THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:40

Chuyện lính Tây Nam- Hồi ức của nỗi đau và lòng kiêu hãnh

 

Có thể nói, ngay từ đầu, người đọc  lập tức bị cuốn hút bởi lời tựa ngắn gọn, giản dị mà đầy kiêu hãnh của chính tác giả Trung Sỹ. Trung Sỹ tên thật là Xuân Tùng. Anh sinh 1960 ở Hà Nội. Rời Hà Nội ra đi vào trận mạc khi vừa 18 tuổi. Năm năm cầm súng là quãng thời gian để anh nếm trải dày đặc các trận chạm súng, phục kích, bắn lén, càn quét… Rồi Xuân Tùng mãn hạn phục vụ, theo chế độ anh giải ngũ với cấp bậc Trung Sỹ,  trở lại về phố Phùng Hưng, một trong phố cổ nhất Hà Nội, đi học Trung cấp xây dựng và làm việc tại công ty Vinaconex. Lấy vợ 1994, khi 34 tuổi, nay đã có hai con trai đều đã trưởng thành. Chính lúc này, sau hạnh phúc đơn giản của con người được sống những "ngày sống tháng năm bình thường", song rất quý giá của hòa bình, anh đã dành nhiều đêm viết nên truyện kí "Chuyện lính Tây Nam" nhiều kì; kiên nhẫn từng đêm công bố trên một mạng Win Win do anh em cựu binh trở về lập ra, (người đọc và người viết đa phần là anh em binh sĩ từ chiến trường K và phía Bắc trở về).  Những câu chuyện chân thực đã lan nhanh trong bạn đọc mạng, mạng WIN WIN nhanh nhậy thu băng Clip, Nhà xuất bản Thanh Niên phát hiện giúp Trung Sỹ in sách.

 “Chuyện lính Tây Nam” dày hơn 300 trang được chia thành 120 đoản truyện với những cái tên ấn tượng: “Lên chốt”; “Đập vỡ cây đàn”; “Khế ước cách mạng”; “Tiếng lục lạc bò”; “Tết chiến trường”; “Lămthon gái goá”; “Giải vây sư 341”; “Chửi nhau với địch ở Oudong, Uống nước xác người trong đường sắt”; “Tiếng hú chim thiêng”; “Lá thư đô thị”; “Vượt đỉnh Aoral”; “Hàng phố bâng khuâng”; “Lung lay bóng nguyệt”; “Tìm diệt”; “Mùa khô rừng khộp”; “Loạt đạn gọi hồn”; “Buổi chiều máu”; “Tiếng cối đêm sương”; “Ngủ chung với địch”; “Nữ chiến binh Kh’mer Đỏ”…Bắt đầu từ lúc anh lính ra đi, xa Hà Nội nơi sinh ra, đến tận khi anh ta trở về đất mẹ Việt Nam: “Dường như hạnh phúc đang phủ xuống chúng tôi một giấc ngủ lành”.

 

 

Người đọc hồi hộp theo chân chàng lính trẻ bước vào cuộc chiến với “tiếng chó sủa ong óc lúc xóm gần, lúc làng xa như có động vì quân cảnh đuổi bắt lính trốn” trong đêm “Chủ nhật cuối cùng” trên đất Bắc; lên “Chuyến tàu quân sự”; tập kết ở “Trảng Lớn-Tây Ninh”, pháo Kh’me Đỏ bên kia biên giới nã sang tận bên này. Lửa cháy rực trời… Những gì được kể lại chân thực trong “Chuyện lính Tây Nam” cho thấy sự khốc liệt, nghiệt ngã tới mức như trò đùa của chiến tranh. Sự sống và cái chết quá mong manh. Cái chết rình rập, bám theo từng bước chân người lính, ẩn nấp trong từng gốc cây, ngọn cỏ. Nhiều khi không chết bởi họng súng địch bên kia chiến hào, mà chết dần chết mòn bởi ma thiêng nước độc, với những hầm chông, bãi mìn câm lặng. Và trong khói lửa chiến tranh chết chóc, thiên nhiên đất nước Chùa Tháp vẫn hiện lên với vẻ đẹp vừa hoang sơ quyến rũ, vừa bí ẩn hiểm độc. Ăn bờ ngủ bụi như thú hoang nơi rừng sâu núi thẳm, mỗi một lần hành quân qua thị trấn, hay trở về cứ, là một lần người lính rừng tưởng như được trở về với thế giới loài người…

Dòng hồi ức được ghi chép bởi một tay bút nghiệp dư, một người “không phải là nhà văn nhà báo” từng tham gia quân ngũ 40 năm trước. Nhưng người đọc thực sự ngạc nhiên bởi sự “chuyên nghiệp” trong từng câu chữ. Dường như Trung sĩ Xuân Tùng sinh ra là để cầm bút. Nhưng cuộc đời đã khiến ông bước vào cuộc chiến mỏi mòn nơi xứ lạ, với “hơn bốn năm rưỡi dọc dài các nẻo chiến trường đất nước Chùa Tháp”. Số phận đẩy đưa ông vào cuộc chiến, rồi lại giúp ông may mắn trở về, để bốn mươi năm sau, những ký ức về cuộc chiến, về những đồng đội của mình đã thôi thúc ông ngồi ghi chép lại. Đọc “Chuyện lính Tây Nam” không thấy cảm giác lan man của thể loại “hồi ức”. Ngược lại, trang nào, mục nào cũng dày đặc sự kiện, hình ảnh, cảm xúc... Trải qua bốn mươi năm, những gì còn đọng lại trong hồi ức của tác giả đã tác động mạnh đến độc giả bởi những  những hình ảnh, những câu chuyện, những ký sức đầy sống động, chân thực của cuộc chiến tranh biên giới.

Nhà văn Nguyễn  Văn Thọ cho biết, ấn tượng của ông về "Chuyện lính Tây Nam" là sự ngồn ngộn không thiếu bất cứ "thứ gì" mà người lính phải trải qua trong bất kì một cuộc chiến tranh nào, mà vẫn làm rõ cái riêng của cuộc chiến biên giới Tây Nam. 120 đoản chuyện dựng lên mọi hành vi của con người, bản năng và bản ngã, để sợ hãi, để dũng cảm, để ước mơ và có lúc đầy buồn tủi, để tưởng như hèn đớn mà vẫn vượt qua tất cả... Nhưng cao hơn cả là trong đau khổ hy sinh, cái tinh thần của người lính Việt, trước là vì tính mạng mình, sau là vì đồng đội, có lòng căm hờn tôi ác diệt chủng làm nên hai chữ "Thương yêu" tận cuối cùng của trang sách. Tuần tự theo từng thời gian mà viên trung sỹ tham chiến. Tất cả các chi tiết đã được kể hiện rất sinh động và không hề che đậy giấu giếm. Ở đây cần nhấn mạnh, đụng tới thi pháp văn xuôi, có thể ẩn tàng trong chàng trai Hà Thành phố cũ - lời kể chân thực, giữ nguyên ngôn ngữ lính, mà lại là hiệu ứng tin cậy cho độc giả, ở sự thật lôi cuốn, hấp dẫn. Thủ pháp điện ảnh ở nhiều đoạn kể, tả đã làm nên sự hình dung sinh động cho bạn đọc. Dường như người ta có thể mường tượng ngay trước mắt mọi diễn tiến, hành động, cảnh trí như những thước phim tài liệu quay chậm. Cuốn sách như mạch chảy triền miên không nghỉ. Trung Sỹ bất cần sự quành quéo của nghệ thuật dẫn chuyện, anh cứ lia từng loạt ngắn Ak 47, mạch lạc hết sức dung dị như vệt đạn lửa bắn điểm xạ hai viên một của người lính đã dày dạn, đã ngấm mọi sự chuyện vào xương tủy và máu thịt.

 

Trung Sỹ Xuân Tùng bên tác phẩm của mình


120 câu chuyện trong "Chuyện lính Tây Nam" được gói vào đó rất nhiều chi tiết của đời sống chiến tranh. Từ câu chuyện mang tính hồi ức, tác giả sử dụng chọn lọc khá nhiều chi tiết rất chung ở chiến tranh người Việt tham chiến mà lại riêng đặc thù Chiến trường K. 120 câu chuyện của đời sống chiến tranh không chỉ giầu chất sử thi về một cuộc chiến mà trong đó phản ánh rất rõ bộ mặt của kẻ thù, quân diệt chúng Ponpot, cả chiến thuật mà địch quân sử dụng đến chiến lược phát triển chiến tranh. Vô hình chung, khi kể hết “đời sống“ của tác giả và đồng đội, cuốn sách như một cuốn Kĩ năng sống, tồn tại, chiến thắng của đội quân cách mạng Việt Nam, cả khi tiến hành chiến tranh tự vệ và cả khi chiến đấu bên cạnh quân đội Nhà nước Campuchia tiêu diệt tận gốc quỷ dữ.

Nhưng tất cả những điều ấy không quan trọng bằng cuốn "Chuyện lính Tây Nam" phơi bầy được rất sinh động Tâm lí binh sĩ tham chiến. Những suy nghĩ, tình cảm, tinh thần của người lính tình nguyện, thông qua chính tác giả và qua những diễn biến, cảnh huống trận mạc, để người ta “phải chiến thắng”. Chiến thắng cái yếu hèn trong mỗi con người, trước gian khổ, thiếu thốn và nhất là trước cái chết.

“Tôi không giấu giếm bạn đọc và các nhà phê bình văn học rằng, tôi đã chùi nước mắt nhiều lần khi đọc lại đời sống chiến tranh , một đời sống mà tôi không muốn trải qua lần nữa cũng có rũ bỏ để quên đi sau những trang viết về nó của chính tôi. Nhưng chính Trung Sỹ lại cho tôi hồi tưởng lại chúng tôi. Đau khổ và kiệu hãnh những con người Hà Nội nói riêng và nói chung là binh sĩ cánh mạng Việt. Điều cực quan trọng hơn thế là, dẫu chiến tranh đã từng như thế vẫn không làm tôi thiếu tin cậy ở dân tộc, ở bản anh hùng ca viết bằng máu, xương, cả nỗi đau khổ... dấu trong nhiều thế hệ, nối nhau mà sẵn sàng bảo vệ đất nước...” – nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh