Phát hiện nhiều thủ đoạn trục lợi bảo hiểm xã hội
- Bài thuốc hay
- 22:24 - 23/01/2018
Có thể khẳng định rằng, công tác thanh tra, kiểm tra được toàn ngành BHXH chú trọng, triển khai sâu rộng từ Trung ương đến địa phương, qua đó phát hiện nhiều thủ đoạn trục lợi BHXH.
Năm 2017, theo báo cáo tổng kết năm của ngành BHXH, qua công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, đã phát hiện 42.263 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 88,2 tỷ đồng; 50.734 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 47,3 tỷ đồng.
Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ là trên 2.776 tỷ đồng; số tiền nợ sau thanh tra, kiểm tra là 1.312 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi nợ qua công tác thanh tra, kiểm là 52,7%). Về kết quả xử lý vi phạm hành chính: đã lập Biên bản xử lý vi phạm hành chính 505 đơn vị sử dụng lao động.
Tại BHXH Việt Nam, trong năm 2017, BHXH Việt Nam đã tiếp tục phối hợp với Thanh tra Chính phủ hoàn thiện các quy định về thực hiện thanh tra chuyên ngành; quy định về việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ, trang phục thanh tra chuyên ngành; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho đối tượng là công chức, viên chức và trưởng đoàn thanh tra.
Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố kiện toàn bộ máy thanh tra tại BHXH tỉnh; thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành do BHXH Việt Nam làm trưởng đoàn tại một số tỉnh, thành phố. Tại BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH đã kịp thời triển khai công tác thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH, BHYT; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trục lợi BHXH, BHYT; kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra hồ sơ để phát hiện kịp thời các hành vi trục lợi bảo hiểm.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của BHXH, tính đến hết năm 2016, số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp là 7.795 tỷ đồng, chiếm 3,30% so với tổng số tiền phải thu. Ngoài ra, cả nước còn có 150.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động. Như vậy, còn khoảng trên 5 triệu lao động chưa được doanh nghiệp đóng BHXH.
Qua đó, chúng ta có thể khẳng định, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH là rất nghiêm trọng, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: gian lận, khai man, lập hồ sơ BHXH khống để người lao động hưởng các chế độ BHXH...
Trên thực tế, với thủ đoạn lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đơn vị sử dụng lao động đã trốn đóng BHXH bắt buộc cho người lao động, nếu bị phát hiện thì doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt. Tinh vi hơn, có doanh nghiệp để chỉ phải đóng mức BHXH thấp hơn mức quy định, doanh nghiệp đã lập và sử dụng hai hệ thống số lương khác nhau. Một hệ thống lương dùng để chi trả lương thực tế cho người lao động; một hệ thống lương khác, chỉ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng đã được doanh nghiệp dùng để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính mức đóng BHXH…
Thủ đoạn tiếp theo là hành vi gian lận để thụ hưởng các chế độ BHXH. Ngoài ra còn phải kể đến các trường hợp liên quan đến các y, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên trong các bệnh viện đã chiếm đoạt thuốc chữa bệnh trong quá trình khám bệnh và cấp phát thuốc bằng các thủ đoạn lập khống toàn bộ hoặc một số chứng từ thanh toán thuốc BHYT. Trong trường hợp này, tài sản của quỹ BHXH đã chuyển từ dạng tiền tệ sang vật chất và việc quản lý khối tài sản này thuộc trách nhiệm của người chức vụ, quyền hạn trong bệnh viện…
Thời gian tới, một số biện pháp góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đã được cơ quan chức năng đề xuất như sau: Tiếp tục kiến nghị với Quốc hội giữ nguyên quan điểm về sự cần thiết phải bổ sung một số tội phạm trong lĩnh vực BHXH vào Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tăng mức phạt tiền và mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm hành chính về BHXH cho phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính. Chuẩn hóa các quy định, quy trình nghiệp vụ bảo hiểm thống nhất, đồng bộ, liên thông, liên kết cơ sở dữ liệu; sử dụng thẻ BHXH điện tử thay sổ BHXH, thẻ BHYT hiện hành. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH ở các doanh nghiệp...
Kết nối tới gần 100% cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế từ tuyến xã đến Trung ương Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành BHXH năm 2017 được đặc biệt quan tâm. BHXH Việt Nam đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của BHXH các tỉnh, thành phố; xây dựng hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BHTN thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, nhiều hoạt động phục vụ định hướng hiện đại hóa ngành BHXH được BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt và có hiệu quả. Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử lên tới trên 236 nghìn đơn vị; số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử khoảng 2,4 triệu hồ sơ trên tổng số 6,64 triệu hồ sơ giao dịch (tỷ lệ là 36%). BHXH tiếp tục vận hành hiệu quả hệ thống thông tin giám định BHYT, kết nối tới gần 100% cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc để thực hiện quản lý KCB, giám định và thanh toán BHYT. Đến cuối năm 2017, hệ thống đã tiếp nhận trên 166 triệu hồ sơ KCB điện tử đề nghị thanh toán; tỷ lệ liên thông dữ liệu hàng tháng đạt trên 95%... (Quỳnh Bách) |