THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:04

Hỗ trợ, khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm xem xét những nông sản do người nghèo sản xuất.

* Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã có kết quả điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, xin Thứ trưởng cho biết Bộ có bất ngờ khi tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới tăng gấp 3 lần so với số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đơn chiều?

- Kết quả sơ bộ các địa phương báo cáo về đánh giá và rà soát nghèo theo cách tiếp cận đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo là 9,88%, cận nghèo là 5,22%. Tổng cộng cả nghèo và cận nghèo là 15,1%. Tỷ lệ này so với dự báo ban đầu thấp hơn (dự báo ban đầu khoảng 18%). Tỷ lệ này cao hơn cách tiếp cận cũ của năm 2015 (tăng gấp 3 lần) nhưng chúng ta không quá bất ngờ về kết quả này. Bởi so với năm 2015 và so với giai đoạn đầu 2011 - 2015, tỷ lệ nghèo đa chiều còn thấp hơn.

Như vậy, mặc dù tiếp cận đa chiều nhưng sau 5 năm phấn đấu, đời sống của người dân đã cải thiện đáng kể. Mặc dù tiếp cận đa chiều nhưng các chiều khác nhau cũng đã được thực hiện từ lâu. Chính sách giảm nghèo về nhà ở, giáo dục, y tế, nước sạch... đã thực hiện từ nhiều năm nay. Bây giờ đánh giá lại thì thấy rằng những thiếu hụt về tiếp cận dịch vụ cơ bản cũng không quá lớn như lo lắng.

* Trong thời gian tới, các chính sách giảm nghèo cần có sự điều chỉnh như thế nào để  tránh trùng lặp, thưa Thứ trưởng?

- Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, cắt bỏ các chính sách trùng lặp. Hiện tại, các bộ ngành đang tập trung rà soát lại tất cả các chính sách do bộ ngành mình tham mưu trong thời gian qua để từ đó đánh giá hiệu quả của từng chính sách. Chính sách nào cần tích hợp, chính sách nào sửa đổi, hay kết thúc những chính sách không hiệu quả. Chính phủ cũng lưu ý các bộ ngành cần phải tự chủ động và có sự phối kết hợp trong việc rà soát chính sách, tránh việc trùng lặp, chồng chéo trong việc ban hành chính sách mới. Hơn nữa, việc định hướng thiết kế chính sách mới cũng sẽ được thực hiện theo hướng tạo điều kiện cho người nghèo, địa phương nghèo chủ động vươn lên, sử dụng nguồn lực và chính sách có hiệu quả.

Các chính sách hỗ trợ sản xuất trong Chương trình 135, hay 30a như: Hỗ trợ giống, hỗ trợ cây con, phân bón, khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng… sắp tới sẽ thiết kế lại thành một hệ thống để tập trung nguồn lực. Tới đây các chính sách cho không sẽ bị cắt bỏ, thay vào đó là những chính sách “bà đỡ”, tạo cú hích để khuyến khích sự vươn lên của người nghèo.

* Cũng theo kết quả điều tra cho thấy: Tỷ lệ nghèo giữa các vùng miền có sự chênh lệch lớn, vậy việc thiết kế, điều chỉnh chính sách sẽ thực hiện thế nào, thưa ông?

-Chúng ta có chính sách giảm nghèo và cả chương trình giảm nghèo. Về chính sách, chúng ta có hỗ trợ bảo hiểm y tế, cho vay làm nhà ở, hỗ trợ về giáo dục… Những chính sách này nằm ngoài chương trình mục tiêu giảm nghèo được thực hiện trên phạm vi cả nước. Người nghèo cả nước đều được tiếp cận quyền lợi như nhau. Còn Chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia là tập trung cho những vùng nghèo nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, vùng bãi ngang ven biển và các vùng có tỷ lệ nghèo cao. Cho nên những vùng này sẽ được ưu tiên nguồn lực hơn.

Người nghèo vay vốn ưu đãi để tạo sinh kế vươn lên thoát nghèo.

Đầu tư tập trung không chỉ cho các hộ nghèo mà còn cho cả cộng đồng nghèo, nâng cao điều kiện về hạ tầng cơ sở. Đồng thời, cũng có những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các hộ ở những vùng này. Cho nên về mặt chính sách đã thể hiện được tính đặc thù, thể hiện được trọng tâm, trong điểm phân bổ, đầu tư nguồn lực. Chúng ta phải làm thế nào để giảm tỷ lệ hộ nghèo chung trên bình diện cả nước từ 1,3 đến 1,5%, nhưng phải giảm mạnh ở những vùng nghèo khoảng 4% hoặc trên 4%/năm. Nguồn lực dành cho giảm nghèo đã có phương án phân bổ để đạt mục tiêu này.

* Xin Thứ trưởng cho biết giai đoạn tới sẽ phải bổ sung thêm những chính sách mới nào giúp người nghèo tiếp cận với 5 chiều dịch vụ xã hội thiết yếu?

- Tiếp cận theo chuẩn nghèo đa chiều sẽ quan tâm đến việc thiết kế 5 chiều dịch vụ thiết yếu, nhưng không phải bây giờ chúng ta mới làm cái đó. Trước đây, chúng ta cũng đã có chính sách giúp người dân tiếp cận y tế, thông tin, nước sạch, giáo dục..., chúng ta đã có chương trình mục tiêu và chính sách rồi. Bây giờ chúng ta đánh giá, đo đếm các chiều cụ thể, mục đích là để xem người nghèo còn chưa được tiếp cận với cái gì để tiếp tục hỗ trợ. Chính vì vậy, chúng ta chỉ cần bổ sung, hoàn thiện lại hệ thống chính sách đang có.

* Xin Thứ trưởng cho biết nguồn lực để thực hiện Chương trình giảm nghèo trong thời gian tới?

- Quốc hội đã có Nghị quyết 100/2015/QH13 về bố trí nguồn lực trung hạn cho giai đoạn giảm nghèo 2016 - 2020 với tổng nguồn lực hơn 46.000 tỷ đồng, bao gồm cả đầu tư hạ tầng, cả sự nghiệp, hỗ phát triển sản xuất, tăng sinh kế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Số tiền này là nguồn lực dành cho Chương trình mục tiêu 5 năm. Còn các chính sách khác đang được thực hiện với người nghèo không nằm trong nguồn này. Ví dụ như bảo hiểm y tế, hỗ trợ cấp bù lãi suất cho vay tín dụng, hỗ trợ giáo dục là tính riêng.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phân bổ bổ sung vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2016. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ 73,3 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp năm 2016 của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trong đó:  59 tỷ đồng cho các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để thực hiện các dự án: Chương trình 30a,     hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, truyền thông và giảm nghèo về thông tin, nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; 14,3 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc quản lý và sử dụng số kinh phí trên bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và đúng quy định. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; thông báo cụ thể   số kinh phí bổ sung cho các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương để triển khai thực hiện.

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh