CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:11

Cơ sở cai nghiện ma túy Ninh Bình: Gắn cai nghiện với đào tạo nghề cho học viên

Nỗ lực chăm sóc sức khỏe học viên

Đối với mỗi học viên khi được tiếp nhận vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình (Cơ sở - Pv) đều được cán bộ y tế khám, xét nghiệm ma tuý, phân loại trên cơ sở đó có phác đồ điều trị cắt cơn giải độc phù hợp cho từng đối tượng.

Trong năm 2016, Cơ sở đã tiếp nhận và tổ chức cắt cơn giải độc cho 153 Học viên an toàn, không có tai biến, đạt tỷ lệ 100%. Sau thời gian cắt cơn 100% đối tượng sức khoẻ được phục hồi và tăng cân. Đặc thù học viên khi vào Cơ sở cai nghiện sức khoẻ yếu do sử dụng ma túy, mắc các bệnh về phổi, gan, đường ruột, Cơ sở đã tổ chức thăm khám thường xuyên hàng ngày cho trên 20 lượt học viên.

Ông Trần Xuân Trường (bên trái) - Giám đốc Cơ sở giới thiệu sản phẩm của các học viên

 

Thông qua công tác thăm khám cho các học viên Cơ sở đã phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh nội khoa thông thường cho học viên đạt hiệu quả cao đồng thời phối hợp cùng gia đình học viên giải quyết cho đi khám và điều trị tại Bệnh viện tuyến trên cho các học viên theo quy định. Kiểm tra cơ số thuốc tại kho để phân loại cho phù hợp, kiểm tra việc lập bệnh án theo đúng quy định, phối hợp các phòng nghiệp vụ xét nghiệm nhanh chất ma túy cho Học viên mới tiếp nhận, Học viên tái hòa nhập cộng đồng, Học viên thăm gặp 24h. Hàng ngày, bộ phận y tế phối hợp với các phòng nghiệp vụ tham gia công tác tư vấn giáo dục giúp Học viên ổn định về tư tưởng.

Các học viên trước khi tái hòa nhập cộng đồng đã được xét nghiệm ma túy kết quả Học viên không có chất ma túy. Để thực hiện tốt công tác phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, lao, Cơ sở còn phối hợp với Bệnh viện Lao, bệnh Phổi tỉnh Ninh Bình khám sức khoẻ cho toàn bộ Học viên và cán bộ, viên chức, lao động của Cơ sở...

Dạy nghề, tạo việc làm để hướng thiện cho người cai nghiện

Giám đốc Cơ sở Cai nghiện Ninh Bình Trần Xuân Trường cho biết: “Xác định công tác đào tạo nghề và lao động sản xuất là một khâu quan trọng trong quá trình cai nghiện ma túy, trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, lao động sản xuất cho học viên tại Cơ sở cai nghiện Ninh Bình luôn được lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và UBND tỉnh Ninh Bình quan tâm chỉ đạo. Đảng ủy, ban giám đốc Cơ sở đã chỉ đạo phòng chuyên môn nghiệp vụ hàng năm đã tiến hành xây dựng các kế hoạch, đề án… cho công tác đào tạo nghề và lao động sản xuất”.

Học viên tham gia học nghề tại Cơ sở cai nghiện ma túy Ninh Bình

 

“Trên cơ sở đó, Cơ sở cai nghiện Ninh Bình đã nghiên cứu, lựa chọn những nghề vừa phù hợp với thể trạng và đặc điểm tâm lý, sức khỏe của người nghiện ma túy, phù hợp với khả năng tìm kiếm việc làm để tổ chức đào tạo. Hàng năm 100% học viên Cơ sở được theo học các khóa đào tạo nghề. Chủ yếu là nghề Đan lát thủ công mỹ nghệ (Đan bèo bồng); nghề Xây dựng dân dụng; nghề Kỹ thuật xây dựng và nghề May gia công sản phẩm. Đây là những nghề nhiều tiềm năng trong điều kiện cơ chế tuyển dụng lao động trong nước rất cần, đặc biệt nhu cầu tuyển dụng tại địa phương, là nghề không đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ năng, kỹ thuật, mỹ thuật...” ông Trường cho biết thêm

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh Ninh Bình, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề ngắn hạn phi nông nghiệp cho lao động nông thôn và nguồn hỗ trợ dạy nghề của doanh nghiêp năm 2015, Cơ sở  cai nghiện Ninh Bình đã tổ chức đào tạo nghề Đan lát thủ công cho 50 học viên (kết quả 35 em xếp loại giỏi đạt 70% ; 15 em xếp loại khá đạt 30%) đặc biệt trong năm Cơ sở đã liên kết với Trường Cao đẳng nghề Việt Xô tổ chức thành công 01 lớp trình độ Sơ cấp nghề Xây dựng dân dụng cho 20 học viên ( kết quả 3 em xếp loại giỏi, 15 em xếp loại khá 02 em xếp loại trung bình);  liên kết với 01 Doanh nghiệp xây dựng tổ chức 02 lớp Thực hành Xây dựng dân dụng cho 50 học viên. Năm 2016 Cơ sở đã thực hiện đào tạo nghề, truyền nghề  Đan lát thủ công (Đan bèo bồng) cho 125 học viên (kết quả em 100% tốt nghiệp). Trong năm 2017 Cơ sở đã tổ chức đào tạo nghề Kỹ thuật xây dựng cho 50 học viên; nghề Đan lát thủ công cho 50 học viên, tổ chức truyền nghề May gia công sản phẩm cho 60 học viên.

Sau khóa đào tạo nghề trong thời gian còn ở Cơ sở, để rèn luyện kỹ năng nghề, tạo ra thu nhập, nâng cao đời sống cho học viên Cơ sở đã ký hợp đồng gia công sản phẩm mặt hàng Thủ công mỹ nghề với công ty Tiến Thành, các học viên học nghề xong được tham gia lao động sản xuất với mức khoán phù hợp, thời gian 3 giờ/ngày vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6, nghỉ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ tết theo quy định của nhà nước, được hưởng tiền công sản phẩm làm ra, thu nhập bình quân 250 - 350 nghìn/người/tháng.

Đặc biệt năm 2017 được sự quan tâm của UBND tỉnh Ninh Bình, Sở LĐ-TB&XH  Ninh Bình, Cơ sở được cấp 54 máy may công nghiệp trị giá gần 400 triệu đồng qua đó các học viên học nghề may xong đã được Cơ sở ký kết hợp đồng gia công sản phẩm với Công ty Xuân Thanh tạo ra thu nhập bình quân 350 - 400 nghìn/người/tháng. Các học viên học nghề Xây dựng dân dụng sau học nghề đã được Cơ sở tạo điều kiện tham gia sửa chữa, cải tạo, xây mới các công trình nhà làm việc, nhà ở... của đơn vị qua đó rèn luyện được kỹ năng nghề. 100% các học viên hoàn thành khóa đào tạo nghề đều được cấp chứng chỉ nghề hoặc giấy chứng nhận nghề, khi tái hòa nhập cộng đồng có nhu cầu tìm việc làm đều được Cơ sở giới thiệu đến làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, năm 2017, Cơ sở đã đưa vào sử dụng hai khu chăn nuôi, trồng trọt trị giá hơn 800 triệu đồng tạo điều kiện để Cơ sở đảm bảo tự cung tự cấp đầy đủ nguồn thực phẩm và rau xanh cho trên 300 học viên và cán bộ qua đó góp phần vào an toàn về sinh thực phẩm.

Ông Trần Xuân Trường - Giám đốc cơ sở cai nghiện Ninh Bình chia sẻ kinh nghiệm: “Đối với cơ sở cai nghiện, mục tiêu quan trọng nhất là chữa bệnh, đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với hoạt động dạy nghề cho học viên. Bởi đây không chỉ là hình thức lao động trị liệu, mà còn là phương pháp hiệu quả  để giáo dục ý thức lao động, trân trọng thành quả lao động cho mỗi học viên. Mặt khác dạy nghề còn trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để học viên sau này có cơ hội ổn định cuộc sống, tái hòa nhập với đời sống xã hội…”.

Một số thành tích đạt được của Cơ sở cai nghiện Ninh Bình:

Năm 2007: Bằng khen (Quyết định số 86/QĐ-LĐTBXH ngày 10/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)

Năm 2008: Tập thể Lao động xuất sắc (Quyết định số 29/QĐ-CT ngày 12/01/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.

Năm 2009: Tập thể Lao động xuất sắc (Quyết định số 100/QĐ-CT ngày 02/02/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình).

Năm 2010: Bằng khen (Quyết định số 40/QĐ-CT ngày 12/8/2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình).

Năm 2011: Bằng khen (Quyết định số 153/QĐ-LĐTBXH ngày 11/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)

Năm 2013: Bằng khen (Quyết định số 60/QĐ-LĐTBXH ngày 15/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).

Năm 2014: Cờ thi đua xuất sắc (Quyết định số 70/QĐ-UBND ngày 27/01/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình).

Năm 2015: - Bằng khen giai đoạn 2010-2015 (Quyết định số 220/QĐ-UBND ngày 23/4/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình).

                     - Bằng khen của Chính phủ (Quyết định số 948/QĐ-TTg ngày 30/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

TƯỜNG LÂM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh