Cơ hội và thách thức
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:10 - 27/08/2019
Trong bối cảnh đó, cơ hội dành cho các cơ sở đào tạo (CSĐT) là rất lớn và thách thức cũng không hề nhỏ. Theo PGS.TS. Cao Hùng Phi - Hiệu trưởng đại học SPKT Vĩnh Long, nhiều lĩnh vực ngành nghề mới xuất sẽ tạo ra thêm vị trí việc làm mới hoặc thêm nhiều kỹ năng của 1 vị trí việc làm. Đây là 1 cơ hội tốt để CSĐT có thể tổ chức đào tạo, cung ứng lực lượng lao động cho thị trường.
Có thêm 1 ngành hoàn toàn mới sẽ kéo theo hàng loạt nhu cầu về nguồn nhân lực, về các dịch vụ có liên quan. Sẽ có nhiều quy trình sản xuất mới, nhiều thiết bị được huy động vào quá trình sản xuất và tất nhiên phải có kỹ thuật viên để vận hành hoặc giám sát các quy trình này. Nhiều công cụ hỗ trợ mới ra đời có thể hỗ trợ trong công tác tổ chức và quản lý quá trình đào tạo thì các CSĐT phải có đội ngũ có khả năng làm chủ các công cụ này để khai thác đúng và khai thác có hiệu quả.
Đối với các trường kỹ thuật phải thay đổi quy trình kỹ thuật sao cho phù hợp với thực tế sản xuất để dạy cho sinh viên. Trước đây người kỹ thuật viên thường chẩn đoán tình kỹ thuật của máy móc thiết bị chủ yếu dựa vào các giác quan, trong khi hiện nay hầu hết kỹ thuật viên dùng thiết bị chẩn đoán chuyên dùng. Đối với các quy trình sản xuất cũng vậy, thời gian, nguyên liệu đầu vào, môi trường, chất xúc tác đã làm thay đổi rất lớn các quy trình sản xuất truyền thống. Do đó CSĐT không thể không trang bị cho người học những kiến thức đó để thay thế các quy trình không còn phù hợp.
Trước sự xuất hiện của nhiều lĩnh vực mới như trên thì CSĐT sẽ đầu tư như thế nào? Chọn ngành mới để mở thêm rồi đào tạo hay thay đổi quy trình công nghệ trong sản xuất để đưa vào bài giảng cho sinh viên? Đội ngũ cán bộ giảng phải được đào tạo, bồi dưỡng ra sao? Trang thiết bị kéo theo… đang là bài toán đặt ra với các cơ sở đào tạo.
Các CSĐT đang đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ. Để tồn tại và phát triển, CSĐT phải gắn kết với nhau trong các mặt hoạt động, nhất là công nghệ và nguồn nhân lực. Để vượt qua những thách thức đó chúng ta hoàn toàn có những giải pháp cụ thể, nhưng để những giải pháp đó hiện hữu thì cần sự phối hợp nhiều hơn nữa của các bên liên quan cũng như sự chia sẻ nhiều nhất có thể về các loại nguồn lực. Có rất nhiều điều có thể còn chưa chắc chắn để dẫn đến thành công trong bối cảnh hội nhập nhưng 1 điều có thể chắc chắn dẫn đến thất bại của các CSĐT và doanh nghiệp là nếu họ không tiếp cận cái mới và hợp tác với nhau trong quá trình tiếp cận đó
PGS.TS. Cao Hùng Phi
Nhằm hỗ trợ đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách như: Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020, trong đó dự án " Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp", đã tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập với các quốc gia tiên tiến trong khu vực ASEAN và thế giới.
Theo ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy – Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ- TB&XH), trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những ảnh hưởng tác động của cách mạng 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức với lĩnh vực GDNN như: Mạng lưới cơ sở GDNN còn bất cập; quy mô tuyển sinh đào tạo còn thấp; cơ cấu ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý; chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu…
Chính vì vậy, nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới là tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, thực hiện công tác kiểm định chất lượng; ứng dụng CNTT trong dạy học; hợp tác quốc tế về GDNN; nâng cao công tác truyền thông về GDNN tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, hiệu quả GDNN. Phấn đấu đến năm năm 2021 sẽ nâng quy mô tuyển sinh đạt 2,6 triệu người mỗi năm; có 40 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt; tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó khoảng từ 3 - 5 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; Giảm tối thiểu 10% số cơ sở GDNN công lập; có ít nhất 10% cơ sở GDNN công lập tự chủ về tài chính. Phấn đấu đến năm 2025, đưa hệ thống GDNN Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.