THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:03

Cô giáo yêu nghề của lớp có 2 bảng đen

 

 

Cõng trò qua sông đến trường

Là một xã nghèo của huyện, con em dân tộc Mông và Dao là chủ yếu, cô Hạ lại được phân công dạy ở điểm trường lẻ , con đường vào thôn quanh co, xe “lắc lư” mãi vẫn chưa thấy bóng người.

Điểm trường lẻ nơi cô Hạ dạy là một căn nhà chia làm hai phòng, lợp bờ rô xi măng đơn sơ. Sân chơi là nền đất nhão nhoét mỗi ngày mưa đến. Lạ lùng hơn là có đầy đủ các khối lớp từ 1 đến 5 nhưng trường chỉ có hai phòng, mỗi phòng là 2, 3 cái bảng, vài bộ bàn ghế. Học sinh ngồi quay lưng vào nhau cùng học một lớp. Các thầy cô gọi đó là trường học 2, 3 lớp ghép.

 

 

Thấm thoắt, cô Hạ cũng đã có thâm niên giáo viên chủ nhiệm khối từ lớp 1 đến lớp 5 đã 16 năm. Năm nay, cô Hạ dạy lớp 1 và 2. Hai lớp gộp lại cùng học chung một phòng, 2 chiếc bảng đen kê hai hướng khác nhau, mỗi lớp chỉ có nhiều nhất là 12 học sinh, có lớp chỉ có 4 học sinh. 

Cô Hạ dạy nhóm này rồi lại quay sang dạy nhóm kia. Kỳ lạ là học chung một lớp nhưng các em đều rất tập trung chứ không khó học như mọi người vẫn nghĩ. Có lẽ sự thiếu thốn lâu năm của cô và trò đã tạo thành thói quen, là động lực để tất cả cùng phấn đấu.

Chia sẻ sự cảm phục cô giáo không quản ngại khó khăn, vất vả mỗi ngày dạy chữ dìu dắt học trò, cô Hạ lại cười vui: Được như thế này cũng là mừng lắm rồi. Tôi còn nhớ những ngày đầu lên đây dạy. Hầu hết các hộ trong thôn Suối Bồng đều là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện. 

 

 

Đường đến trường mòn những dấu chân, những ngày mưa lũ, nước dâng lên ngập đường, tôi không dám đưa các em qua sông. Có những hôm, một tay dắt trò lớn lội suối, trên lưng cõng trò nhỏ, tôi chỉ ước ao nước nhanh rút để cô và trò đến trường. Hy vọng lớn nhất của tôi là các em sau này sẽ được bù đắp nhiều hơn, không bị thiệt thòi như bây giờ nữa.

Quà tặng cô là nải chuối, mớ rau

Những ngày đầu đi dạy, lương của cô Hạ được đổi bằng gạo, bằng khoai, sau tăng lên dần là 190.000 đồng/tháng. Hàng ngày, cô tranh thủ khâu thêm vài chiếc nón để tăng thêm 30.000 thu nhập. 

Tuy vậy, cô vẫn dành dụm tiền để đầu năm mua sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh. Bởi mỗi gia đình là một hoàn cảnh khác nhau, hầu hết là hộ nghèo, chỉ trông chờ vào nương lúa, ruộng rau, nếu phải mua sách, họ sẽ cho các em nghỉ học. Đã không ít lần, cô Hạ phải đến từng nhà vận động phụ huynh cho con quay lại lớp. Thương trò, cô đành bỏ tiền ra mua đồ dùng học tập cho các em, khi nào có tiền, gia đình gửi lại cô giáo sau.

 

 

Những năm gần đây, đời sống của các hộ gia đình đã đỡ vất vả hơn, học sinh miền núi cũng được chăm lo nhiều hơn nên họ tự ý thức việc cho con đi học chữ. Nhưng ngày 20/11, biết ơn các cô giáo không quản vất vả, khó khăn với học sinh, mỗi gia đình đều bảo nhau người thì nải chuối, người thì mớ rau sạch,…mang tặng cô giáo. Đó là những tình cảm khó quên mà cô Hạ trân trọng suốt gần hai chục năm trong nghề.

Nói đến gia đình, cô Hạ xúc động, gạt nước mắt tâm sự: Chồng tôi mất cách đây gần chục năm, tôi sống với mẹ và con gái. Ba mẹ con sống nương tựa vào nhau, nhưng cách đây 1 tháng, mẹ lại bỏ tôi mà đi. Đó cũng là ngày con gái báo tin đỗ vào trường THPT Dân tộc Nội trú Bắc Hà (Thái Nguyên), sẽ đi học xa. 

Tôi tưởng chừng như suy sụp, nhưng thương học trò vắng cô giáo sẽ không được đến lớp đều đặn, tôi lại cố gắng. May mà có đàn con trên lớp khiến tôi thấy yêu đời, yêu nghề hơn. Dù có điều kiện tốt đến đâu, tôi nhất định sẽ không chuyển nghề, mỗi một ngày còn được lên lớp là một ngày tôi sẽ cố gắng bù đắp những thiệt thòi cho các em vùng sâu, vùng xa.

 

Cô Nguyễn Thị Hạ là 1 trong 64 giáo viên đại diện cho thầy cô của 63 tỉnh, thành đóng góp cho công tác giáo dục của các tỉnh khó khăn sẽ được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. 

 Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

 Khi lên thăm điểm lẻ của Trường tiểu học Xuân Đài, Tập đoàn Thiên Long và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tặng rất nhiều đồ dùng học tập và quà cho các học sinh, nhằm động viên, chia sẻ với những học sinh vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Ngọc Trang / giaoducthoidai.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh