THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:02

Chuyện về chiếc áo và những bài thơ viết trên lá bàng

 

Cựu tử tù Lê Quang Vịnh và tác giả.

Được giao nhiệm vụ thực hiện bộ phim tài liệu “Những trái tim như ngọc sáng ngời” để chiếu tại “Hội nghị biểu dương những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày”, tôi may mắn gặp được ông Lê Quang Vịnh tại nhà riêng ở 58/24B Nguyễn Phúc Nguyên (phường Hưng Long, TP. Huế, Thừa Thiên - Huế) và ông Trần Trọng Tân ở đường Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Họ đều là những cựu tù Côn Đảo. Câu chuyện của họ như những thước phim quay chậm tái hiện cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản trong lao tù của thực dân, đế quốc.

Ông Lê Quang Vịnh, người đã 3 lần bị Mỹ - Diệm tuyên án tử hình và lưu đày 14 năm ở ngục tù Côn Đảo. Trong đó có 8 năm ròng rã bị đày đọa trong "Chuồng cọp", "Chuồng Bò", "Hầm Đá"... Dù bị đánh đập, tra khảo tàn bạo, dã man, ông vẫn luôn một lòng, một dạ sắt son, giữ vững lý tưởng của người cộng sản. Ông chỉ được đồng đội giải phóng khỏi gông xiềng chuồng cọp sáng 1/5/1975.

Ông Trần Trọng Tân bị bắt tại Sài Gòn năm 1969 khi đang giữ cương vị Ủy viên thường trực của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, bị giam ở khám Chí Hòa, sau đó bị đày đi Côn Đảo. Ông cũng là một trong những người lãnh đạo cơ sở đảng bí mật trong nhà tù Côn Đảo.

Ông Lê Quang Vịnh kể: Mùa đông năm 1971, khi tôi bị nhốt trong Hầm Đá, hằng đêm tôi thường nghe thấy tiếng rên của người tù mới đến ở hầm bên cạnh, qua người đưa cơm tôi được biết đó là một tù chính trị đang bị ốm. Sẵn có hai bộ bà ba đen mẹ mới may cho khi bà được ra Côn Đảo thăm con, tôi liền gửi cho người tù bên cạnh một chiếc áo.

 

Ông Lê Quang Vịnh chép tặng tác giả những bài thơ ông từng viết trên lá bàng.

 

Ông Hai Tân nhớ lại: Tôi từng bị Nhật bắt, rồi Pháp bắt tù, nhưng đậm nhất là những năm tôi bị Mỹ bắt giam ở Chí Hòa, rồi chuồng cọp ngoài Côn Đảo. Ở Côn Đảo, tình cảm của anh em bạn tù hết sức đặc biệt, thương yêu, bao bọc nhau rất chân tình. Hồi đó tôi bị giam ở Hầm Đá, trại 2, vốn đã gầy, hầm đá, trời lạnh, vậy mà có một ông bạn tù gửi cho cái áo. Sau này tôi mới biết là áo đó do mẹ gửi cho. Tôi rất xúc động. Tôi chỉ biết khu này toàn tù chung thân và tử hình chứ không biết tên. Cảm động quá, tôi tính phải trả lễ, bằng một bài thơ

Anh tặng tôi áo vải

Tôi gởi anh áo thơ

Cho có đi có lại

Ấm áp những ngày mưa

Áo lọt phòng giam, áo đến đây

Ôm hôn áo mới, nhớ câu này

Yêu nhau cởi áo cho nhau mặc

 Mẹ hỏi: Qua cầu để gió bay

Cởi áo này đem gởi tặng ta

Về đời mẹ hỏi biết sao thưa?

Đây lao biệt lập, cầu không có

Phải mối tình chi lớn đẩy đưa

Mặc áo bà ba bạn mới cho

Ngỡ quà của mẹ tự phương mô

Áo mang hơi ấm: tình đồng chí

Hầm lạnh, nhốt hoài ta chẳng lo.

Nghĩ ra bài thơ rồi nhưng chuyển cách nào? Có lần ra ngoài, kiếm được một cái đinh nhỏ, mang về mài nhọn cất kỹ làm bút viết: viết lên tường, lên lá bàng. Ở Côn Đảo có rất nhiều cây bàng, mỗi ngày tù được phát hai lá để lau khi đi vệ sinh. Tôi viết bài thơ lên lá bàng ấy, không viết được nhiều, mỗi lá một câu, rồi lần lượt nhờ người đưa cơm chuyển giúp hết bài thơ, vậy mà nhận được hết.

"Tôi ngóng từng ngày cho đến khi nhận được đủ bài thơ, tôi xúc động lắm" - ông Vịnh kể, tôi hình dung người viết bài thơ này rất trí tuệ, nghĩa khí. Bài thơ đậm nghĩa tình bạn bè, đồng chí đã động viên tôi rất nhiều. Rồi trong cái nóng thiêu đốt của mùa hè, tôi viết một bài thơ trên lá bàng gửi lại cho bạn để động viên nhau, với tiêu đề “Mùa hè chuồng cọp”:

Mưa trút dầu sôi, nắng lửa bùng

Mùa hè là bạn lũ thù chung

Cá tươi sắp lớp tê tê rãy

Thú dữ cháy rừng vật vã tung

Vôi bột sẵn phà lời tiếng rỡ

Nước bùn chực dội áo quần bung

Nửa đêm sao sáng soi hầm tối

Gió nhẹ xoa lòng nặng hiếu trung.

Ít lâu sau tôi nhận được bài thơ của bạn:

Chuồng cọp thơ anh lửa cháy

 bùng

Đây thơ hay súng bắn thù chung

Thương người đồng chí hoen

 tròng mắt

Giận lũ sài lang muốn nổ tung

Cám cảnh lả người cười chẳng tắt

Phục thay địa ngục vẫn cờ bung

Đến sau tôi quyết noi gương trước

Nghĩa Đảng, tình dân vạn hiếu

 trung.

 

Ông Lê Quang Vịnh giới thiệu với khách về phòng trưng bày "Chứng tích chiến tranh" tại nhà riêng (Huế).

 

Thời gian sau, ông Vịnh mới biết người bạn tù hầm đá bên cạnh là một trong những người lãnh đạo cơ sở đảng bí mật trong nhà tù Côn Đảo. Thông qua những chiếc lá bàng, những mẩu giấy cuộn thuốc lá, ông Vịnh và những người tù nhận được tài liệu học tập, những chủ trương của đảng ủy, những kinh nghiệm đấu tranh đối với kẻ thù... Cả hai người chỉ được giải phóng khỏi gông cùm và Hầm Đá vào sáng 1/5/1975. Đến lúc đó họ mới biết mặt nhau. Ông Trần Trọng Tân (Trần Trọng Hoãn, Phan Huy Vân, Hai Tân) từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị (1950), Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1961 - 1967), Ủy viên Ban lãnh đạo đoàn chuyên gia Việt Nam ở Campuchia (1980 - 1986), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, VII, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh…Ông từ trần ngày 4/8/2014 tại TP Hồ Chí Minh.

Sau khi thoát khỏi xiềng xích của nhà tù Côn Đảo, trở về với Đảng, với nhân dân, ông Lê Quang Vịnh tiếp tục hoạt động cách mạng với nhiều cương vị công tác khác nhau như: Thường vụ Đặc khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo kiêm Bí thư Huyện ủy Côn Đảo; Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh; Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ kiêm Phó Ban Dân vận Trung ương Đảng. Ông kết hôn với bà Trần Thị Kim Khánh - em gái của ông Trần Trọng Tân và có 2 người con, được đặt tên như khát vọng khi ở trong tù: Trai là Lê Quang Tự Do và gái Lê Quang Hạnh Phúc.

Trong quá trình thực hiện bộ phim “Những trái tim như ngọc sáng ngời” tôi đã được gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày: Ông Mai Vy, cựu tù Sơn La, người đã được đồng chí Tô Hiệu kết nạp đảng trong tù; Tạ Quốc Bảo (Hà Nội), cựu tù Hỏa Lò; "Samurai” - Vũ Văn Kim (Bắc Ninh),  người đã tự mổ bụng mình để đấu tranh với địch tại nhà tù Côn Đảo; Lâm Văn Bảng (Hà Nội), cựu tù Phú Quốc; Hoàng Thị Khánh (TP Hồ Chí Minh), cựu tù Côn Đảo… họ là những người cộng sản bình dị mà gan góc, bất khuất, kiên trung trước kẻ thù, nhân hậu, thủy chung sắt son với đồng chí, đồng đội, đã góp phần viết nên trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập tự do.

Những bài thơ viết trên lá bàng của hai chiến sĩ cộng sản đã vượt ra khỏi hầm tối ngục tù, tỏa sáng rực rỡ, góp phần làm nên giá trị văn hóa và cốt cách tinh thần cộng sản. Giá trị ấy, cốt cách ấy đã làm nên chiến thắng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc hôm qua và mãi mãi tỏa sáng trong công cuộc xây dựng, bảo về Tổ quốc Việt Nam hôm nay và mai sau.

LƯU HỒNG SƠN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh