CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:28

Nghĩa tình Tân Thủy

 

Ông Nguyễn Văn Chấp (thứ 2 bên phải) tặng căn nhà trên diện tích 430m2 cho gia đình anh Truyền.

Là người con của làng Tân Thủy, tham gia hoạt động cách mạng, nay đã nghỉ hưu, ông Nguyễn Văn Chấp ở đường Quang Trung, TP. Nha Trang chắt chiu số tiền lương ít ỏi với ý định về quê tặng đồng đội, bạn chiến đấu và các cơ sở cách mạng  ở làng Tân Thủy. Ông Chấp giãi bày: “Nắng gió miền Trung khắc nghiệt đã hun đúc con người lòng gan dạ, kiên trung. Nhiều năm sống, chiến đấu ở làng Tân Thủy, tôi rất hiểu bà con quê hương...”. Trong những năm chiến tranh, ông Chấp đi hoạt động cách mạng, sau giải phóng về cất căn nhà tường gạch và gỗ hương, gỗ bằng lăng...trên diện tích 430m2 do cha mẹ để lại, sau đó ông cho cô con gái lớn Nguyễn Hồng Thi.

Sau nhiều năm công tác ở thị xã Ninh Hòa, ông chuyển vào làm việc và định cư ở TP. Nha Trang, nhưng tâm tình của ông vẫn hướng về làng Tân Thủy. Những lần về thăm quê, ông trăn trở trước tình cảnh của gia đình anh Huỳnh Thanh Truyền, hộ nghèo nhất làng. Gia đình anh Truyền từng là cơ sở nuôi giấu và che chở cho cán bộ cách mạng thời kháng chiến. Giờ, cuộc sống 10 con người phải neo dưới chân cầu, bên đường ray tàu hỏa trong túp lều tạm, gió lùa thông thốc suốt bốn mùa. Khi biết UBND xã Ninh Lộc đang tìm đất và vận động cất nhà tình nghĩa cho anh Truyền, ông Chấp đã bàn với con gái và gia đình, thống nhất quyết định trao tặng căn nhà cùng diện tích đất 430m2 của gia đình cho anh Truyền, dù mảnh đất, căn nhà ấy đã có người trả 300 triệu đồng. Ông Chấp tâm sự: “Đất và nhà tôi đã cho con gái, nhưng cháu đã lập gia đình ở riêng. Nghe tôi vận động, cháu và gia đình thống nhất tặng lại anh Truyền..”

Ông Nguyễn Văn Chấp (bên phải) và gia đình anh Truyền bên căn nhà tạm nơi chân cầu.

Đang sống trong cảnh cùng cực, nơm nớp với những hiểm nguy trong túp lều bên đường ray tàu hỏa, khi nhận được căn nhà do gia đình ông Chấp trao tặng, anh Huỳnh Thành Truyền không giấu được xúc động, nói: “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ rằng sẽ được ở trong căn nhà như thế này...” Ngày tặng nhà, cả chị Nguyễn Hồng Thi và ông Chấp tận tình bàn giao giấy tờ và còn giúp thêm một số tiền để gia đình anh Truyền mua thêm vật dụng sinh hoạt. Trưởng thôn Tân Thủy, ông Nguyễn Nhân Tài cảm kích cho biết: “Không chỉ tặng nhà cho hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông Chấp còn thường xuyên giúp đỡ làng như tặng 2 bộ âm ly và một số vật dụng khác. Ông cùng nhiều cán bộ cách mạng khác thường xuyên quay về làng để tâm tình, động viên bà con làm ăn, che chở, giúp đỡ lẫn nhau...”. Nghĩa cử của gia đình ông Chấp như một sự lan tỏa về tinh thần đùm bọc, tương thân, tương ái. 

Mới đây, trong chuyến về thăm làng Tân Thủy, ông Chấp ân cần hỏi thăm và tặng quà cho đồng đội cũ của mình là ông Huỳnh Ngọc Thống và nhiều hộ dân khác từng một thời gắn bó trong chiến tranh.

Theo Phòng LĐ-TB&XH thị xã Ninh Hòa, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, những năm qua, thị xã luôn quan tâm giải quyết hồ sơ cho những đối tượng liệt sĩ, thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, gia đình có công với cách mạng, đối tượng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin...  giúp các đối tượng nhanh chóng được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách của Nhà nước.

Hiện, toàn thị xã có hơn 4.500 người có công với cách mạng, trong đó có 2.974 liệt sĩ, 530 thương binh, 84 bệnh binh, 178 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 232 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bằng những biện pháp hỗ trợ thiết thực của các cấp, ngành và cá nhân, đến nay, phần lớn những gia đình chính sách ở thị xã Ninh Hòa đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

VĂN ĐẠO/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh