Vụ 3 cây “khủng”: Giá mua cây chưa đến 50 triệu đồng
- Pháp luật
- 03:42 - 08/04/2018
- Giao Bộ Công an làm rõ xe chở cây 'khủng' có dấu hiệu vi phạm pháp luật
- Huế: Bắt 3 xe chở cây khủng, phạt hơn 81 triệu đồng
- Đang xác minh chủ nhân 3 cây cổ thụ bị bỏ lại tại Thừa Thiên Huế
- Xuất hiện người tự xưng là chủ 3 cây cổ thụ “khủng" bỏ lại ở Huế
- Tài xế bỏ lại 3 cây cổ thụ khủng vì bị CSGT xử lý
Những cây cổ thụ "khủng" vẫn đang bị bỏ lại tại Thừa Thiên Huế
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc xác minh nguồn gốc 3 cây cổ thụ “khủng” lưu thông trên Quốc lộ 1A, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh này vào cuộc. Xét thẩm quyền sự việc, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Công an TX. Hương Thủy điều tra bước đầu.
Theo thông tin chúng tôi được biết, đến chiều 6/4, cơ quan điều tra Công an TX.Hương Thủy đã hoàn tất việc lấy lời khai đối với những người liên quan đến cây “khủng” gồm: chủ doanh nghiệp vận tải là Cty TNHH Cơ khí Hải Sơn đóng tại Quảng Bình, chủ 3 cây “khủng” ông Kiều Văn Chương (32 tuổi, trú X.Tiến Xuân, H.Thạch Thất, TP Hà Nội) và các tài xế vận chuyển.
Tại cơ quan Công an, ông Chương khai nhận, qua một người quen giới thiệu, đầu tháng 3/2018, ông đi vào tỉnh Đắc Lắk và đến 2 xã: Ea Pil, Ea Hồ (huyện M’Đrắk, Đắc Lắc) nơi có 3 cây đa sộp nằm trong đất nông nghiệp của người dân. Sau khi thống nhất giá cả của 3 cây với số tiền lần lượt là: 20 triệu đồng, 15 triệu đồng và 14 triệu đồng (tổng 3 cây là 49 triệu đồng). Sau đó, các hộ dân sở hữu những cây đa sộp này đồng ý bán cho ông Chương đã làm đơn xin ủy ban xã các khai thác và được đồng ý. Tiếp đó, ông Chương bỏ tiền thuê khai thác với tiền công 7 triệu đồng/cây chưa tính tiền xe múc đào cây (khoảng vài triệu đồng/cây).
Để đưa cây về Hà Nội, ông Chương hợp đồng thuê Cty TNHH cơ khí Hải Sơn (đóng tại Quảng Bình) vận chuyển với giá 35 triệu đồng/cây. Theo lời khai của chủ nhân 3 cây “khủng” nói trên, người này làm nghề mua bán cây cảnh nên đã mua số cây đa sộp này đưa về Hà Nội để bán lại cho người khác.
Liên quan đến việc chở cây đi trên đường từ Đắc Lắk ra đến Huế nhưng không gặp lực lượng nào cản trở, nguồn tin riêng cho biết, các tài xế trên 3 xe chở cây “khủng” khai rằng, biết xe chở cây quá khổ nên để tránh sự phát hiện của cơ quan công an, các lái xe chỉ vận chuyển cây “khủng” vào ban đêm. Đồng thời, trên đường vận chuyển cây từ Đắc Lắc ra Huế, các lái xe thường “nháy” đèn để hỏi các xe đi ngược chiều ở phía trước có lực lượng CSGT hay không. Nếu các xe chạy ngược chiều ra tín hiệu báo là phía trước có lực lượng CSGT thì các xe này dừng lại để né tránh và nếu không có CSGT thì tiếp tục lưu thông. Vì vậy, từ điểm xuất phát là tỉnh Đắc Lắk cho đến khi bị bắt giữ tại Trạm CSGT Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), các tài xế này không hề gặp bất kỳ chốt CSGT nào.
Đối với 2 cây đa sộp được khai thác ở xã Ea Hồ mà trong đơn xin khai thác, vận chuyển do bà H’Phi La Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ, ký xác nhận vào ngày 23/3, ngày 5/4, trên báo chí bà H’Phi La Niê khẳng định bà không hề xác nhận vào đơn xin khai thác và vận chuyển 2 cây đa nêu trên. Sau đó, đã có một số thông tin cho rằng, 2 hồ sơ cây “khủng” này nghi bị làm giả. Về việc này, theo cơ quan chức năng trách nhiệm thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế. Được biết, hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắk tiếp tục xác minh tại địa phương nơi các hộ dân khai thác các cây này rồi bán cho ông Chương để làm rõ.