. Các huyện 30a đã được các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, cộng đồng và đoàn thể hỗ trợ tổng giá trị 121,22 tỷ đồng xây dựng nhà ở, trường học, trạm y tế xã, nhà nội trú cho học sinh; trong 2 năm (2014 – 2015) hỗ trợ trên 1.200 con bò giống từ chương trình Chung tay vì cộng đồng. Tổng nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án giảm nghèo khác đã và đang được thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo là gần 1.789 tỷ đồng. Từ đó, các chính sách hỗ trợ sản xuất, mua giống, phân bón chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vay vốn tín dụng ưu đãi, khuyến nông, lâm, ngư, đào tạo lao động… được triển khai đồng bộ.

Một trong những huyện nghèo của Điện Biên thực hiện khá tốt Nghị quyết 30a là huyện Điện Biên Đông. Huyện đã thực sự mở ra nhiều cơ hội để nhân dân các dân tộc, nhất là các hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển và ổn định cuộc sống, nhất là việc hỗ trợ về sản xuất để nhân dân có cơ hội đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Chia sẻ về những thành công này, ông Vàng A Hờ, Phó chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: Với Nghị quyết 30a, ngoài việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở như giao thông, thủy lợi, trường lớp học, từ nguồn vốn này, bà con các dân tộc trong huyện, còn được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác như Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập; chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí..., qua đó mà người dân đã có thêm việc làm, có tay nghề để tự áp dụng vào thực tiễn, nâng cao thu nhập cho gia đình, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững theo đúng tinh thần mà nghị quyết đã đề ra.

Trồng rừng đang mang lại thu nhập cho người dân

Còn tại huyện Mường Nhé, huyện tập trung công tác giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, hỗ trợ nhận giao khoán rừng đối với hộ gia đình; giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất. Đến nay  các cơ quan chức năng đã giao khoán trên 60.000ha cho trên 10.000 hộ, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 14 tỷ đồng. Bên cạnh đó là việc hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo quy hoạch, các cơ quan chức năng đã cấp phát cho 3.195 lượt hộ dân giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao với tổng kinh phí đầu tư 26,591 tỷ đồng.

Huyện cũng đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi giống vật nuôi: hỗ trợ hộ nghèo phát triển đàn dê, trâu, bò thể trạng lớn và lợn Móng Cái. Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao chất lượng công tác khuyến nông - khuyến ngư. Đến nay, trên địa bàn huyện đã triển khai 14 mô hình trình diễn như: mô hình thâm canh lúa đông xuân; mô hình khoai tây; mô hình thí điểm thâm canh cây thảo quả; mô hình chăn nuôi vịt bầu theo hướng an toàn sinh học; mô hình nuôi cá thả ao hệ VAC... Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất đã và đang góp phần quan trọng giúp người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa; sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi ngày càng được nâng cao.

Cùng với đó, huyện cũng đã thực hiện nội dung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư, xây dựng 21 công trình với tổng vốn 189,881 tỷ đồng. Bao gồm: 5 công trình đường giao thông, 6 công trình nước sinh hoạt, 4 thủy lợi và 6 công trình trường học. Các công trình được đầu tư mang lại hiệu quả, đặc biệt là các công trình giao thông, thủy lợi đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, giao thương, tạo cơ hội để xóa đói, giảm nghèo bền vững. Kết quả từ thực hiện Nghị quyết 30a đã góp phần quan trọng giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn huyện Mường Nhé; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6,56%/năm: từ 77,8% năm 2010 xuống còn 45% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015).

Góp chung với thành công đó, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cũng cho biết, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a đang triển khai thực hiện trên địa bàn là rất thiết thực, hợp lòng dân, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, đến nay 10/12 xã có đường giao thông trải nhựa đến trung tâm xã, 50% thôn, bản có đường dân sinh được bê tông hóa hoặc trải nhựa; 4/12 trạm y tế xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 12/12 xã có điện lưới quốc gia; trên 80% số hộ được sử dụng điện, trên 90% số hộ nghèo có nhà ở bán kiên cố trở lên. Trong 5 năm, toàn huyện Tủa Chùa đã có trên 1.300 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 73,8% năm 2010 xuống còn 48% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm trên 5%.

Như vậy, tổng kết qua các huyện, nhìn cũng con số cũng đủ thấy việc triển khai thực hiện Nghị quyết 3a đang là yếu tố quan trọng giúp cho các huyện nghèo của tỉnh Điện Biên cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

HẠNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh