CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:17

Xây dựng NTM ở Thanh Hóa: Còn nhiều khó khăn

Theo số liệu từ Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa cho thấy, đến hết tháng 9/2017, do nguồn vốn từ chương trình MTQG xây dựng NTM phân bổ chậm, nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện một số nội dung có liên quan và kết quả chung trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM của tỉnh.

Vẫn còn một số huyện, vai trò của các thành viên BCĐ chưa được thể hiện rõ nét, chưa thực sự quyết liệt; Việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM ở một số địa phương còn xem nhẹ, chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. Xuất hiện tư tưởng thỏa mãn, bằng lòng của một bộ phận cán bộ và nhân dân sau khi xã, thôn, bản đã đạt chuẩn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Mặc dù so với tiêu chí cũ, hầu hết các xã đều duy trì được, song so với yêu cầu của tiêu chí mới, có một số nội dung, tiêu chí, một số xã lại chưa đạt, như: Môi trường, Hộ nghèo tiếp cận đa chiều, Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.

 

Hội nghị thẩm định xã đạt chuẩn NTM tại xã Đồng Lợi (huyện Triệu Sơn)

 

Đối với huyện Quảng Xương, vẫn còn 3 tiêu chí huyện NTM (Quy hoạch, Trường học, Môi trường) chưa đạt, trong đó, vấn đề thu gom và xử lý rác thải gặp rất nhiều khó khăn. Vẫn còn 5 xã mới đạt từ 16-18 tiêu chí, nhưng hầu hết các xã đều khó khăn trong việc thực hiện chỉ tiêu Tỷ lệ người dân tham gia BHYT và tiêu chí Môi trường (việc thu gom, xử lý rác thải), trong đó, có 2 xã khả năng đạt thấp là Quảng Nham và Quảng Phúc, cá biệt, thời gian qua, tình hình an ninh, chính trị tại 2 xã Quảng Yên và Quảng Phúc có phát sinh diễn biến: Xã Quảng Yên có đối tượng tham gia hoạt động lật đổ chính quyền đã bị Bộ Công an bắt; xã Quảng Phúc người dân tập trung phản đối tại trụ sở xã về việc sáp nhập trường. Vì vậy, mục tiêu phấn đấu huyện Quảng Xương hoàn thành các nội dung theo yêu cầu tiêu chí huyện NTM để trình thẩm tra, thẩm định, xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2017 là hết sức khó khăn.

Trong khi đó, nội dung 18.6 về bình đẳng giới thuộc tiêu chí số 18 về Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, yêu cầu có có ít nhất 1 nữ lãnh đạo chủ chốt ở cấp xã (là Bí thư Đảng ủy xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã; Chủ tịch HĐND, UBND xã; Phó Chủ tịch HĐND, UBND xã). Nhưng thực tế, theo báo cáo của các huyện tại 73 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017, chỉ có 19 xã có ít nhất 1 nữ lãnh đạo chủ chốt; 31 xã có tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có quy hoạch nữ vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt; 23 xã có tỷ lệ cấp ủy viên là nữ đạt dưới 15%. Đối với 8 xã đã thẩm định: Có 1 xã (Nga Thái) có 1 nữ lãnh đạo chủ chốt cấp xã; 2 xã (Nga Trường -Nga Sơn; Cẩm Ngọc - Cẩm Thủy) có tỷ lệ cấp ủy viên nữ đạt từ 15% trở lên và có quy hoạch nữ lãnh đạo chủ chốt; 5 xã (Thọ Lộc, Xuân Yên, Phú Yên, Thọ Trường, huyện Thọ Xuân và Nga Hải, huyện Nga Sơn) có tỷ lệ cấp ủy viên nữ đạt dưới 15%. Đây là bất cập lớn, ảnh hưởng đến kết quả thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn NTM. 

Vì lý do này, năm 2017 Thanh Hóa có 7 xã không được công nhận nông thôn mới dù các tiêu chí về vật chất, văn hóa - xã hội... đều cán đích.

 

 Đoàn thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM tỉnh Thanh Hóa thăm trường mầm non xã Lộc Tân (huyện Hậu Lộc).

 

Ngoài ra, vấn đề thu gom và xử lý rác thải (cả về chất thải rắn và nước thải) ở các xã gặp nhiều khó khăn, khiến cảnh quan và chất lượng môi trường bị ảnh hưởng nhiều, có nơi không đảm bảo. Nguyên nhân là do một số xã không có đất phù hợp để xây dựng bãi chứa, chôn lấp rác thải; một số xã đã có tổ dịch vụ thu gom nhưng tần suất thu gom thấp và không có bãi tập kết đảm bảo quy định, nhất là khu vực miền núi.

Công tác rà soát, đánh giá các tiêu chí đạt chuẩn NTM sau khi có Quyết định số 1415/2017/QĐ-UBND ngày 03/5/2017 của UBND tỉnh ở một số địa phương còn chậm, chưa tích cực. Phần lớn các huyện có báo cáo số tiêu chí đạt tăng, nhưng lại chưa có quyết định công nhận tiêu chí tăng cho các xã. Bên cạnh đó, vẫn còn 4 xã dưới 5 tiêu chí thuộc huyện Mường Lát.

Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được chỉ đạo quyết liệt, xử lý triệt để ở một số địa phương. Tính đến 30/6/2017, toàn tỉnh có 404/573 xã có nợ, số nợ bình quân toàn tỉnh là 1,73 tỷ đồng/xã xây dựng NTM và 2,46 tỷ đồng/xã có nợ).

Công tác thẩm định tập trung theo đoàn, tần suất từ nay đến cuối năm là rất dày, bên cạnh những mặt được, thì bộc lộ một số bất cập, đó là: Theo quy định, các ngành thành viên Đoàn thẩm định có văn bản đánh giá, xác nhận mức độ đạt chuẩn các tiêu chí NTM do ngành phụ trách gửi Văn phòng Điều phối tổng hợp; tuy nhiên, việc gửi văn bản, phiếu đánh giá chủ yếu tại ngày tổ chức Đoàn đi thẩm định, vì vậy, công tác tổng hợp, đánh giá kết quả bị thụ động tại Hội nghị thẩm định; Số lượng thành viên Đoàn thẩm định ủy quyền đi thay còn nhiều (khoảng 50% thành viên chính thức).

Mặc dù đã có quy định và thường xuyên được đôn đốc, nhưng việc cập nhật, tổng hợp tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chương trình của các địa phương, đơn vị còn có những bất cập, hạn chế. Nguyên nhân, một mặt do hệ thống phần mềm báo cáo số liệu chưa đồng bộ, chưa kết nối được từ huyện đến xã, trong khi đó, Văn phòng Điều phối NTM cấp huyện và cán bộ theo dõi NTM các xã chưa linh hoạt, kịp thời cập nhật thông tin, số liệu, dữ liệu qua hệ thống thư điện tử và qua đường công văn, dẫn đến hạn chế nguồn thông tin, số liệu để xử lý, tổng hợp, báo cáo về Văn phòng Điều phối NTM tỉnh. Mặt khác, một số ngành, địa phương thiếu chủ động trong thực hiện chế độ thông tin, báo cáo qua đường công văn theo quy định. Do đó, ảnh hưởng đến việc tổng hợp chung về tình hình, kết quả xây dựng NTM cụ thể ở các địa phương trong tỉnh.

TƯỜNG LÂM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh