THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:49

Cơ bản các ngân hàng mua 0 đồng hoạt động ổn định, lỗ lũy kế giảm dần

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng
 
Giải pháp nào để xử lý nợ xấu?
Chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng, đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) nêu câu hỏi liên quan đến xử lý nợ xấu. Bà cho rằng Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã được ban hành với kỳ vọng phá tan được cục máu đông nợ xấu nhưng khi triển khai gặp nhiều vướng mắc. Việc xử lý nợ xấu tài sản do nhiều tài sản liên quan tới các vụ án, chưa thể hoàn tất hồ sơ. Vậy sự chưa hoàn thiện này là vấn đề gì? Giải pháp của ngành để khắc phục?
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) lại đề cập đến việc người dân bất an với việc mua bắt buộc ngân hàng 0 đồng. "Trên 80% vốn ngân hàng đều là tiền gửi của nhân dân, nếu đổ vỡ sẽ tạo hiệu ứng domino gây thiệt hại nặng nề", ông Vượt nêu và chất vấn Thống đốc có giải pháp đột phá gì để xử lý nợ xấu và thu hút các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng trong hiện trạng ưu đãi đầu tư nước ta còn thấp?
Về Nghị quyết 42, ông Lê Minh Hưng khẳng định đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng, có ích trong việc hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Nghị quyết mới có hiệu lực từ 15/8, Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp triển khai rất cụ thể, rà soát quyết liệt. Thống đốc cho biết việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu là nhiệm vụ trọng tâm. 
Ông cũng cho biết một số vấn đề còn tồn tại, trong đó có việc tài sản còn vướng kê biên. Với một số vụ việc nợ xấu liên quan vụ án cơ quan pháp luật đang điều tra thì Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng, VAMC làm việc với cơ quan chức năng trong từng vụ cụ thể. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của các tổ chức tín dụng phải thực hiện. Hồ sơ pháp lý chủ yếu liên quan đến tài sản là bất động sản. Trong quá trình, việc hoàn thiện giấy tờ pháp lý cho tài sản đảm bảo là vấn đề ưu tiên. 
Đại biểu Đinh Duy Vượt
 
Câu hỏi của  đại biểu Đinh Duy Vượt về các ngân hàng 0 đồng, Thống đốc cho biết thực trạng trong báo cáo đánh giá là đúng. Điều quan trọng nhất là giúp ổn định được tâm lý người gửi tiền. Tránh đổ vỡ ngân hàng này, lây lan gây đổ vỡ hệ thống.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước  đã đưa cán bộ của các ngân hàng quốc doanh qua quản trị điều hành, thay đổi việc quản trị của các ngân hàng này. Đồng thời, tiết giảm chi phí để giảm lỗ. Thu hồi nợ xấu và tài sản đảm bảo. Cơ bản các ngân hàng hoạt động ổn định, lỗ lũy kế giảm dần.

Từ 2016 đã có giải pháp khác nhau xử lý các ngân hàng này. Gần đây Ngân hàng Nhà nước đã họp để hoàn thiện các phương án cụ thể. Nhưng khó khăn nhất là chưa có cơ sở pháp lý để xử lý các ngân hàng yếu kém để làm sao vừa an toàn lành mạnh nền kinh tế, giữ lòng tin, đảm bảo quyền lợi ích của người gửi tiền. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng luật sửa đổi. Quan trọng nhất là công cụ xử lý, hỗ trợ xử lý các ngân hàng tái cơ cấu.

Thống đống cũng cho biết, vấn đề quan trọng là tìm nhà đầu tư vào các ngân hàng yếu kém này. Ngân hàng Nhà nước đang đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án, có ngân hàng đang tìm nhà đầu tư. 

"Chính phủ quyết liệt hoàn thiện phương án xử lý nhưng nguồn lực ngân sách khó khăn, chúng ta huy động nguồn lực xã hội nên phải huy động nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng muốn mời được nhà đầu tư thì lại cần có hành lang pháp lý hoàn thiện” - Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

 
Làm gì để vốn trong dân không thành “vốn chết”
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) thì cho rằng vốn trong dân rất lớn, nếu dân có niềm tin thì giúp đất nước phát triển. Ông lấy ví dụ về việc hiến 5.000 lượng vàng của gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô. Còn hiện tại vốn trong dân là “vốn chết”. Thống đốc có giải pháp gì để huy động?
Ngoài ra, đại biểu cũng đề cập câu chuyện bảo hiểm tiền gửi chỉ chi trả 75 triệu đồng khi ngân hàng phá sản, đặt câu hỏi cho Thống đốc.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Công Nhường về vấn đề huy động vàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết những năm trước tốn nhiều ngoại tệ để nhập vàng nhưng nhiều năm qua, thị trường vàng ổn định. Chúng ta không mất ngoại tệ mua vàng để phục vụ nhu cầu mua bán vàng miếng.
Liên quan đến cam kết bảo hiểm tiền gửi, quan điểm của Đảng, Quốc hội, trong bất cứ trường hợp nào xử lý với tổ chức tín dụng thì mục tiêu đầu tiên là đảm bảo hệ thống, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Nên trong dự thảo Luật tổ chức tín dụng sửa đổi, Chính phủ đề xuất giải pháp rất cụ thể.
 
Liên quan câu hỏi đại biểu Trần Công Thuật về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, tập trung xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết trên cơ sở đánh giá lại, tổng kết tình hình thực hiện cơ cấu tổ chức tín dụng, kết quả đạt được đã được tổng kết. Tuy nhiên trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại. Ngân hàng Nhà nước có chỉ thị với toàn ngành, triển khai thực hiện quyết định 1058 cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Thời gian qua, tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành văn bản, quy định để đảm bảo an toàn, như tỷ lệ đảm bảo an toàn, thông tư góp vốn mua cổ phần...
“Tôi cho rằng nhóm giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, pháp quy là giải pháp then chốt. Tiếp đó là tăng cường năng lực quản lý, quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng; đẩy nhanh xử lý nợ xấu; tăng thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước; nhóm giải pháp hỗ trợ đi kèm”, ông Hưng phát biểu.
 

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh