CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:00

Có một con hẻm mang tên nghĩa tình

Sự hội ngộ không hẹn trước 

Chân cầu Nguyễn Văn Cừ (giáp ranh giữa quận 1 và quận 5, TP.Hồ Chí Minh) từ lâu đã trở thành “tổ ấm” hơn 30 phận già hành nghề bán vé số dạo miền Trung khắc nghiệt. Người dân vẫn thường gọi con hẻm này là “con hẻm vé số”. Sở dĩ con hẻm này có tên như vậy là do tập trung nhiều người bán vé số dạo. Ông Nguyễn Văn Tiến (55 tuổi, quê Phú Yên, chạy xe ôm) được xem là “ông tổ” con hẻm này.

Cách đây 2 năm, tình cờ trong những lần chạy xe ôm, ông Tiến hay gặp nhiều người bán vé số lớn tuổi từ miền Trung vào hỏi thuê phòng trọ. Những lần như thế, ông Tiến thấy thương nên chở một số người đi thuê nhà trọ rẻ nhất. Hầu hết những người bán vé số đều có hoàn cảnh bi đát, đi lại khó khăn. Có những cụ mới vào Sài Gòn chưa thuê được nhà rẻ, hay chưa có tiền thuê trọ thì tối đến lại mượn tạm ghế đá công viên hay mái hiên nhà ai đó ngả lưng. Khi bắt gặp những cảnh như thế chú thấy chạnh lòng. Thế là, từ ý nghĩ ấy ông Tiến đã tự bỏ tiền túi ra thuê lại một căn nhà trọ cấp 4 chật hẹp vừa túi tiền rồi đưa các cụ về ở.

Niềm vui các cụ sau những giờ lao động miệt nhọc. 

“Các cụ còn ngại lắm. Phần vì chưa quen thân, phần vì sợ tốn tiền nhiều. Nhưng khi chú nói là không nặng nề chuyện trả tiền nhà, chỉ mong sao các cụ có chỗ trú mưa che nắng, ngả tấm lưng lúc mệt mỏi. Tiền bạc có gửi ít, không có cũng không sao. Thế rồi, các cụ cũng nghe theo. Dần dà, căn nhà đông lên và vui hẳn. Về sau, các cụ bàn với nhau cùng gom góp lại trả tiền cùng chú. Từ đó, cuộc sống dần ổn, ngôi nhà ngày càng như mái ấm gia đình.” – ông Tiến kể lại.

Buổi đầu, “tổ ấm” chỉ có vỏn vẹn hơn 20 người, chủ yếu người già yếu, tật nguyền, đến nay đã có hơn 30 người với những phận đời khác nhau, không ai giống ai. Bản thân các cụ cũng không muốn nhờ vả tới con cháu nên cùng dắt díu nhau vào Sài Gòn kiếm sống. Cũng nhờ vậy mà các cụ được “bén duyên” cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ chung nhau trong căn nhà có gác lửng, mỗi tháng chỉ đóng có 100-200 ngàn tiền nhà, còn lại ăn uống chi tiêu rất tiết kiệm.

Có cụ tuổi nay đã 80 tuổi nhưng vẫn đơn chiếc, có cụ tuổi 70 vợ mất, con tật nguyền, không chỗ nương thân, cũng có cụ muốn “tự túc”, không dựa dẫm vào con cái. Như cụ Tống Mười (75 tuổi) cụt một chân, cô độc, không người thân,  cụ Nguyễn Sâu (77 tuổi, cùng quê Phú Yên) cũng cụt một chân, có vợ bị tâm thần, có đứa con trái một cũng theo ông bà, tổ tiên hay cụ Trần Hương (81 tuổi, quê Nam Định) bán vé số gần 10 năm, nhà nghèo, không muốn làm phiền con cái…    

Bên nhau thế là thành tổ ấm 

Là hẻm trọ tứ xứ, dẫu có nghèo vật chất, lệch tiếng nói nhưng trái tim tình người vẫn luôn dạt dào. Hễ hẻm có người đau ốm ai cũng biết. Không cần nhắc, ai cũng tự giác “san sẻ” yêu thương. Và cũng bởi cùng cảnh ngộ nên dễ sống, dễ đùm bọc nhau hơn. Để đêm đêm lại quây quần rồi ngả mình trong mái ấm tình người thân thương. Những hạnh phúc những tưởng giản đơn nhưng ý nghĩa và sâu sắc biết bao. Có lẽ, chỉ có những ai từng trải như các cụ mới đủ tinh tế để thấu hiểu về mình, về tình cảm họ đã trao nhau. Nhiều cụ còn cười tếu táo bảo nhau: “Con cái ở nhà chưa chắc chăm được như vậy.”

Vé số - nghề chính của các cụ ở con hẻm này

Đó chỉ là chuyện trong nhà, còn khi ra đường để tồn tại được trên mảnh đất này cũng không phải là một điều đơn giản. Ai sống lâu ở Sài Gòn sẽ hiểu hết những thói lươn lẹo nơi đây. Nhiều cụ tâm sự: “Lắm lúc trời nắng nóng, bán ế ẩm lại thấy mệt mỏi, chán nản. Ngày cả chuyện để kiếm được một khu vực bán vé số ổn định cũng phải “chung chi” (trả tiền) cho “thổ địa” (bảo kê). Thành ra, mưu sinh nghề này buộc mình phải có thâm niên trong vùng này, chớ tự nhiên ở đâu không tới bán là sẽ bị “quấy nhiễu”.”

Cụ Nguyễn Sâu ngậm ngùi: “Sợ chứ, tuổi đã lớn, sức yếu đuổi theo mấy bọn thanh niên đó đâu được. Nhiều khi đang cầm tập vé số trên tay bọn chúng tới giật cướp trắng trợn, thậm chí hạnh hoẹ bảo sao chiếm địa bàn buôn bán bọn chúng, rồi chỉ biết im lặng, làm ngơ. Già làm cái nghề này đã gần 10 năm gặp chuyện này hoài. Nên có lẽ, biết là vậy nhưng cũng đành làm ngơ cho qua êm chuyện.”

Cụ Tống Mười năm nay 75 tuổi bị cụt một cái chân, mỗi lần đi bán vé số cụ đều phải đi bằng chân giả với tâm niệm “tàn nhưng không phế”. Cụ cho biết: “Mất một chân là do tàn dư của chiến tranh còn sót lại. Nhiều khi buồn chán với cuộc đời, số phận nên cũng chả có muốn lập gia đình. Tui đã ở vậy cho tới bây chừ. Khi còn trẻ có sức khoẻ cụ ở quê kiếm việc làm quanh năm với đồng ruộng, ai thuê gì trong khả năng có thể là làm. Nhưng giờ yếu lắm rồi, trái gió trở trời lại đau, sức khoẻ kém lắm, cũng may có anh chị em trên đây chỉ bảo rồi dùi dắt lên đây kiếm được công việc bán vé số thấy cũng vui lắm. Mỗi lần vết thương cũ tái phát cũng nhờ mái nhà chung này động viên an ủi, chăm sóc nên thấy không tủi thân. Bệnh tình cũng nhờ vậy mà nhanh khỏi… Từ lâu già đã xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình rồi.”

Tâm trạng cụ Mười, cụ Sâu, cụ Hương cũng là nỗi niềm của hơn 30 thân già vẫn ngày ngày bán vé số ở đây. Gặp ai các cụ cũng khoe: “Nhờ nghề này mà các cụ có thêm tiền lo cuộc sống, dư dả gửi về con cháu ngoài quê sắm tết, ăn học, trang trải cuộc sống gia đình. Ở đây tuy khổ cực nhưng vẫn còn kiếm được đồng tiền mà chi tiêu, bây giờ ở quê bám lấy mấy sào ruộng không biết tới bao giờ cho có tiền mà ăn. Đăng sau cái cực, mồ hôi vẫn đong đầy niềm vui, nụ cười…”

Nhưng không phải ai cũng thế, trong khi các cụ khác hồ hởi tâm sự, cụ Minh vẫn ngồi một góc khuôn mặt trầm tư. Hỏi ra mới biết cụ đang nhớ nhà, nhớ quê. Cụ rơm rớm nước mắt tâm sự: “Thực chất vì cuộc sống mưu sinh chứ già cũng không muốn lên Sài Gòn làm gì. Cụ cũng có con cái nhưng ai những xem ra bạc phước. Giờ già không lam lũ được ngoài đồng ruộng nữa, không kiếm được cái ăn nên bị cho là kẻ “sống thừa”. Vừa buồn vừa chán già mới đi vô đây. Cũng may là bén duyên được với cái nghề này và may mắn hơn nữa là được ở cùng những cụ khác dưới mái nhà chung này. Già không muốn gì hơn nữa đâu, chỉ mong sau này có chết đi chỉ một giấc ngủ mà thôi. Đừng ốm đau bệnh tật gì kéo dài khổ tui.”. Cụ vừa nói vừa lau nước mắt.

Một năm. Sài Gòn có hai mùa mưa nắng… Một tháng. Sài Gòn có 30 ngày thất thường…  Một ngày. Sài Gòn lại có mưa. Những bước chân chậm chạp, lặng lẽ vẫn rong ruổi….

BÌNH NGHI/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh