Cô giáo ngồi xe lăn 25 năm dạy chữ
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 15:28 - 26/10/2015
Đường Xuân Thiều 8, phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) là nơi tập trung nhiều căn nhà tình thương dựng san sát nhau. Các hộ dân đa phần từ nơi khác đến, đời sống bấp bênh nên không đủ điều kiện cho con ăn học đàng hoàng. Tuy vậy, xóm không có đứa trẻ nào mù chữ, tất cả là nhờ lớp học đặc biệt của cô Xinh.
Người dân nơi đây đã quá quen với hình ảnh người phụ nữ ngồi xe lăn, tay cầm bút lông thoăn thoắt trên chiếc bảng trắng đầy vết mực, phía dưới là năm bảy đứa trẻ chăm chú theo dõi bài giảng. Lớp học này ra đời từ năm 1990, khi ấy cô Xinh tròn 24 tuổi.
Không may mang trong mình di chứng chất độc màu da cam nên từ nhỏ đôi chân Xinh teo tóp, bước đi khó khăn. Tuy đông con nhưng bố mẹ luôn động viên Xinh đi học. Con đường dài 2 km là lối Xinh tập tễnh trên đôi nạng gỗ đến trường mỗi ngày. Lên cấp 3, lớp của Xinh được bố trí học ở tầng 2 (trường THPT Nguyễn Trãi), ngày nào Xinh cũng phải đến sớm chờ dưới chân cầu thang để nhờ bạn xách cặp hộ, còn mình lê từng bước lên lớp. Suốt những năm đi học, Xinh không bỏ buổi nào và luôn đạt học lực khá.
Say mê trở thành cô giáo nhưng vì sức khỏe kém và những quy định ngặt nghèo của ngành sư phạm lúc bấy giờ nên Xinh không thi vào đại học. "Hồi đấy ở nhà phụ ba mẹ nuôi gà, đan lát nhưng thực tâm rất muốn ra Huế học sư phạm rồi về đi dạy", cô Xinh bùi ngùi chia sẻ.
Cơ duyên đưa cô Xinh đến với nghề dạy học khi cô bắt đầu kèm cặp các cháu trong gia đình. Lớp học dần hình thành khi nhiều gia đình gửi con cho cô Xinh chỉ dạy. Ban đầu, lớp chỉ có vài em, cô Xinh lấy số tiền dành dụm đóng bàn ghế, mua bảng đen và ít sách vở tặng cho học trò nào quá khó khăn. Dần dà, biết tiếng cô Xinh, học trò ngày càng đông. Lối vào nhà cô lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng trẻ con ra vào.
Nhờ sự tận tình của cô, nhiều học sinh đã tiến bộ, làm người có ích cho xã hội. Ảnh: Hải Dương. |
Hiện cô Xinh kèm các cháu hai môn Văn, Toán (lớp 1 đến lớp 9), lớp ít nhất có 3 em, nhiều nhất 15 em. Ngày hè, có lúc học trò lên tới 100. Các lớp học bắt đầu từ 14h đến 20h mỗi ngày. Có hôm, cô còn không kịp ăn cơm tối vì học trò đến sớm. "Mình có việc làm, đỡ gánh nặng cho xã hội, tạo được niềm vui và quan trọng là giúp các cháu tiến bộ", cô Xinh nói về công việc của mình.
Tiền học phí của các em, cô Xinh mua lại bàn ghế gỗ thanh lý của các trường để "chuẩn hóa" lớp học, đầu tư sách vở và quà bánh làm phần thưởng cho các cháu. Nhiều gia đình khó khăn có 2-3 cháu đi học, cô Xinh sẵn sàng miễn học phí. Nhiều học trò của cô giờ đã vào đại học, cao đẳng, có việc làm và thường về thăm cô mỗi dịp lễ, Tết.
Bà Nguyễn Thị Sanh (52 tuổi), hàng xóm đồng thời là mẹ cháu Nguyễn Thị Thu Thanh (học trò của cô Xinh), chia sẻ: "9 năm cô Xinh kèm con tôi học không lấy đồng nào. Bé vào lớp 10, cô nhờ người quen xin xe đạp, sách vở cho cháu. Thấy tôi ốm yếu, cô nhờ cháu trai xin cho tôi làm công nhân môi trường. Đối với tôi, cô Xinh hơn người chị ruột…".
Trước kia, thấy mình còn chống nạng đi được, cô Xinh không chần chừ tặng một chiếc xe lăn cho một bệnh nhân bị tai biến. Hiện chiếc xe cô dùng do một kiều bào Mỹ hỗ trợ.
Hiện tại, lớp học của cô Xinh không còn bó hẹp nơi làng biển Xuân Thiều, nhiều phụ huynh ở làng Nam Ô biết cô tận tâm với nghề nên không ngại đường xa đưa con đến lớp. Nói về nguyện vọng của mình, cô khiêm tốn bảo chỉ mong mua được chiếc bảng chống lóa để cô trò bớt vất vả.
Ông Phạm Qua, tổ trưởng tổ 44, phường Hòa Hiệp Nam, nhận xét: "Cô Xinh không chỉ là cô giáo tận tình với các cháu mà còn đi đầu trong mọi hoạt động ở tổ và phường. Là người khuyết tật nhưng địa phương có vận động gì cô luôn tiên phong".