Nợ xấu: Cần phải được xử lý tận gốc
- Tây Y
- 03:08 - 08/06/2017
Tỷ lệ nợ xấu chiếm hơn 10%
Theo tờ trình của Chính phủ thì đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong cả giai đoạn 2011-2016, nhưng việc xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm. Quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án rất chậm, chưa hiệu quả, nhất là những khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn bất cập, gây nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; thị trường mua bán nợ chậm phát triển…
Chính vì vậy Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành một nghị quyết nhằm tạo cơ chế để xử lý nợ xấu nhanh, hiệu quả, đảm bảo thị trường mua bán nợ phát triển lành mạnh.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng báo cáo Quốc hội về tình hình nợ xấu
Thảo luận tại hội trường, hầu hết các đại biểu đều nhất trí cho rằng, cần thiết phải có nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vì nếu không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế; trên quan điểm không sử dụng ngân sách để xử lý; xử lý nghiêm trách nhiệm của người hoặc tổ chức gây ra nợ xấu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, căn cứ theo tờ trình của Chính phủ, nợ xấu chiếm khoảng trên 10% nghĩa là cứ 10 đồng cho vay thì có 1 đồng nợ xấu. "Tôi đồng ý cần ban hành nghị quyết để xử lý nhanh các khoản nợ xấu, cắt bỏ cục máu đông khơi thông dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế" – ông Cường nói.
Cần tìm rõ nguyên nhân gây nợ xấu
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng là “cục máu đông” của nền kinh tế, gây ách tắc cho nền kinh tế, nếu chậm được xử lý sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn, doanh nghiệp khó vay, chỉ tiêu tăng trưởng và cơ hội phát triển của các doanh nghiệp. Hiện nay, vốn của các doanh nghiệp đều dựa vào ngân hàng là chính. Vì vậy, việc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp thiết, rất khó khăn xong không thể kéo dài”.
Theo đại biểu Mai Sỹ Diên (Thanh Hóa) , việc ban hành Nghị quyết mà mấu chốt là xử lý nợ xấu nhưng chỉ là xử lý nợ xấu phát sinh, Nghị quyết chưa chỉ rõ về nguyên nhân gây ra nợ xấu, tổ chức, cá nhân nào gây ra nợ xấu. Xử lý nợ xấu phải từ gốc. Vì vậy, Nghị quyết cần bổ sung nguyên nhân gây ra nợ xấu thì mới xử lý tận gốc vấn đề này. Đây là vấn đề dư luận quan tâm. Nhà nước mất nhiều thời gian, công sức để xử lý nợ xấu thì cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về xử lý nợ xấu, tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cần phải xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu
Còn đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) lại cho rằng, vấn đề nợ xấu hiện nay không chỉ của ngành ngân hàng, mà là vấn đề của cả nền kinh tế. Để giải quyết, cần có sự tham gia của khách hàng và cả hệ thống chính trị. Nghị quyết phải có những quy định cụ thể, cơ sở pháp lý để xử lý tài sản đảm bảo. Xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn sẽ làm lành mạnh sự phát triển kinh tế xã hội. Ông Sơn kiến nghị, nên tập trung xử lý nợ nhóm 4 và nhóm 5 để tránh việc các tổ chức tín dụng lợi dụng. Đồng thời với xử lý nợ xấu, Chính phủ cần xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu sao cho công khai minh bạch. Việc mua bán nợ xấu cũng phải công khai minh bạch theo đúng tinh thần của Nghị quyết.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Nghị quyết có thời hạn 5 năm, tuy nhiên nợ xấu thì luôn đồng hành với quá trình của sự phát triển kinh tế và luôn phát sinh. Như vậy, cần có công cụ pháp lý ổn định để ngăn chặn và xử lý nợ xấu trong tương lai. Đi đôi với xử lý nợ xấu cũng cần có biện pháp xử lý nợ xấu phát sinh.
Sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, phát biểu giải trình làm rõ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã tổng kết việc thực hiện những nguyên nhân, đề án đã trình Chính phủ và Bộ Chính trị xem xét.
Về nguyên nhân gây ra nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, yếu tố chủ quan gây ra nợ xấu là quy trình tín dụng của một số tổ chức tín dụng chưa đầy đủ chặt chẽ, năng lực quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ chưa tốt; nhiều cán bộ ngân hàng thoái hoá biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái các quy định. Công tác thanh kiểm tra, giám sát của Ngân hàng nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Về xử lý trách nhiệm nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong dự thảo nghị quyết Chính phủ đã bàn rất kỹ, và không có quy định nào trong dự thảo có thể tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hay tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi. Các hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.