CLB Than Quảng Ninh bị cấm dự V-League 2022: Nỗi đau bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam
- Văn hóa - Giải trí
- 07:17 - 30/10/2021
Cái kết buồn được dự báo
Ngày 28/10, VFF đưa ra quyết định không cho phép CLB Than Quảng Ninh tham dự giải Vô dịch Quốc gia (V-League 2022). Đây là điều đã được dự đoán trước nhưng vẫn mang đến nhiều hụt hẫng với cả làng bóng Việt Nam, đặc biệt là các CĐV đội bóng đất Mỏ.
Lý do dẫn đến quyết định này là Than Quảng Ninh không đáp ứng được nhiều yếu tố theo quy định của AFC đối với câu lạc bộ chuyên nghiệp, một trong số đó là tài chính. Trước đó, đơn vị chủ quản của họ là Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh đã tạm dừng hoạt động, ngừng chi trả toàn bộ chế độ lương và phúc lợi xã hội cho cán bộ, công nhân viên.
Ngoài ra, việc không đảm bảo yếu tố tài chính, điều kiện cơ sở vật chất, các vấn đề liên quan đến đào tạo trẻ, chăm sóc y tế... là những yếu tố khác khiến Than Quảng Ninh đánh mất suất dự giải năm tới.
CLB Than Quảng Ninh từ đầu mùa giải 2021 đã gặp những rắc rối rất lớn về tài chính. Cầu thủ bị nợ lương, thưởng, lót tay lên tới gần 70 tỷ đồng. Tháng 8/2021, Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh do ông Phạm Thanh Hùng làm Chủ tịch đã dừng hoạt động và trả đội bóng cho tỉnh.
Rất nhiều cầu thủ trụ cột của Than Quảng Ninh đã phải ra đi mà không được thanh toán tiền nợ. Đến thời điểm này, nhiều người đã buông xuôi vì biết rằng đây là những khoản nợ "khó đòi".
VFF, VPF đau đầu
Thời gian tới, VFF, VPF sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng liên quan đến số đội tham dự V-League 2022, các suất lên xuống hạng hoặc có hay không một đội bóng thế chỗ Than Quảng Ninh ở mùa giải tiếp theo.
Tổng Giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc cho biết, sau khi CLB Than Quảng Ninh không được cấp phép, V-League 2022 chỉ còn 13 đội. Điều này gây rất nhiều xáo trộn và khó khăn trong công tác tổ chức mùa giải mới, đặc biệt là việc xếp lịch thi đấu.
Trước đó, sau khi các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm 2021 bị hủy vì dịch Covid-19, VPF cùng các đội bóng đưa ra giải pháp: Giữ nguyên thể thức cũ (thi đấu 2 giai đoạn phân nhóm đua vô địch và trụ hạng) hoặc đá 26 vòng như trước.
Với việc V-League 2022 chỉ còn 13 đội, công tác sắp xếp lịch và thể thức thi đấu đang thực sự nan giải. Ở mùa giải trước, tại giải hạng Nhất, CLB Tây Ninh giải thể khiến giải đấu chỉ còn 13 đội, VPF đã bố trí lịch thi đấu mỗi vòng có 6 cặp và 1 đội nghỉ. Tuy nhiên, lịch thi đấu này cũng tạo ra nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề nảy sinh tiêu cực ở giai đoạn cuối mùa giải.
Được biết, sau khi Than Quảng Ninh mất quyền dự V-League, đội bóng này không thể bán suất hoặc chuyển giao như một số trường hợp trong quá khứ. Thậm chí Than Quảng Ninh có thể bị xóa tên khỏi bản đồ bóng đá nếu như tỉnh Quảng Ninh hoặc một đơn vị nào khác không nhận lại.
Than Quảng Ninh từng có lúc được xem là mô hình của bóng đá chuyên nghiệp. Niềm tin và sự cổ vũ của người hâm mộ đất mỏ tại sân Cẩm Phả cũng là niềm ước ao của nhiều câu lạc bộ khác. Nhưng từ một đội bóng khoác lên mình vị thế một đại gia, Than Quảng Ninh bắt đầu đối diện với khó khăn, đặc biệt là ở cuối năm 2019.
Khi rơi vào cuộc khủng hoảng, trái bóng “trách nhiệm” cứ đẩy qua đẩy lại giữa Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh và tỉnh Quảng Ninh, các cầu thủ đội bóng này khổ sở đối diện với tình cảnh mất trắng 70 tỷ đồng và đau hơn nữa là việc cái tên của một thương hiệu có thể sẽ bị xóa khỏi bản đồ làng bóng Việt.
Việc Than Quảng Ninh bị cấm tham dự V-League, còn giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều hệ lụy thực sự là nỗi đau lớn. Đa số đội bóng hiện vẫn hoạt động theo kiểu chuyên nghiệp nửa vời, phụ thuộc vào các ông bầu. Vì thế, ngay khi bị rút ống thở, những câu lạc bộ này lập tức gặp khó, thậm chí giải thể.