Có tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe
- Pháp luật
- 13:58 - 07/04/2015
Quá tải 200% vẫn lọt
Lực lượng CSGT Hà Nội cân kiểm soát tải trọng xe tại trạm thu phí Km6 + 000 đầu tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. |
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, trên tuyến đường từ huyện Thường Tín đi huyện Thanh Oai (Hà Nội), có rất nhiều xe tải chở vật liệu quá tải hoạt động ngang nhiên, do khu vực này có nhiều điểm tập kết vật liệu xây dựng.
Số lượng lớn xe quá tải này không chỉ phá hỏng đường sá, mà còn gây bụi, tiếng ồn ảnh hưởng tới đời sống người dân nơi đây. Điều đáng lưu ý là số xe chở quá tải này còn thường xuyên đi qua trụ sở UBND và Công an huyện Thường Tín...
Mới đây, một đoàn xe quá tải từ 50 - 200% vẫn đi trót lọt từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, qua nhiều trạm cân và chỉ bị chặn bắt khi đi vào cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Trong khi đó, theo phản ánh của người dân, trên các tuyến QL1 qua Hà Nam, Ninh Bình; QL6 đi Hòa Bình, QL5 qua Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... nhiều xe chở đúng tải trọng thì bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng lại để cân, còn vào thời điểm trưa, giờ giao ca, ban đêm, trời mưa... nhiều đoàn xe quá tải vẫn đi qua các trạm cân trên các tuyến này “vô tư”.
“Đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thường xuyên nhận được phản ánh của nhân dân về các dấu hiệu tiêu cực, làm luật tại các trạm cân lưu động trên nhiều tuyến quốc lộ...”, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết.
Thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp gửi hàng hiện nay vẫn cố tình ép lái xe chở quá tải. Doanh nghiệp vận tải thì cố tình chở quá tải và tìm cách móc nối với “cò xe”, với một bộ phận lực lượng KSTTX lưu động trên đường và tại các trạm cân cố định để cho xe quá tải lưu thông.
Điều này thể hiện rõ qua các trường hợp xe quá tải bị bắt giữ, khi lái xe vi phạm thường bỏ lại xe, khóa cửa, không hợp tác với lực lượng chức năng, chờ chủ xe đến giải quyết.
Không ít lái xe vì “miếng cơm, manh áo” vẫn chấp nhận chở hàng quá tải, thậm chí chống đối lực lượng chức năng, cố tình phá hoại thiết bị cân xe, gây mất an toàn cho người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, những tiêu cực này chưa nghiêm trọng bằng những tiêu cực của chính lực lượng làm nhiệm vụ KSTTX và tuần tra kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông. Rõ nhất của việc móc ngoặc giữa lực lượng KSTTX và lái xe chính là việc nhiều đoàn xe chở quá tải đã và đang dễ dàng “lọt” các trạm cân, qua chốt của cảnh sát giao thông (CSGT).
Thiếu tướng Vũ Đỗ Anh Dũng (nguyên Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, đường sắt) được điều động tăng cường làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thẳng thắn: Thực tế trên chắc chắn là dấu hiệu tiêu cực trong công tác KSTTX.
Điều này cho thấy các biện pháp kiểm tra, xử lý chưa mạnh. Nhiều tuyến đường có tiêu cực vì quan sát thấy có những xe vi phạm không bị dừng, nhưng ngược lại xe không vi phạm lại bị dừng rất nhiều để vào cân, lấy số liệu.
Lãnh đạo địa phương phải “ra đường”
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan xây dựng chỉ thị mới, phân rõ nhiệm vụ cho từng đơn vị KSTTX để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời yêu cầu Thanh tra Bộ GTVT thống nhất mô hình tổ chức hoạt động tại các trạm KSTTX theo hướng:
CSGT là lực lượng chủ trì tuần tra, kiểm soát, dừng phương tiện, xử phạt vi phạm; còn thanh tra giao thông làm nhiệm vụ phối hợp cân tải trọng, tập trung KSTTX tại các đầu mối xếp hàng và kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp vận tải.
Bộ GTVT đang kiện toàn lực lượng thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng tại các trạm cân theo hướng đặt tinh thần trách nhiệm, chống tiêu cực lên hàng đầu trong thực thi công vụ.
Theo đó, nếu cán bộ thực thi nhiệm vụ bị phát hiện tiêu cực trong KSTTX sẽ bị đình chỉ công tác, đuổi việc. Đặc biệt, tại các công trường thi công hạ tầng giao thông, nếu lực lượng kiểm soát phát hiện xe quá tải, sẽ cách chức giám đốc ban quản lý dự án tại đó.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo tình hình tiêu cực, chống tiêu cực trong quá trình KSTTX. Từ ngày 1/4/2014 đến nay, các trạm KSTTX cả nước đã kiểm tra hơn 500.000 lượt xe, nhưng chỉ phát hiện 70.000 xe vi phạm, chiếm 14%. Qua kiểm tra lưu động, lực lượng chức năng cũng kiểm tra gần 130.000 xe và phát hiện hơn 15.000 xe vi phạm, chiếm 11%. |
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh bày tỏ: Lái xe của doanh nghiệp, của “ông nọ, bà kia” thì không sợ bị phạt, muốn lái kiểu gì thì lái, dẫn đến lái xe coi thường pháp luật...
Rõ ràng, hiện nay, tại một số địa phương có mỏ khoáng sản, giáp biên giới Việt Trung, Lào, Campuchia, tình trạng xe quá tải hoạt động ngang nhiên. Hiện tượng này là do lãnh đạo các tỉnh, thành phố chưa quyết liệt vào cuộc.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Nếu các đồng chí bí thư, chủ tịch và giám đốc công an các địa phương cùng xuống đường chỉ đạo KSTTX, đảm bảo ngay quý II/2015 sẽ không còn tình trạng xe quá tải hoạt động.
Quoter: “Sẽ công bố số điện thoại “nóng” và cơ chế thưởng khuyến khích để người dân giám sát, phản ánh tình trạng xe quá tải cũng như phát hiện những tiêu cực của lực lượng chức năng (Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định).