VPF không cải tổ, bầu Đức có “đầu hàng”?
- Văn hóa - Giải trí
- 16:22 - 29/09/2021
6 CLB bị VPF từ chối đề nghị bầu lại lãnh đạo VPF
Ngày 30/8, CLB HAGL và 5 đội bóng ở V-League gồm Hải Phòng, SLNA, Bình Dương, Nam Định và Quảng Nam có đơn lên CTCP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Các đội bóng này thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế của VPF thời gian qua. Các đội bóng này muốn tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để kiện toàn bộ máy Hội đồng quản trị (HĐQT), lựa chọn lãnh đạo phù hợp điều hành công ty. Ngoài ra, cuộc họp hướng tới chấn chỉnh những mặt yếu kém, thiếu sót trong quản lý điều hành công ty của HĐQT.
Trước đó, các CLB mâu thuẫn lớn với HĐQT VPF về việc tiếp tục hay hủy V-League, giải hạng Nhất, Cúp Quốc gia 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo đại diện của CLB HAGL, VPF và ban điều hành giải không sâu sát tình hình thực tế nên đưa ra những quyết định không hợp lý. Bên cạnh đó, lãnh đạo VPF thiếu quan tâm, chia sẻ với các CLB.
Ngày 26/9, Công ty VPF đã có văn bản trả lời CLB HAGL cùng các đội bóng trên. Theo đó, VPF khẳng định đề nghị tổ chức Đại hội cổ đông bất thường là không đúng với Luật Doanh nghiệp cũng như Điều lệ công ty.
"Việc yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của quý cổ đông không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3, 4, Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 và khoản 3, Điều 24 Điều lệ Công ty VPF. Do đó, yêu cầu của quý cổ đông không thuộc trường hợp triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của HĐQT Công ty VPF", Công ty VPF trả lời
Cùng với công văn phúc đáp này, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú bày tỏ mong muốn tất cả cổ đông của VPF đoàn kết, cùng chung tay xây dựng công ty, vượt qua khó khăn để các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ngày càng tốt lên.
Thời gian qua, VPF và các đội bóng không thường xuyên có những mâu thuẫn ở mọi quyết định. Việc HAGL và một số CLB bị VPF từ chối thẳng thừng đề nghị tổ chức Đại hội cổ đông bất thường khiến bầu không khí càng căng thẳng.
Đặc biệt với HAGL, mới đây sau cuộc họp của Ban chấp hành VFF, đã quyết định không trao cúp vô địch V-League cho đội đầu bảng (HAGL), đồng thời không xác định đội xuống hạng, sau khi mùa giải 2021 phải dừng lại vì dịch Covid-19.
Bầu Đức không ngồi yên
Công văn của HAGL và 5 CLB V-League được gửi tới VPF từ cuối tháng 8 nhưng mãi đến cuối tháng 9 các đội bóng mới nhận được văn bản phúc đáp. VPF phản hồi với khẳng định: Yêu cầu đại hội bất thường là "không đáp ứng điều kiện quy định".
Bầu Tú và VPF đương nhiên có cái lý của mình khi từ chối thẳng thừng đề nghị tổ chức Đại hội cổ đông bất thường. Bên cạnh đó, nhóm các CLB đề nghị họp Đại hội cổ đông bất thường chiếm tỷ lệ 16,6% cổ phần của Công ty VPF, chưa quá bán.
Việc mới đây Ban chấp hành VFF quyết định dừng các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, không công nhận danh hiệu cũng như xác định đội xuống hạng cũng chính là từ đề xuất trước đó của VPF. Nói cách khác, HAGL và một số đội bóng phản ứng mạnh mẽ nhưng VPF đã xử lý theo đúng quy trình và được VFF thông qua.
Với cá nhân Chủ tịch VPF Trần Anh Tú, việc ký văn bản từ chối đề nghị của HAGL và 5 CLB V-League đúng thời điểm ông bầu này vừa cùng tuyển futsal Việt Nam "ngẩng cao đầu về nước" từ sân chơi futsal World Cup ít nhiều ghi điểm trong mắt người hâm mộ và cả giới truyền thông. Có thể thấy, bầu Tú và VPF đã tạm dẫn trước 1-0 trong cuộc chiến với bầu Đức và 5 CLB V-League nhưng chưa phải là chiến thắng chung cuộc.
Trước đó, bầu Đức nhiều lần chỉ trích VPF và đặc biệt là bầu Tú, đáng chú ý là phát biểu: "Ông Tú làm Chủ tịch VPF là đại diện hình ảnh bóng đá Việt Nam mà bị nhiều đội phản ứng thì nên xem lại. Nếu ông Trần Anh Tú còn tự trọng thì nên nghỉ".
Những công kích của bầu Đức vẫn còn nguyên tính thời sự và dường như ngày càng nhiều đội bóng ở V-League và hạng Nhất ủng hộ việc cần phải cải tổ VPF, cụ thể là thay đội ngũ lãnh đạo. Thời gian tới, dù bóng đá Việt Nam đóng băng vì dịch Covid-19 nhưng chắc chắn những chiếc ghế ở VPF sẽ rất nóng.