THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:09

Chuyện người phụ nữ hơn 26 năm luôn xem gia đình chính sách là người thân

Thương các mẹ như chính mẹ ruột

Đó là chuyện về chị Lê Thị Chiến – Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng). Trong lần xuống Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng, tôi có duyên được trò chuyện với chị về nghề. Qua câu chuyện về gia đình chị khiến tôi có nhiều suy nghĩ.

Câu chuyện người phụ nữ hơn 26 năm luôn xem gia đình chính sách là người thân của mình - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Chiến – Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng) 

Chị sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, trong gia đình có bốn anh chị em. Ba của chị tham gia cách mạng và hy sinh, một mình mẹ chị tần tảo nuôi các con khôn lớn. Chị kể: "Lúc hy sinh ba tôi làm Bí thư xã và được công nhận liệt sĩ. Anh chị tôi vì điều kiện gia đình nghèo nên lần lượt nghỉ học phụ giúp mẹ nuôi các em. Em gái tôi sinh ra bị thiểu năng (do lúc mang thai mẹ tôi bị địch bắt tù đày, tra tấn) nên cũng không học hành gì được. May mắn cho tôi là được đi học dù cuộc sống rất khổ cực".

Học hết cấp 3, gia đình nghèo nên chị đành gác lại ước mơ vào đại học. Chị xin vào làm nhân viên của một cơ quan Đảng tại huyện. Năm 1995, cơ duyên đưa đẩy chị gặp lại người bạn chiến đấu của ba chị ngày xưa, chú ấy nói gia đình mình có truyền thống cách mạng nên chú nhận chị về công tác ngành LĐ-TB&XH  (nhân viên phòng Chính sách TBLS).

Câu chuyện người phụ nữ hơn 26 năm luôn xem gia đình chính sách là người thân của mình - Ảnh 2.

Chị Lê Thị Chiến (thứ hai bên trái) cùng lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH 

Thấm thoát đã 26 năm trôi qua từ khi vào ngành, đến nay chị là Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng. Chị kể: "Những năm 1996 - 1997 tỉnh còn rất nghèo, điều kiện, phương tiện đi lại vô cùng khó khăn, những xã vùng xa như Vĩnh Quới, mỗi chuyến công tác về đây là phải ngủ lại tại xã. Có lần đến nhà một gia đình có con là liệt sĩ, ông bà sống ở vùng sâu heo hút, neo đơn, chị còn ở lại giúp ông bà nấu cơm. Cảm nhận tấm lòng nhân hậu, ông bà đòi nhận mình làm con nuôi".

Nhớ lần cùng đoàn của ban Chính sách Ban chỉ huy Quân sự tỉnh đi tìm hài cốt liệt sĩ, nhờ vào sự phát hiện của người dân và tình cờ vào đúng nhà của chú thương binh, trước đây chú bị cắt chế độ do hồ sơ lập sai quy định (do chú bị thương tật nên đi đứng rất khó khăn và sống neo đơn - PV). Tuy nhiên, chú vẫn nhiệt tình hỗ trợ đoàn trong những ngày ở lại. Thấy thương cho hoàn cảnh của chú nên tôi quyết tâm giúp chú hoàn thành sớm hồ sơ để được nhận hỗ trợ. Sau những ngày dầm mưa dãi nằng đoàn cũng hoàn thành nhiệm vụ đưa 7 hài cốt liệt sĩ (bị pháo dập tập thể - PV) về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ. Và tôi cũng đã hoàn thành được tâm nguyện, đó là giúp chú phục hồi hồ sơ để hưởng chế độ thương binh. Cảm động tấm chân tình chú tặng tôi 1 cặp bồ câu về nuôi đến bây giờ đã có 1 đàn gần 100 con", chị Chiến kể.

Rồi có lần đưa đoàn Bà mẹ VNAH đi tham quan Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo hướng dẫn của đoàn là phải di chuyển không được dừng, nhưng có mẹ bỗng đứng lại. Lúc đó chú bảo vệ đến nhắc nhở, mẹ khóc và nói cho mẹ đứng lại một chút để được nhìn Bác cho rõ hơn. Cảm động và thấy thương mẹ vô cùng.

Lấy công việc làm động lực phấn đấu

Gần 30 năm trong lĩnh vực người có công, với truyền thống gia đình cách mạng, là con liệt sĩ, ba hy sinh lúc mới 2 tuổi nên hình ảnh về ba chỉ biết qua lời kể của mẹ. Thiếu thốn tình thương cũng là một trong những lý do để chị hiểu được sự mất mát của gia đình liệt sĩ và chị luôn coi họ như người thân của mình. Vì vậy, trong quá trình thực hiện chính sách đối với người có công, ngoài việc thực hiện đầy đủ, chính xác những quy định của Đảng, Nhà nước đối với người có công và thân nhân, chị còn cố gắng nghiên cứu kỹ những văn bản pháp luật có liên quan để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.

Câu chuyện người phụ nữ hơn 26 năm luôn xem gia đình chính sách là người thân của mình - Ảnh 4.

Chị Lê Thị Chiến cùng đoàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Sóc Trăng

 Từ năm 1995 đến nay, chị đã trực tiếp xem xét hồ sơ tham mưu lãnh đạo trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 1.092 hồ sơ liệt sĩ; 2.461 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 308 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; tham mưu xét đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH cho 1.944 mẹ; tham mưu lãnh đạo ban hành quyết định trợ cấp cho 6.747 gia đình người có công giúp đỡ cách mạng; 5.695 người hoạt động kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến…

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng cho biết, hàng năm, chị Lê Thị Chiến đã tham mưu lãnh đạo Sở phát sinh quyết định trợ cấp thường xuyên, một lần theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi, bổ sung) cho trên 1.000 hồ sơ các loại như: Trợ cấp một lần, trợ cấp phát sinh hàng tháng, giải quyết mai táng phí, giải quyết mai táng phí cho các đối tượng chính sách; quyết định trợ cấp cho người thờ cúng liệt sĩ; xét duyệt cấp lại 595 giấy chứng nhận các loại (thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, chất độc hóa học).

Câu chuyện người phụ nữ hơn 26 năm luôn xem gia đình chính sách là người thân của mình - Ảnh 5.

Với những cống hiến hơn 26 năm qua, chị vinh dự nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của lãnh đạo Bộ, của tỉnh. (Chị Chiến (bìa trái) cùng các Mẹ VNAH). 

"Đối với người có công chị Chiến là người luôn hòa nhã, tận tình, nhanh chóng giải quyết những trường hợp người dân đến liên hệ, không để người dân phiền hà, chờ đợi, những trường hợp khó khăn vướng mắc kịp thời xin ý kiến lãnh đạo Sở xem xét giải quyết ngay", lãnh đạo Sở chia sẻ.

Với những cống hiến hơn 26 năm qua, chị vinh dự nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen… Đặc biệt năm 2020, chị vinh dự được chọn làm đại biểu tiêu biểu dự hội nghị vinh danh những tấm gương hy sinh thầm lặng vì cộng đồng, được Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen Vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội…


PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh