THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:45

Chuyện tình “người hùng điền kinh”

Điểm xuất phát của “anh nuôi”

Qua ba cánh đồng bát ngát lúa, đay, chúng tôi tìm hỏi đến nhà vận động viên điền kinh Quốc gia Nguyễn Văn Lai, ở xóm Long Khang, xã Nga Hưng (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa). Ông Nguyễn Văn Thủy (bố đại úy Lai) ra mở cổng hồ hởi: “Hôm nay có nhà báo nào đến đây”? và không quên mời chúng tôi vào nhà. Câu chuyện trở nên thân mật khi ông Thủy giới thiệu ông nguyên là sĩ quan Binh đoàn 12 nay đã nghỉ hưu. “Thằng Lai nhà tôi trước đi lính nấp ăn ở Trường quân sự Quân đoàn 1. Nó từng đoạt giải chạy việt dã cấp Quốc gia. Gia đình tự hào lắm anh ạ”. Ông Thủy chỉ tay lên một loạt bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà phấn khởi khoe như vậy.

Tấm Huân chương cao quý mà Lai được Chủ tịch nước trao tặng.                    Ảnh MT

Năm 2007, cũng như bao trai làng, Lai khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Vốn con nhà nông cần cù chịu khó, sau ba tháng huấn luyện quân trường, Lai được đơn vị chọn cử đi học sơ cấp nấu ăn rồi về làm anh nuôi cho Tiểu đoàn 3 Trường quân sự Quân đoàn 1. Niềm đam mê thể thao từ nhỏ và nhờ siêng năng rèn luyện, Lai được đơn vị cử tham gia một giải chạy vũ trang do Quân đội tổ chức. Đợt thi đó, anh đoạt giải nhất toàn quân. Tố chất điền kinh của Lai đã lọt vào “mắt xanh” của Trung tướng Tô Đình Phùng. Ngay sau giải việt dã kết thúc, tướng Phùng đã đề xuất và chỉ đạo đưa Lai sang tập luyện ở Trung tâm Thể dục Thể thao Quân đội. Đó là cuối năm 2007. “Lúc đó em rất bất ngờ. Niềm vui đoạt giải thì biết rồi, nhưng cũng lo quá. Song em luôn tin vào năng lực của mình. Gọi điện về cho mẹ, mẹ bảo có chí thì cứ đi. Vận động viên điền kinh cũng là một nghề. Hãy biết tỏa sáng trên đường đua. Được mẹ tiếp sức, em phấn chấn và lên đường”, Lai kể lại.

Không phụ công sức sau những ngày miệt mài luyện tập, một lần nữa Lai lại lập kỷ lục quốc gia với môn điền kinh với cự ly 5.000 mét nam với thành tích 14 phút 38 giây 92. Đó là năm 2010. Và sau đó một năm, anh lại tiếp tục đoạt hai HC Đồng ở SEA Games 26 trên đường chạy 5.000m và 10.000m. Tại SEA Games 27, Nguyễn Văn Lai lại làm nên vẻ vang cho điền kinh Việt Nam, bên cạnh “nữ hoàng tốc độ” Đinh Thị Hương ở đường chạy cự ly ngắn với hai HC vàng.

Giây phút đăng quang của Nguyễn Văn Lai .                Ảnh tư liệu

Thành tích của “chàng còi chân đất” không dừng tại đó, tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Gemas) lần thứ 28 tổ chức tại Singapore 2015, ở nội dung 5000m nam môn điền kinh, Lai đã phá kỷ lục SEA Games, mang về một tấm HC vàng. Một lần nữa Lai lại tỏa sáng trên cung đường bên nước bạn, đem lại vinh quang cho Tổ quốc. “Đem vinh quang về cho Tổ quốc, là mục tiêu phấn đấu của vận động viên mỗi lần thi đấu. Là người lính, em muốn cống hiến sức trẻ của mình, thi đấu hết mình”. Lai khiêm nhường nói về thành tích. Với thành tích xuất sắc của Lai, tôi hiểu tại sao đồng đội của anh và những người hâm mộ gọi anh là “người hùng điền kinh”.

Chuyện tình 

Khi chị Đinh Thị Hương đưa con về thăm ông bà nội, nhiều người nghĩ nữ vận động viên điền kinh sẽ “khô” trong việc nội trợ, cơm nước, nhưng không, Hương nhanh nhẹn, chịu khó chẳng khác gái quê thứ thiệt. Ngồi giặt tã cho con trai mới sinh chưa đầy năm, cô tươi cười khi nghe bố chồng nói “chuyện tình điền kinh” của mình. Ngơi tay Hương bảo “Ngày mới biết nhau, em và anh Lai ghét nhau như chó với mèo. Đúng là cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”.

 Hương kể, năm 2008, lúc đó, cô là vận động viên điền kinh từ Hòa Bình được cử đến Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng tập huấn. Hương được biên chế cùng tổ luyện tập với Lai. Một lần trên đường băng luyện tập chạy dài, hai người tình cờ quen nhau. Dẫu chẳng hiểu gì về chàng trai xứ Thanh cao như cây sào này, nhưng ánh mắt của Lai đã làm trái tim Hương xao xuyến. Hương chủ động hỏi quê quán Lai. Khi biết Lai người gốc xứ Thanh, là chiến sĩ Quân Đoàn 1 từng đoạt giải vận động viên điền kinh Quốc gia thì đem lòng mến phục. Mặc dù lòng đã “xiêu” lòng trước chàng bộ đội, nhưng làm cách nào để phát “tín hiệu tình yêu”, trong khi Lai vẫn lạnh băng như đường đua việt dã. Khi hai người đã thân thiết, Hương giả vờ làm mối Lai cho người bạn gái của cô. Chàng trai ngây ngô chẳng hiểu “đèn xanh” mà Hương đã “bật”, Lai vô tư đi tìm hạnh phúc cho mình mà không hề biết trái tim người “dắt mối” đã “lịm” vì anh. Trong khi Lai vui với tình yêu mà Hương dẫn mối, thì trái tim Hương lại se sắt đợi chờ. Cô mong một ngày nào đó Lai hiểu “tình yêu không lời” cô dành cho Lai. Nhiều lúc, cô muốn chạy ào đến nói rằng: “Em chỉ giả vờ làm mối anh cho bạn gái em thôi. Anh là thằng ngốc” nhưng rồi không thể. Bởi cô hiểu mình có “mãnh liệt” đến mấy cũng không thể “cọc đi tìm trâu”.

Cô giáo Hương cùng con trai.                 Ảnh MT

Trong tình yêu có những điều tưởng chừng không thể lại xảy ra. Người mình “dắt mối”  đi yêu người khác sau thời gian yêu không thành thì quay lại yêu mình. Tình yêu của Lai và cô bạn gái mà Hương làm mối chẳng đem lại kết quả gì. Sau thời gian “đứt đoạn phòng không”, Lai quay lại yêu Hương. Ngày Lai ngỏ lời cầu hôn, Hương nghẹn ngào rưng lệ. Trái tim cô muốn vỡ òa xúc động. Họ nắm chặt tay nhau đi trên đường băng. Cũng con đường này một năm về trước hai người quen nhau. Họ mơ ước một mái nhà chung.

Ngày chia tay người yêu lên đường sang Trung Quốc tập huấn, Hương nép đầu vào vai áo Lai cho tim mình thổn thức. Tình yêu dâng tràn trên ánh mắt đôi môi. Hôn lên ánh mắt sâu thẳm, Lai nói với Hương vẻn vẹn 7 chữ “đợi anh về, mình sẽ cưới nhau”.

Hạnh phúc

Thời gian như mũi tên bắn đi. Những lá thư, cuộc điện thoại của Lai từ Trung Quốc gọi về sưởi ấm trái tim Hương những đêm đông giá lạnh. ở hai đầu nỗi nhớ họ hướng về nhau. Nơi nước bạn xa xôi Lai luyện tập hăng say mong ngày kết thúc tập huấn, ở Việt Nam Hương đếm thời gian chờ đón Lai về. Ngày gặp nhau sau hơn 2 năm xa cách, Hương ra tận sân bay đón Lai. Cầm bó hoa tặng người yêu mà nước mắt dâng tràn, lòng nghẹn lại. Họ chẳng nói nên lời. Giữa sân ga, bốn mắt nhìn nhau long lanh niềm hạnh phúc

Xác định cưới Hương làm vợ, Lai đưa Hương về quê thăm bố mẹ, gia đình. Thiếu nữ Hòa Bình lạ đất xứ Thanh, Hương cứ lóng ngóng mỗi lần múc nước. Những lúc theo người yêu ra bãi lúa, ruộng đay cô ngượng chín mặt khi trẻ trâu gọi tên “vợ chồng điền kinh”. Bà Sâm biết con trai “say Hương hơn điếu đổ”, bà dạy Hương cách làm dâu thôn quê vốn còn nhiều hủ tục, cách xưng hô, giao tiếp họ hàng. Được mẹ chồng tương lai chỉ dạy, Hương cảm động khâm phục càng yêu Lai hơn.

Sau 6 năm yêu nhau, 5 lần về quê làm dâu thử và nhiều lần hờn giận, đám cưới của hai vận động viên điền kinh diễn ra tại xã Nga Hưng. Bà con thôn Long Khang đến chúc mừng hạnh phúc. Đại úy Lai hãnh diện bên vợ, cô dâu Hương xúc động bên chồng.

Sau ngày cưới, do điều kiện sức khỏe Hương không tiếp tục theo đuổi nghề vận động viên điền kinh nữa, cô đi học giáo viên thể dục và về dạy ở huyện Mỹ Đức Hà Nội, còn Lai vẫn ngày ngày luyện tập chuẩn bị cho những trận thi đấu mới. Mỗi lần đoạt giải, hoặc nhận bằng khen, huân, huy chương, Lai đem về tặng vợ. Bởi anh hiểu, sau những tấm bằng khen, huân, huy chương cao quí ấy, có một phần không nhỏ công sức của vợ để anh yên tâm luyện tập.

Những ngày nghỉ hè, Hương đưa con trai về Thanh Hóa thăm ông bà nội. Phần thay Lai chăm sóc bố mẹ, phần muốn làm tròn bổn phận làm dâu. Cô tự hào rạng rỡ khi nói về chồng: “Chúng em gặp nhau, yêu nhau trên đường đua. Bây giờ em không làm việc cùng anh ấy, nhưng em và anh vẫn cùng đường đua, đó là đường đua hạnh phúc”. Nghe con dâu nói chuyện tình yêu, ông Thủy bế cháu nội thơm lên má bé rồi cười khà khà “Nhờ điền kinh mà bố mẹ cháu nên duyên chồng vợ đấy. Sau này lớn lên, cháu cũng đi bộ đội như bố nhé”.

TRẦN MẠNH TUẤN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh