CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:40

Có dấu hiệu trục lợi tiền đề án cấp cho sinh viên

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Được biết, đây là đề án Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020. Theo đó, người học được hưởng các chế độ, chính sách như sau:

Người học ngành đào tạo giáo dục quốc phòng và an ninh được hưởng các chế độ: tiền học phí, tiền quân trang, tiền hỗ trợ trang bị phục vụ học tập, tiền ăn, tiền ở nội trú, bảo hiểm y tế, tiền hỗ trợ các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị như quy định hiện hành đối với học viên sĩ quan cấp phân đội học tại trường sĩ quan lục quân thuộc Bộ Quốc phòng.

Học viên tốt nghiệp, bao gồm cả nữ, nếu có đủ tiêu chuẩn sức khỏe và tình nguyện đăng ký, được xét phong quân hàm sĩ quan dự bị theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và quy định của Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam; được ưu tiên tuyển dụng làm giáo viên các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học.

Nhiều dấu hiệu “cắt xén” tiền thực hiện đề án

Chính sách quy định là vậy, tuy nhiên, theo phản ánh của sinh viên K64 và K63 (đã tốt nghiệp vào tháng 6/2017) Khoa GDQP-ĐHSPHN thì các em không được đảm bảo theo chế độ của Đề án. Cụ thể, về tiền ăn, nhà trường không công khai các chế độ của bếp ăn; Tiền ăn cắt tranh thủ hàng tuần và cắt tranh thủ đột xuất không được công khai trong suốt quá trình học; Tiền ăn cắt khi sinh viên đi thực tế sau mỗi môn học không được nhận lại.

 

Kiến nghị của tập thể sinh viên ký

 

Về quân trang, trong suốt 4 năm các em sinh viên được nhận 3 bộ quần áo, 1 bộ phải mua. Các đồ đi kèm như cầu vai, biển tên, giầy dép… các sinh viên đều phải bỏ tiền ra mua.

Về tiền di chuyển, ăn, ở trong quá trình thực tập, kiến tập và thực tế, các sinh viên đều phải tự bỏ tiền của mình và không được thanh toán, hoặc truy lĩnh tiền trong ngân sách theo Quyết định số 607/QĐ-TTg, tuy nhiên, Khoa GDQP vẫn lấy hóa đơn đỏ.

Không chỉ có tiền ăn, mặc, ngay cả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các sinh viên đều phải tự đóng, sau đó nhận lại được 2/5 tổng số tiền đã đóng. Riêng năm cuối, các sinh viên K63 vẫn chưa được nhận lại. Bên cạnh đó, trong quá trình học tập, sinh viên phải ký khống nhiều giấy tờ lưu không, có cả những giấy tờ là đã nhận tiền.

“Chưa trả chứ không phải không trả”

Để làm rõ thông tin kiến nghị của các sinh viên, PV đã có buổi làm việc với Khoa GDQP-ĐHSPHN về nội dung trên. Trao đổi với PV, Đại tá, ThS Đỗ Quốc Tam, Trưởng khoa GDQP cho biết: Theo Quyết định số 607, các sinh viên học theo đề án này được hưởng chế độ như quy định hiện hành đối với học viên sĩ quan cấp phân đội học tại trường sĩ quan lục quân thuộc Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, không phải là quân nhân.

Đại tá, ThS Đỗ Quốc Tam trưởng khoa GDQP-ĐHSPHN trả lời PV

Về chế độ tiền ăn, ông  Đỗ Quốc Tam cho hay: Theo quy định, mỗi sinh viên được hưởng chế độ 47.000/người/ngày. Tất cả các ngày, sinh viên không ăn, hoặc đi thực tập, kiến tập thì khoa sẽ trả lại. Với các em sinh viên đã ra trường gần 1 năm nhưng vẫn chưa được nhận lại tiền này, ông Tam cho biết “do chưa thanh toán được với trường nên khoa không thể ứng tiền ra được. Khoa chưa trả chứ không phải không trả”.

Lý giải về quân trang của sinh viên, ông Đỗ Quốc Tam cho biết: Thực hiện theo quy định của thông tư thì chế độ mặc trong toàn khóa tổng số tiền là bao nhiêu chứ không quy định 1 năm bao nhiêu bộ, cầu vai giầy dép, đi theo số tiền này, chỉ khi các em mất thì mới phải mua.

Khi PV hỏi, thông tư đó là thông tư nào, cụ thể số thông tư, chế độ cụ thể 1 năm sinh viên được hỗ trợ là bao nhiêu? Ông Tam xin phép kiểm tra lại, vì mình không nhớ rõ số thông tư cũng như cụ thể số tiền trang phục mà sinh viên được hưởng?

Về tiền di chuyển, đi lại trong quá trình thực tập, thực tế… Ông Đỗ Quốc Tam cũng khẳng định, tất cả các khoản chi đó các em sinh viên phải tự túc và đề án không được cấp. Việc khoa lấy hóa đơn đỏ của các chuyến đi này để quản lý chứ không phải để thanh toán tiền trong đề án?

Lý giải về giấy tờ các em sinh viên phải ký khống, ông Tam khẳng định là có ký khống, và nếu không ký khống như vậy thì khoa không thể thanh toán tiền với nhà trường được? Ký khống như vậy là để thuận lợi cho các thầy trong quá trình thanh toán?

Sắp nhận quân trang sau gần 1 năm ra trường?

Lý giải của ông Đỗ Quốc Tam là vậy, tuy nhiên, sau buổi làm việc với PV (ngày 07/03/2018), chiều ngày hôm sau 08/03/2018, nhiều sinh viên K63 Khoa GDQP-ĐHSPHN bất ngờ nhận được thông tin từ cán bộ lớp là thầy Đoàn Xuân Quyết, trợ lý trưởng khoa yêu cầu nhắn tin cho các bạn trong lớp lên nhận lại các loại tiền theo đề án. Riêng tiền ăn khoa đang tập hợp lại.

Điều khó hiểu là, trong số tiền Khoa GDQP còn nợ có cả tiền quân trang, với các khoản đi lại, ăn uống các em sinh viên có thể tự túc được, tuy nhiên với quân tư trang của ngành các em không thể tự túc (trừ mua tại chợ đen). Do vậy, khoản tiền này khoa giữ lại sau gần một năm sinh viên ra trường liệu có phù hợp?

Càng khó hiểu hơn, trước đó cả một thời gian dài, khoa không hề có bất cứ một động thái nào là sẽ chi trả các khoản tiền này cho sinh viên với lý do chưa thanh toán được tiền. Nhưng khi có sự vào cuộc của báo chí, chỉ ngay ngày hôm sau, các khoản tiền này lại được thanh toán một cách nhanh chóng.

Trước sự việc nêu trên, đề nghị thanh tra Bộ GD&ĐT, thanh tra Bộ Quốc Phòng, thanh tra trường Sỹ quan Lục Quân, thanh tra Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cần sớm vào cuộc làm rõ những khuất tất (nếu có) tại Khoa GDQP-ĐHSPHN, công khai thông tin, tránh dư luận hiểu sai lệch về tính nhân văn của đề án cũng như lãng phí tiền ngân sách nhà nước trong việc thực hiện đề án này.

T.NGỌC - C.DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh