THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:07

Có 3 người mẹ khóc ở phiên tòa đâm chết người khi nhắc vượt đèn đỏ!

Bà Thiếp ôm con khóc giữa giây phút gặp mặt tại tòa và những giọt nước mắt hối hận của Lê Văn Hoài (ảnh nhỏ). Ảnh: Nguyễn Phúc

Bà Thiếp ôm con khóc giữa giây phút gặp mặt tại tòa và những giọt nước mắt hối hận của Lê Văn Hoài (ảnh nhỏ). Ảnh: Nguyễn Phúc

Từ sáng sớm 20.8, bà Lê Thị Thiếp (53 tuổi, mẹ của bị cáo Lê Văn Hoài, trú P.Đông Thanh) và bà Trương Thị Tâm (59 tuổi, mẹ bị hại Mai Xuân Lan, trú P.2, TP.Đông Hà, Quảng Trị) đã có mặt ở tòa. Vẫn trong bộ áo quần lao động sờn rách đã mặc cách đây 4 tháng khi tiếp xúc với PV Thanh Niên để trình bày về cảnh nhà cơ cực, bà Thiếp mù lòa lúi cúi xếp lại ít đồ ăn thức uống chờ con trai được xe bít bùng chở đến để đưa cho nó. Còn bà Tâm rũ rượi trong bộ đồ đen, đầu chít khăn tang, mắt nhìn vô hồn...

Số phận đã sắp đặt 2 người mẹ này gặp nhau, để rồi ngồi 2 bên đối lập trong phiên tòa theo cách chẳng ai mong muốn. Trong vụ án này, cả 2 người con của họ đều có những điều chưa đúng. Hoài dùng dao đâm chết anh Lan chỉ vì xích mích nhỏ khi tham gia giao thông, nhưng trước đó anh Lan cũng chủ động đánh Hoài tới tấp bằng tay và mũ bảo hiểm. Sự khác biệt chính là hậu quả: người đã chết, người đứng trước tòa chờ phán xử. Khác nữa là bà Thiếp còn có cơ hội gặp lại con sau phán quyết 5 năm 6 tháng tù giam của tòa sơ thẩm, còn mẹ con bà Tâm giờ mãi mãi ly biệt...

Trong nhiều khoảnh khắc ở phiên tòa hôm đó, bà Thiếp và bà Tâm đã rơi nước mắt. Cứ tưởng bà Tâm đã khóc đến cạn ráo rồi. Còn bà Thiếp, sau 4 tháng mới được nhìn thấy con, cảm xúc như vỡ òa và lại khóc như chưa từng được khóc. Những giọt nước mắt đau đớn lăn trên gò má của hai bà mẹ khổ đau!

Nhưng phiên tòa còn có một người mẹ nữa cùng cảnh đớn đau. Đó là chị S., vợ anh Lan, mẹ của đứa bé chưa đầy 1 tuổi. Trong lúc tòa xét xử, người mẹ trẻ này chốc chốc lại phải lẻn ra ngoài để cho con bú. Ngồi nghe từng lời khai của bị cáo về hành vi đâm chết chồng mình, nước mắt chị lã chã rơi. Chị khóc vì tủi phận góa bụa thì ít, mà khóc cho đứa con sớm phải mồ côi cha nhiều hơn. Nó chưa đầy 1 tuổi, đã biết gì đâu mà đã mất đi hơi ấm của cha...

Chọn làm điều tử tế

Ngày 20.8, TAND tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên Lê Văn Hoài (16 tuổi, trú KP.1, P.Đông Thanh, TP.Đông Hà, Quảng Trị) 5 năm 6 tháng tù về tội "giết người". Ngoài ra, HĐXX còn buộc Hoài bồi thường gia đình bị hại hơn 131 triệu đồng, cấp dưỡng cho con bị hại mỗi tháng 1,15 triệu đồng cho đến tuổi trưởng thành.

Theo cáo trạng, trưa 4.4.2019, tại giao lộ Hùng Vương và Nguyễn Huệ (TP.Đông Hà), Hoài đi xe máy điện chở bạn gái N.T.X.H (16 tuổi) chạy trên đường suýt va chạm với xe máy của anh Mai Xuân Lan (32 tuổi, trú KP.5, P.2, TP.Đông Hà) khiến cả hai cãi nhau... Sau đó, Lan đuổi đánh thì bị Hoài rút dao đâm tử vong.

Khi phiên tòa chưa diễn ra, bà Tâm nói với người viết rằng, bây giờ bị cáo Hoài chấp hành hình phạt bao nhiêu năm với bà không còn quan trọng nữa. Bởi đằng nào con trai bà, anh Lan, cũng đã chết. “Cũng làm mẹ, tôi hiểu chứ! Con dại cái mang. Dù không quá cao thượng để bỏ qua cho kẻ đã dùng dao đâm chết con mình, nhưng bây giờ nhìn thằng Hoài như thế, nó chỉ là một cậu bé, lòng tôi cũng rối như tơ vò. Cũng thấy thương, thấy tội”, bà Tâm nói.

Và thực tế, khi phiên tòa bắt đầu, gia đình bà Tâm đã xin HĐXX giảm án cho Hoài. Bà đã chọn làm điều tử tế!

Còn bà Thiếp, người mẹ ít học hành vốn mưu sinh bằng nghề bán trái cây thuê ở chợ Đông Hà, đã run rẩy lo sợ trước số phận của con trai mình. Mỗi lần được chủ tọa gọi trả lời, bà chỉ biết lẩm bẩm: “Có gì nhờ tòa, chứ tôi cũng không biết mần răng...”. Đến khi nghe lời xin giảm án từ chính gia định bị hại, bà Thiếp quay mặt về phía bà Tâm và cúi đầu tỏ ý hàm ơn, dù mắt bà đã lòa...

Họ cũng đã thỏa thuận với nhau về khoản tiền bồi thường trước khi phiên tòa diễn ra, tổng cộng hơn 131 triệu đồng, trong đó gia đình bị cáo đã chuyển tới gia đình bị hại 60 triệu đồng. Với thu nhập trồi sụt, để có 60 triệu đồng đó, bà Thiếp đã phải chạy vạy mượn khắp nơi với hy vọng giảm bớt phần tội nghiệt của con. Còn hơn 71 triệu nữa, bà chưa biết lấy đâu ra, nhưng cứ gật đầu đồng ý trước đã. Miễn sao con được giảm án. Còn với bà Tâm, việc nhận tiền bồi thường cũng chẳng đặng đừng, nhưng phía trước đứa con dâu trẻ không có việc làm, đứa cháu nội chưa tròn 1 tuổi...

Trước mẹ, hãy cứ khóc để tìm về lương thiện!

Lê Văn Hoài bước đến tòa với bộ áo trắng quần đen, cắt tóc ngắn, để lộ nhiều dấu vết của tuổi dậy thì. 4 tháng trong trại tạm giam, Hoài trắng ra, nét ngây ngô lồ lộ. Nhưng suốt phiên tòa, bị cáo vẫn tỏ ra là người cứng cỏi, không hề rơi một giọt nước mắt kể cả khi được chủ tọa cho nói lời sau cùng để xin lỗi gia đình bị hại và ba mẹ mình. Có chăng, một vài khoảnh khắc Hoài hơi chùng lòng khi quay lại phía sau, lén nhìn ba mẹ già yếu...

Mãi cho đến giờ nghị án, khi được tạo điều kiện để gặp mẹ, Hoài mới òa khóc nức nở như chỉ để muốn nói rằng: “Mẹ ơi, con sai rồi!”.

Bà Thiếp cũng không kìm được cảm xúc, ôm con trai, hôn lấy hôn để lên tóc lên má. Rồi hai mẹ con nắm chặt tay nhau, mắt ầng ậc nước, không nói thêm một lời nào nữa... Chỉ còn nghe thấy tiếng sụt sùi ngày mỗi lớn từ phía hàng ghế những người dự khán xúc động chứng kiến cuộc gặp trái ngang. Và dù muộn màng, người ta nhìn thấy sự ăn năn ở “bị cáo trẻ con” qua những giọt nước mắt...

5 năm 6 tháng, một bản án không quá dài, thể hiện sự khoan hồng của luật pháp. Đó có thể là cơ hội cho bị cáo tu dưỡng và sớm quay lại với đời sống xã hội. Mong sẽ có một ngày, Hoài trở về sau khi mãn hạn tù và lại òa khóc trong vòng tay mẹ. Nhưng đó sẽ là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của sự đoàn tụ... chứ không giống giọt nước mắt của ngày hôm qua, giữa phiên sơ thẩm.

THEO NGUYỄN PHÚC/THANH NIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh