CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:00

Cờ mặn

 

 

Trong chuyến công tác Trường Sa (từ 7/5 đến 16/5), tôi là một trong những thành viên ít ỏi trong Đoàn công tác số 11 mang được 2 lá cờ Tổ quốc đã nhuốm màu nắng gió Trường Sa về đất liền. Cờ được Thượng úy Trần Minh Phúc, Đảo trưởng đảo Đá Thị và Thượng úy Vũ Quang Khắc, Chính trị viên đảo Đá Lát ký tặng và đóng dấu của đảo.

Do thời tiết khắc nghiệt của biển khơi, cờ ở Trường Sa chỉ treo lên khoảng 1 tuần là phải thay cờ mới, bởi cờ bạc màu hoặc bị rách vì gió biển. Những lá cờ đã qua sử dụng, khi được hạ xuống đều được các Đảo trưởng hoặc Chính trị viên ký tên và đóng dấu. Lá cờ đó được cất giữ cẩn thận để gửi tặng các đoàn công tác khi ra thăm đảo như một lời nhắn gửi của các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa với đất liền rằng: “Dù khó khăn, gian khổ như thế nào, các cán bộ, chiến sĩ sẽ vượt qua để cờ Tổ quốc luôn tung bay trên biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Có ra Trường Sa, tận mắt chứng kiến mới thấy cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiện vụ trên các đảo, điểm đảo vất vả, gian khó đến nhường nào. Đặc biệt là các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở các đảo chìm như Đá Thị, Đá Lát, Len Đao… Đảo chìm được xây dựng trên nền bãi san hô tương đối bằng phẳng. Trong những năm qua được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân các đảo chìm đã được xây dựng nhà kiên cố; có hệ thống điện năng lượng mặt trời, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt và phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu được tốt hơn.  Tuy nhiên, do là đảo chìm nên chỉ là một ngôi nhà 3 tầng kiên cố hình lục giác, chơ vơ giữa biển khơi, không có cây xanh như các đảo nổi; việc tăng gia chăn nuôi, trồng rau xanh vì thế gặp rất nhiều khó khăn. Để trồng được rau xanh ở đảo chìm, các cán bộ, chiến sĩ phải chở từng bao đất nhỏ (loại đất giá thể) cho vào hộp xốp trồng chủ yếu rau muống, mồng tơi. Nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác từ nước mưa. Vào những tháng mùa khô, tiêu chuẩn dùng nước của cán bộ, chiến sĩ trên đảo là 5 lít/ngày, song do sử dụng tiết kiệm, khoa học nên vẫn đủ tưới rau xanh và chăn nuôi. “Tuy nguồn nước ngọt khan hiếm, song đảo vẫn thường xuyên cung cấp miễn phí nước ngọt, rau xanh cho ngư dân khi đi đánh bắt trên biển”, Thượng úy Trần Minh Phúc, Đảo trưởng đảo Đá Thị cho biết.

 

Bệnh nhân Nguyễn Văn Say đang được điều trị tại trạm xá đảo Sơn Ca.

 

Trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, riêng đảo Đá Lát đã hỗ trợ 300 lít nước ngọt, 25kg gạo và 65 kg rau quả cho ngư dân đánh bắt trên biển.

Không chỉ thường xuyên huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc, hay hỗ trợ ngư dân về gạo, nước ngọt, thuốc men khi ốm đau trong những ngày đánh bắt trên biển; rất nhiều trường hợp ngư dân không may bị ốm nặng đã được các cán bộ, chiến sĩ quân y trên đảo cấp cứu qua cơn nguy kịch.

Hôm chúng tôi đến thăm đảo Sơn Ca (10/5), ngư dân Nguyễn Văn Say 23 tuổi (đảo Phú Quý, Bình Thuận) đang được điều trị phục hồi sức khỏe sau khi được các bác sĩ trạm xá đảo Sơn Ca mổ kịp thời vì bị viêm ruột thừa cấp. Trước đó, khi đang đánh bắt tại khu vực biển, cách đảo Sơn Ca hơn chục hải lý thì Say bị đau bụng, nghĩ mình bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa như nhiều lần đi biển khác. Nhưng sang đến ngày thứ hai, những cơn đau bụng ngày càng liên tục và dữ dội hơn. Vậy là tàu cá của Say rẽ sóng thẳng hướng đảo Sơn Ca xin được hỗ trợ. Khi tàu vào đến âu tàu đảo Sơn Ca, Say nhanh chóng được đưa về trạm xá của đảo. Tại đây các bác sĩ  khám, chẩn đoán Say bị viêm ruột thừa cấp, nếu không mổ cấp cứu có thể nguy hiểm đến tính mạng. Gặp Say sau ngày mổ thứ hai, dù còn rất mệt, Say vẫn cố gắng: “Em cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ trên đảo nhiều lắm. Nếu em không được mổ kịp thời chắc khó bảo toàn mạng sống. Em như được sinh ra lần thứ hai trên biển đảo của Tổ quốc”.

 

Chiến sĩ đảo Đá Thị chăm sóc vườn rau xanh của đảo.

 

Không chỉ Say được chăm sóc chu đáo, miễn phí về chế độ ăn uống, thuốc men trong những ngày điều trị trên đảo, mà cậu ruột của Say là Ngô Hai, khi ở lại đảo chăm sóc cháu cũng được bộ đội Hải quân bao ăn, ở miễn phí cho đến ngày Say bình phục, đủ sức khỏe để trở về tàu, tiếp tục công việc đánh bắt hải sản.

Ngư dân Đỗ Văn Thành, sinh năm 1969, quê ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, làm việc trên tàu cá QNA 95005, đã được các bác sĩ trạm xá đảo Song Tử Tây cấp cứu kịp thời khi bị đột quỵ não. Vào lúc 6 giờ ngày 14/6, chỉ huy đảo Song Tử Tây nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu cá QNA95005TS về trường hợp ngư dân Đỗ Văn Thành bị bệnh. Chỉ huy đảo nhanh chóng chỉ đạo các bác sĩ chuẩn bị các phương án để cấp cứu và hướng dẫn cho tàu cá vào âu tàu Song Tử Tây neo đậu. Khi vào bệnh xá, Thành trong tình trạng liệt dây vi trung ương trái, liệt nặng nửa người trái sức cơ 1/5. Các y, bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh nhân Thành bị liệt nửa người trái do đột qụy não ngày thứ hai, huyết áp tăng cao.

Bệnh xá đã tiến hành các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu để bệnh nhân ổn định. Qua hơn 1 ngày điều trị, để việc cứu chữa được thuận tiện, bảo đảm sức khỏe lâu dài cho bệnh nhân, chỉ huy đảo cùng với chủ tàu đã thống nhất bàn giao bệnh nhân cho tàu để đưa vào đất liền cứu chữa và thường xuyên liên lạc với đảo và Cục Cứu hộ - Cứu nạn.

Bệnh nhân Thành vốn có tiền sử tăng huyết áp  nhưng không điều trị, viêm tụy cấp, viêm gan C. Lúc 5 giờ ngày 12/6, anh Đỗ Văn Thành đang ăn cơm đột ngột bị méo miệng, liệt nửa người trái, đau đầu và nôn sau ăn.

Đại úy, bác sĩ Lê Chi Viện, Trạm xá đảo Song Tử Tây cho biết, ngoài việc thăm khám, chữa  bệnh cho quân và dân trên đảo, trạm xá thường xuyên đón ngư dân đang đánh bắt trên biển vào khám bệnh và xin thuốc. Chỉ tính trong năm 2016 và 4 tháng đầu 2017, trạm xá đảo Song Tử Tây đã khám chữa bệnh cho 298 lượt ngư dân; cấp cứu cho 19 bệnh nhân, với số tiền điều trị và cấp thuốc trên 17 triệu đồng. “Ngư dân vào đảo khám, chữa bệnh và xin thuốc thường bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa, bệnh ngoài da… Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bị bệnh nặng và bị thương nặng do ngư dân sơ suất trong qúa trình sử dụng máy mài đá trên tàu”, Đại úy Viện kể.

Vâng, những lá cờ Tổ quốc hàng ngày hiên ngang, kiêu hãnh tung bay trên khu vực chủ quyền biển đảo của Tổ quốc không đơn giản chỉ là khẳng định chủ quyền, những lá cờ đó còn là niềm tin để các ngư dân an tâm bám biển, phát triển kinh tế từ biển. Bởi ở đó, họ luôn được lực lượng bộ đội Hải quân che chở và bao bọc khi gặp khó khăn, ốm đau, hoạn nạn.

NGỌC ƯỚC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh