CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:29

Chuyện tình thời chiến

Ổn định biên chế, Sư đoàn được bổ sung quân, đa phần quê ở Nghệ An và Hà Tĩnh, trong  số đó  có Sỹ quê ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Chuẩn bị lên đường, thì Nhân, chị gái Sỹ - sinh viên Đại học Vinh  đến thăm em. Tôi - một đại đội trưởng trẻ chưa vợ, nên bỗng dưng được mọi người gán ghép với Nhân. Chẳng biết tình cảm đối với tôi như thế nào, nhưng cứ mỗi lần gặp tôi, hai má Nhân ửng đỏ… Thời gian thăm em trai chẳng được lâu, Nhân cũng phải ra về. Hôm chia tay, nắm bàn tay mềm mại, ấm áp của em hồi lâu mà tôi không muốn rời...

Cuối năm ấy, đơn vị tôi hành quân vào Nam, chiến đấu suốt lộ 20 rồi về Gia Kiệm, Định Quán... Đầu tháng 4/1975, Sư đoàn 341 được lệnh hành quân gấp về tiêu diệt quân địch ở thị xã Xuân Lộc (Đồng Nai) cùng với 2 sư đoàn bạn. Trước khi vào trận chiến quyết liệt này, Sỹ được đề bạt làm Tiểu đội trưởng. Có lần Sỹ bảo với tôi: “Hướng nào khó khăn thì anh giao cho em nhé!”.

Đúng  5 giờ  sáng ngày 9/4/1975, các hướng của Quân đoàn đồng loạt nổ súng.  Khi đó, bảo vệ Xuân Lộc không chỉ có Sư đoàn 18 ngụy, mà còn có hơn 10 tiểu đoàn bảo an, dân vệ, cùng với lữ đoàn thiết giáp cùng chốt giữ, do chuẩn tướng Lê Minh Đảo chỉ huy. Ngày 18/4/1975, trong một đợt tấn công vào sào huyệt cuối cùng thì Sỹ bị thương nặng. Được tin ấy, tôi vội vàng đến thăm. Biết tôi đến, giọng Sỹ  yếu ớt, đứt quãng: “Đại đội trưởng... ơi, anh ơi ! Em có lẽ không qua khỏi... Sau chiến tranh, anh nhớ về thăm mẹ và chị Nhân nhé …”. Nghe Sỹ nói thế, tôi không kìm nổi lòng mình, hai mắt nhòa lệ. Do vết thương quá nặng, tối hôm ấy Sỹ đã vĩnh viễn ra đi.

Sau khi quân ta làm chủ thị xã Xuân Lộc, tôi mới có thời gian đến viếng Sỹ và một số đồng đội đã hy sinh. Với Sỹ, ngoài tình đồng chí, đồng đội, tôi còn mang nặng trong mình tình cảm anh em và sự gửi gắm của Nhân - người con gái như là mối tình đầu của tôi. “Nhân ơi ! Anh đã có lỗi với em rồi đó, anh đã phụ lòng tin yêu gửi gắm của em ngày chúng mình chia tay…”, tôi đã bao lần thầm gọi Nhân trong sự dằn vặt.

Sau giải phóng Xuân Lộc, đơn vị tôi tiếp tục giải phóng Trảng Bom, rồi thần tốc tiến vào Biên Hòa và Sài Gòn. Thế rồi trưa ngày 30/4/1975, sư đoàn tôi kịp có mặt ở dinh Độc Lập. Mừng mừng, tủi tủi, chúng tôi ôm chầm lấy nhau vui quá mà dâng trào nước mắt. Với tôi lúc đó ngoài niềm vui còn nỗi lòng đau đáu tiếc thương Sỹ và biết bao đồng đội đã ngã xuống trước giờ toàn thắng.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, do quá bận rộn nên phải một tuần sau đó chúng tôi mới trở lại Xuân Lộc, thắp những nén hương cho các đồng đội đã yên nghỉ nơi đây. Kính cẩn nghiêng mình trước những ngôi mộ lặng thinh mà mắt chúng tôi ai cũng đỏ hoe: “Sỹ ơi, các đồng chí ơi! Hãy thứ lỗi cho bọn mình nhé, để đến hôm nay mới ra thăm các cậu được.  Các cậu có vui không, nước nhà đã thống nhất, hạnh phúc trào dâng nhưng chúng mình lại vắng các cậu…”. Trong làn khói hương nghi ngút ấy, ai cũng cảm thấy như linh hồn các liệt sỹ cùng về chia vui với chúng tôi trong ngày toàn thắng. Trong tình cảm thiêng liêng cao quý đó, không ai bảo ai, mỗi người đều đắp lên mộ những thảm cỏ xanh với nỗi lòng tiếc thương vô hạn.

Đứng lặng hồi lâu bên những ngôi mộ lặng thinh mà bao ký ức xưa lại hiện về trong tôi: “Sỹ ơi! Anh xin hứa với em, một ngày gần đây nhất định anh sẽ về thăm mẹ, thăm chị Nhân ...”. Tạm biệt Xuân Lộc một thời đỏ lửa, tôi đi trong nỗi đau, đi trong niềm vui của ngày hòa bình, trên con đường thênh thang không còn bom đạn. Một ngày đầu tháng 12/1975, tôi đến thăm Nhân tại khu tập thể trường Đại học Vinh. Mặc dù đã chuẩn bị trước, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy hồi hộp. Gặp lại nhau, Nhân ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào, xúc động.

Nhắc đến Sỹ, giọng Nhân trầm xuống, hai mắt ngấn lệ: 

 -  Anh ạ ! Khi nghe tin Sỹ hy sinh, mẹ em ngất lên ngất xuống. Nghĩ cũng thương, mẹ em sinh được bốn người con, nhưng mình Sỹ là con trai … 

Không riêng gì mẹ, đối với tôi hai mắt cũng bao lần cay xè. Lặng đi hồi lâu, tôi nhỏ giọng vỗ về:“Hãy dũng cảm lên em, đất nước mình có hàng triệu bà mẹ như thế, dù sao thì Sỹ cũng đã hy sinh rồi…”. 

Cái rét đầu mùa hơi lạnh, lấy vội chiếc khăn choàng lên người cho Nhân, tôi như cảm thấy hơi ấm từ nơi em lan tỏa sang mình. Ngẩng mặt lên, đôi mắt Nhân long lanh nhìn tôi hồi lâu, và tôi hiểu rõ ánh mắt em muốn gửi gắm điều gì. Ai mà tả nổi ánh mắt ấy, ánh mắt của người đàn bà đang yêu: Sâu thẳm, hiến dâng, đợi chờ…Chiến tranh đã lùi xa 41 năm, biết bao chiến sỹ đã nằm xuống, người được “mồ yên mả đẹp”, người còn đang phải nằm lại đâu đó, nhưng điều duy nhất là họ vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người dân Việt Nam. Với tôi, một người lính trở về sau chiến tranh, trên thân thể còn mang nhiều vết thương, nhưng những kỷ niệm xưa - một thời  vượt Trường Sơn chiến đấu cùng với Sỹ vẫn còn mãi theo năm tháng...                        

HỮU ĐÀO/Lao động và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh